Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:25 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

EU hỗ trợ ngành công nghiệp nặng giải quyết thách thức về khí hậu

12/03/2020

Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét các quy tắc viện trợ nhà nước và khởi động dự án sản xuất hydro sạch để thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giúp các doanh nghiệp ở châu Âu duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu khi họ bắt tay vào cắt giảm khí thải quy mô lớn.
Chiến lược công nghiệp của EU được Ủy ban điều hành châu Âu công bố mới đây đưa ra một tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu của EU nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.
“Quản lý sự chuyển đổi xanh và kỹ thuật số và tránh sự phụ thuộc bên ngoài trong bối cảnh địa chính trị mới đòi hỏi phải thay đổi căn bản - và nó cần phải bắt đầu ngay bây giờ”, Giám đốc ngành công nghiệp châu Âu Thierry Breton cho biết.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một liên minh công cộng tư nhân trực tuyến để sản xuất hydro sạch, theo mô hình của dự án pin trị giá 8,3 tỉ euro (tương đương 9,4 tỉ USD) liên quan đến 7 quốc gia EU và 17 công ty.
Sử dụng hydro làm nguồn nhiên liệu thay thế cho than hoặc khí đốt có thể cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực khó khử carbon như thép, nhưng công nghệ này vẫn rất tốn kém.
Các liên minh khác của EU sẽ làm theo đối với các ngành công nghiệp carbon thấp, dữ liệu đám mây và nguyên liệu thô.
Các công ty sẽ yêu cầu một lượng điện lớn để hỗ trợ các công nghệ như sản xuất hydro. Brussels (Bỉ) sẽ theo dõi với một kế hoạch chi tiết hơn để giúp đảm bảo nguồn cung này.
“Đối với ngành công nghiệp, để giảm lượng khí thải, cần hiệu quả năng lượng cao hơn và chủ yếu tiếp cận nguồn cung cấp năng lượng carbon dồi dào với giá cả cạnh tranh", ủy viên kinh tế hàng đầu của EU, ông Valdis Dombrovskis nói.
Đối với một số lĩnh vực, mục tiêu đến năm 2050 của EU chỉ còn một hoặc hai chu kỳ đầu tư, đồng nghĩa với việc ngay từ bây giờ các công ty phải đầu tư ít carbon, nếu không sẽ có nguy cơ mắc kẹt khí thải trong nhiều thập kỷ và tạo ra tài sản mắc kẹt (tài sản phải chịu các khoản ghi giảm, mất giá hoặc chuyển đổi thành nợ phải trả không lường trước được – PV).
Khoảng một nửa công suất sản xuất thép của Đức và gần một phần ba các nhà máy xi măng của nước này sẽ đòi hỏi phải tái đầu tư lớn trong thập kỷ tới.
“Thử thách ở đây là không có sự đầu tư rõ ràng cho các công ty ở châu Âu để phát triển công nghệ quy mô thương mại”, ông Oliver Sartor thuộc tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende cho biết.
Các công ty châu Âu đã triển khai các dự án thí điểm cho sản xuất thép dựa trên hydro và thu được lượng khí thải carbon từ sản xuất xi măng.
Tuy nhiên, trong khi các dự án thí điểm có thể trị giá khoảng 20-80 triệu euro, mức giá cho các dự án quy mô thương mại bắt đầu ở mức hàng trăm triệu euro.
EC cũng sẽ sửa đổi các quy tắc viện trợ nhà nước về năng lượng và môi trường vào năm 2021 để khuyến khích các quốc gia thành viên phân bổ các quỹ trong nước nhằm nhân rộng các dự án trên.
Thái Anh