Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:44 GMT+7

Tin hoạt động

Hội thảo “Vai trò của định giá carbon, các công cụ dựa vào thị trường, tiềm năng đóng góp trong việc thực hiện NDC và khả năng áp dụng ở Việt Nam”

25/06/2020

Ngày 25/6/2020, tại Vĩnh Phúc, Ban Quản lý Dự án Sẵn sàng tham gia thị trường carbon của Việt Nam (VNPMR) tổ chức Hội thảo “Vai trò của định giá carbon, các công cụ dựa vào thị trường, tiềm năng đóng góp trong việc thực hiện NDC và khả năng áp dụng ở Việt Nam”.
Hội thảo nhằm thảo luận các định hướng vĩ mô liên quan đến nội hàm trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, các công cụ định giá carbon dự kiến áp dụng ở Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực của các Bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp và các hiệp hội công nghiệp về công cụ định giá carbon. Đây là một trong những hoạt động của Dự án VNPMR do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong đó, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện hợp phần “Thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường carbon trong lĩnh vực thép”.
Ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu chào mừng Hội thảo
Định giá carbon là một công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính. Chính phủ không phải sử dụng các công cụ áp đặt mà cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải thực hiện và cho phép họ quyết định chuyển đổi hoạt động và giảm lượng phát thải, hoặc tiếp tục phát thải và trả tiền cho lượng khí thải đã thải ra. Do vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư cho phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp.
Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Dự án hợp phần Bộ Công Thương
Tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã trình bày về Tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất thép và khả năng áp dụng công cụ định giá carbon ở Việt Nam. Kết quả hợp phần Dự án VNPMR của Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả bước đầu xây dựng các chương trình giảm phát thải tạo tín chỉ và thí điểm trong ngành sản xuất thép. Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, các chuyên gia đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính và xác định các giải pháp giảm nhẹ đối với các nhà máy trong ngành thép ở Việt Nam.
Đông đảo đại diện tham dự từ các bộ ngành, đối tác phát triển, hiệp hội và tổ chức nghiên cứu 
Trong giai đoạn tới, bên cạnh xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV các cấp, xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành, cần có những đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường khi áp dụng các công cụ định giá carbon để lựa chọn công cụ định giá carbon tối ưu cho Việt Nam. Thông qua Hội thảo, đại diện từ các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, hiệp hội công nghiệp cũng như các đơn vị nghiên cứu đều chia sẻ quan điểm rằng định giá carbon có thể thực hiện thông qua nhiều công cụ khác nhau, tuy nhiên, việc lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững