Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:24 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hành vi tiêu dùng của người Việt thay đổi ra sao trong và sau COVID-19?

27/05/2020

Theo kết quả khảo sát của McKinsey & Company về hành vi tiêu dùng của người Việt cho thấy, người tiêu dùng Việt thuộc nhóm người lạc quan nhất ở châu Á khi cho rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức do khủng hoảng COVID-19 đặt ra. Đơn vị này cũng đưa ra những khuyến nghị giúp cho những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng tại Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất Đông Nam Á
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới. Kết quả thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã bị giảm sút rõ rệt trong Quý I/2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo rằng, nếu dịch bệnh được khống chế trong vòng nửa đầu năm 2020, tăng trưởng của Việt Nam có thể phục hồi vào năm 2021 và duy trì tăng trưởng mạnh trong trung hạn. Lý do được đưa ra là các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì mạnh mẽ; Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Số lượng lớn các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương hứa hẹn sẽ giúp cải thiện mức độ tiếp cận thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia đã chủ động, nhanh chóng và kịp thời đưa ra những giải pháp hiệu qủa để phòng chống dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế. Việt Nam có số ca nhiễm thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á và tính đến hiện tại không có trường hợp tử vong nào. Bên cạnh đó, dù giảm sút nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương trong Quý I.
Để tìm ra câu trả lời trước những băn khoăn về hành vi tiêu dùng có người Việt có thay đổi gì trong bối cảnh khủng khoảng do dịch Covid-19, vào giữa tháng 4 năm 2020, McKinsey đã thực hiện một cuộc khảo sát với 618 người tiêu dùng tại Việt Nam về những thay đổi hành vi tiêu dùng của họ.
Từ kết quả cuộc khảo sát cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhóm người lạc quan nhất ở châu Á khi cho rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức do khủng hoảng COVID-19 đặt ra. Tuy vậy, tác động kinh tế ở Việt Nam sẽ là rất lớn, khi hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng GDP vào khoảng 3-5% trong năm 2020.
Kết quả cũng chỉ ra, chỉ 4% người dân Việt Nam nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế so với 6% tại Indonesia, 16% tại Hoa Kỳ và 24% tại Hàn Quốc (trong số tất cả các quốc gia được khảo sát, chỉ có Trung Quốc có thái độ tự tin hơn, với 3% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố này).

Khảo sát về sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt trước, trong dịch Covid-19
Làm gì để thích ứng?
Qua theo dõi, khảo sát, ghi nhận, nghiên cứu từ các biện pháp cách ly xã hội cùng với các áp lực mưu sinh vẫn đang gây ra những thay đổi đáng kể và lâu dài trong hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam. McKinsey & Company xác định ba thay đổi chính có thể tái định hình tương lai tiêu dùng tại Việt Nam một cách đáng kể.
Thứ nhất, chi tiêu cho các mặt hàng cơ bản và tập trung vào giá trị. Tại Việt Nam, khoảng 70% dự kiến sẽ cẩn thận hơn trong chi tiêu của mình, và gần một nửa số người được hỏi đang cảm nhận được các tác động của COVID-19 đến sinh kế của họ. Điều này dẫn đến giảm kỳ vọng chi tiêu cho các ngành hàng, ngoại trừ “các nhu yếu phẩm” như hàng tạp hóa, thực phẩm và dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, người Việt đang dành nhiều thời gian hơn để tập thể dục và nấu ăn, cũng như đọc tin tức và sử dụng các phương tiện truyền thông. Họ dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho các ngành hàng và tập trung nhiều hơn vào giá trị sản phẩm.
Thứ hai, ngày càng ưa thích sản phẩm lành mạnh có nguồn gốc tại địa phương. Hơn 4 trên 5 người Việt Nam được hỏi (81%) cho biết họ tập trung hơn vào sức khỏe, thể hiện ở lượng tiêu thụ các sản phẩm lành mạnh tăng lên (ví dụ như trứng, hàng tươi sống, và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe). Có thể thấy rằng người dân đang tập trung nhiều hơn vào ăn uống lành mạnh, khi người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm tươi sống, được sản xuất ở địa phương hơn và giảm lượng sản phẩm đã qua chế biến, đồng thời, có sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu dự kiến trên các nền tảng trực tuyến. Trong số các nước Đông Nam Á mà McKinsey & Company đã nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia trung thành nhất với hàng hóa “địa phương”.
Thứ ba, người Việt Nam khá trung thành với các cửa hàng – nhưng không trung thành lắm với các thương hiệu trong mùa dịch. So với các thị trường khác, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn trung thành với các cửa hàng thân quen trong cuộc khủng hoảng (trừ trường hợp cửa hàng quá xa nhà hoặc hết hàng). Tuy nhiên, đã có những thay đổi đáng kể trong việc lựa chọn thương hiệu, dự kiến thay đổi này sẽ tiếp tục và gây ra biến động đáng kể về độ trung thành với ngành hàng tiêu dùng đóng gói. Cụ thể, 39% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đã đổi cửa hàng. Ba lý do hàng đầu khiến họ đổi cửa hàng là, gần nhà hơn (46% người đổi cửa hàng), mua hàng online hoặc trên ứng dụng (42%), hết hàng thiết yếu (37%). Tuy nhiên, tới 75% số người Việt Nam được hỏi đã thay đổi thương hiệu trong dịch COVID-19, và dự kiến những thay đổi này sẽ tiếp tục kéo dài sau đại dịch.
Ngoài ra, McKinsey & Company cũng khuyến cáo, bốn lĩnh vực mà các công ty bán lẻ tạp hóa cần suy nghĩ lại để điều chỉnh phương pháp tiếp cận: Một là an toàn, sức khỏe và phạm vi dây chuyền cung ứng; Hai là, vai trò hỗ trợ của công nghệ trong giao hàng và chuỗi giá trị; Ba là, ý nghĩa của giá trị đáng đồng tiền; Bốn là khách hàng trung thành.
McKinsey & Company là công ty tư vấn quản lý với phạm vi hoạt động toàn cầu với sứ mệnh hỗ trợ các tổ chức tìm cách giải quyết những vấn đề thách thức mang tính chiến lược, từ tái cơ cấu tổ chức để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn cho đến cải thiện hiệu quả kinh doanh và tối đa hóa doanh thu. McKinsey thành lập văn phòng tại Hà Nội từ năm 2008 với sứ mệnh cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và khu vực công, cũng như các tập đoàn đa quốc gia và các định chế tài chính quốc tế có nhu cầu phát triển tại Việt Nam.
Theo Báo Công Thương