Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:43 GMT+7

Điển hình

Hàn Quốc quyết tâm trở thành quốc gia đi đầu trong tái chế

14/07/2020

Theo chính sách này, chai lọ nhựa trong suốt được thu gom từ các bãi tập kết rác công cộng và tại các chung cư ở thủ đô Seoul, thành phố Busan và tỉnh Jeju, sau đó được tái chế thành các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao thông qua chương trình hợp tác với doanh nghiệp địa phương. Trước đây, rác thải nhựa dùng để tái chế thành các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao ở Hàn Quốc đều được nhập khẩu, chỉ 10% chai lọ nhựa trong nước được tái chế thành các sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao. 
Quần áo thời trang từ nguyên liệu tái chế
Hưởng ứng chính sách mới của chính phủ, nhiều doanh nghiệp ở Hàn Quốc như Pleatsmama và Hyosung T&C đã tạo ra sản phẩm may mặc và túi dệt kim làm từ chai nhựa được thu thập từ đảo Jeju. SMT Chemical tái chế đồ nhựa bỏ đi ở thành phố Cheonan thành chai lọ đựng mỹ phẩm, trong khi nhà sản xuất nước khoáng Sparkle thu thập chai nhựa trong suốt trên toàn quốc để cung cấp nguyên liệu cho các công ty BlackYak, Kolon F&C và TK Chemical sản xuất quần áo chuyên dụng. 
Không chỉ có ngành may mặc, bao bì mà cả những ngành có giá trị sản phẩm cao hơn như nội thất cũng bắt đầu có xu hướng tái chế hoặc sử dụng các nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên. 
Ryu Jong-dae, nghệ nhân và nhà thiết kế sản phẩm nội thất có tiếng xứ sở Kim Chi, trong khoảng chục năm gần đây đã thay thế nguyên liệu gỗ bằng lõi ngô và nhựa tái chế để chế tác các sản phẩm của mình. 
Trong dự án Craft Digital Craft, ông đã sử dụng Polylactic Acid (PLA), một loại nhựa sinh học được làm từ bột bắp hoặc mía. Đặc điểm của vật liệu này là có thể phân hủy hoàn toàn chỉ sau vài năm bị loại bỏ. 
Nghệ nhân Ryu Jong-dae
Chia sẻ với phóng viên, ông Ryu Jong-dae cho biết: “Những tài nguyên mà chúng ta sử dụng hiện nay là hữu hạn, do đó tôi nghĩ các nghệ sĩ nên quan tâm đến các biện pháp giảm thiểu chất thải ra môi trường khi họ thiết kế và sản xuất sản phẩm cho công chúng".
Bên cạnh việc thúc đẩy việc tái chế, Chính phủ Hàn Quốc cũng ra nhiều chính sách nhằm hạn chế rác thải và đồ ăn thừa. Với đặc điểm một bữa ăn truyền thống thường bao gồm rất nhiều món ăn kèm, người Hàn bỏ đi một lượng đồ ăn thừa lớn nhất thế giới. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng về xử lý rác thải mà còn lãng phí lớn. Do đó, chính quyền Seoul đã ban hành một loạt biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này như bắt buộc các gia đình phải trả thêm phí nếu bỏ rác quá cân, bắt buộc phân loại rác, khuyến khích những phong trào ủ phân hữu cơ và trồng rau trong thành phố để tận dụng lượng rác thải này... Sau Seoul, một số địa phương khác như Busan, Jeju cũng bắt tay vào hành động. 
Mục tiêu của chính phủ nước này là tái chế gần như toàn bộ lượng rác thải ra trong vòng 5 năm tới. 
Thanh Hà t/h