Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:09 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Để kinh tế tuần hoàn “cất cánh”: Hoàn thiện thể chế

30/10/2019

Người dân phơi cá giữa “biển rác” ở Chợ Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: Lekima Hùng.
Trong xu hướng hiện nay, cơ hội phát triển bền vững mở ra cho doanh nghiệp là rất lớn, ước đạt khoảng 12 tỷ USD/năm; riêng kinh tế tuần hoàn khoảng 4,5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn mà mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng...
Xu hướng phát triển bền vững 
Kinh tế tuần hoàn là  xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. 
Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.
Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.
Trên thế giới, những tập đoàn hàng đầu đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Ví dụ, IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào 2030; Lego hướng đến dùng nhựa thực vật; Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Hay như Schneider Electric (Pháp), các hoạt động kinh tế tuần hoàn chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên giai đoạn 2018-2020.
Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam hiện chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Thực tế, tại Việt Nam, khối FDI và một số ngân hàng là những đơn vị tiên phong quan tâm tới câu chuyện của kinh tế xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Là một trong những ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng xanh với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, HDBank đã và đang tài trợ vốn cho nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Ngân hàng cũng có nhiều gói tín dụng cho chuỗi khép kín từ nhà phân phối, đại lý đến nhà cung cấp, cung ứng của nhiều đơn vị như Samsung, LG, CP, DPM, PLX, PVOIL, SGCoop,...
Tuy nhiên, mô hình tuần hoàn gần như chỉ áp dụng tại những tập đoàn nước ngoài, các công ty lớn. Với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đây vẫn là khái niệm mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan, nhất là nhà nước và doanh nghiệp.
Cơ hội làm giàu từ tái chế rác thải
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD): Để triển khai kinh tế tuần hoàn, trước tiên các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này. Hiện tại, chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn, vì thế, cần có sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước.
Ở Việt Nam, từ năm 2016, VBCSD đã khởi xướng chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, triển khai nền kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đi từ việc nâng cao nhận thức cho đến việc hỗ trợ triển khai.
Từ năm 2018, dự án hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn đầu tiên được ra đời – đó là dự án “Zero Waste to Nature (Không xả thải vào thiên nhiên)”, được sự cam kết ủng hộ của cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương về việc thí điểm phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), sắp tới có thể triển khai rộng rãi tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chỉ ra một trong những thách thức khi đưa kinh tế tuần hoàn vào đời sống là rào cản nhận thức của người dân. Rào cản xuất phát từ vấn đề đặt tên, cách gọi “kinh tế tuần hoàn” và các sản phẩm của mô hình này.
Ông Huy lý giải, về cách gọi, nhựa tái chế hay nhựa sinh thái không khác nhau về bản chất, nhưng hai cách diễn đạt này mang lại hiệu quả tiêu dùng trái ngược. Đồ nhựa tái chế không được đón nhận tại Việt Nam, người dùng có phần lăn tăn về thành phần, chất lượng sản phẩm bởi từ “tái chế”.
Ngược lại, người Đức sẵn sàng bỏ 20 Euro (hơn 500.000 đồng) mua một chiếc cốc sinh thái, tái sinh từ bã, vỏ cà phê. Hay như những đôi giày sinh thái “made in Việt Nam” bán chạy tại Đức, sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam, đó là thách thức.
Mô hình của Heineken Việt Nam
Heineken Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế.
Hiện, gần như 100% chai bia thủy tinh của Heineken Việt Nam được thu hồi để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn. 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon. Giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.
Sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Giải pháp nào?
Ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Quỹ Phát triển đổi mới sáng tạo của Nghị viện Phần Lan (SITRA) cho rằng, Việt Nam có  nhiều tiềm năng cho nền kinh tế tuần hoàn phát triển, đó là nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, các phụ phẩm từ nông nghiệp. Nhưng ở khía cạnh khác, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất – kinh doanh. Bởi thị trường cho các sản phẩm tái chế khó cạnh tranh với nguyên liệu gốc ban đầu, nên rất cần chuyển từ bán hàng hóa sang dịch vụ, ở đó người tiêu dùng tham gia với vai trò là người mua các dịch vụ.
“Để hoàn thiện quy trình này, cần phải thay đổi tư duy không chỉ với người dân mà còn cả với doanh nghiệp. Đồng thời, giảm dần nền kinh tế tuyến tính bên cạnh tăng cường nền kinh tế tuần hoàn. Điều này cần quyết tâm cao từ Chính phủ và khu vực công”, ông Ernesto Hartikainen khuyến nghị.
Còn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần phải có  hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. 
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là: Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Đại diện HDBank cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN cần tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng truyền tải điện để tối ưu hóa các nguồn phát của các dự án năng lượng tái tạo đã và đang được đầu tư.
Đồng thời, sớm ban hành giá điện Mặt trời để tạo niềm tin và động lực rót vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào dự án năng lượng tái tạo, đưa Việt Nam thành trung tâm năng lượng của khu vực.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV kiến nghị Chính phủ xây dựng các chương trình, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi ủy thác qua các tổ chức tín dụng (tương tự quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa), nhằm khuyến khích tài trợ các dự án xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách định hướng để các nhà băng ứng xử với những dự án ảnh hưởng tới môi trường xã hội bằng cách tăng lãi suất cho vay hoặc hạn chế cho vay...
Muốn kinh tế tuần hoàn có thể “cất cánh” tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đề nghị đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”. 
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhưng triển khai trong thực tế còn hạn chế.
Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Kinh tế nông thôn