Chuyển đổi nhiên liệu sử dụng trong đốt lò, xử lý khí thải và tro, xỉ đảm bảo hoạt động của nhiệt điện than nhằm giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, hướng đến sản xuất sạch hơn là những biện pháp mà Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã và đang triển khai.
Là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính thức đi vào vận hành và phát điện thương mại từ năm 2015, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương được đánh giá là nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đặc biệt nhà máy là công trình nhiệt điện đầu tiên của EVN sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB), đây là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay có ưu điểm sử dụng than xấu có nhiệt trị thấp, giúp cháy kiệt nhiên liệu, giảm khí thải và lượng tro xỉ ra môi trường.
Đối với việc xử lý khí thải, công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cải tiến thiết bị, công nghệ để đưa hệ thống ESP vào vận hành ngay khi bắt đầu khởi động lò, cũng như hoàn thành chuyển đổi sử dụng nhiên liệu đốt lò từ dầu FO sang dầu DO dùng cho quá trình lên xuống lò hơi cũng như quá trình xử lý sự cố trong vận hành hoặc đốt kèm để giảm tải để ngừng lò và đưa lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động ngay từ khi bắt đầu đốt các vòi dầu của lò hơi. Việc chuyển đổi thành công dùng dầu DO thay thế dầu FO đã giải quyết tuyệt đối vấn đề môi trường do ngay từ khi khởi động đã được công ty đưa ngay lọc bụi vào làm việc nên tình trạng khói đen không còn ra khỏi ống khói như trước đây. Đồng thời, trong quá trình vận hành xảy ra tình trạng sự cố giúp công ty khôi phục lại rất nhanh vì hiện tượng tắc vòi dầu không còn.
Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 có tổng công suất thiết kế là 1.080MW, gồm 02 tổ máy, công suất mỗi tổ máy là 540MW. Nhà máy sử dụng nhiên liệu chính là than cám 6a.1 theo tiêu chuẩn TCVN 8910:2015 hàm lượng tro, xỉ trung bình khoảng 37,5%, mỗi năm tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn than, thải ra khoảng 1,3 triệu tấn tro, xỉ, trong đó khối lượng xỉ đáy lò khoảng 525.000 tấn (chiếm 40%) và tro bay khoảng 787.500 tấn (chiếm 60%). Tùy theo nhu cầu sử dụng tro xỉ được xả từ các silo xuống các phương tiện vận chuyển đi tiêu thụ hoặc đưa lên bãi xỉ 1.
Để xử lý vấn đề này, đối với xỉ đáy đến thời điểm hiện tại, Nhà máy tiêu thụ và xuất bán được khoảng 50% lượng xỉ đáy thải ra. Lượng còn lại 50% công ty đã tổ chức thuê vận chuyển đi san lấp tại một số khu vực tại Cẩm Phả theo nhu cầu của Chủ đầu tư. Còn đối với tro bay, khoảng 20% -30% thải ra hàng tháng được vận chuyển đi tiêu thụ làm vật liệu xây dựng, cung cấp cho các nhà máy xi măng như: Nhà máy xi măng Bút Sơn, Nhà máy xi măng Long Sơn…và một số nhà máy tại khu vực Hải Dương, Bắc Ninh.
Lượng tro bay còn lại (chiếm 70-80%) sử dụng để san lấp, Công ty ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư Minh Phong vận chuyển đi san lấp tại một số khu vực có nhu cầu san lấp đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho san lấp như: Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh-Cẩm Phả-Quảng Ninh, khu đô thị Quảng Hồng-Cẩm Phả-Quảng Ninh.
Ngoài ra, Công ty cũng xây dựng hệ thống xử lý tro xỉ, khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại…với công nghệ đồng bộ, có liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Toàn bộ lượng tro xỉ của Nhà máy được chuyển qua hệ thống trạm bơm và đường ống thải xỉ bằng phương pháp thải xỉ ướt giúp không phát tán bụi ra môi trường, lượng xỉ ướt nàu được chuyển ra điểm tập kết tại bãi thải xỉ số 1 (cách xa Nhà máy cũng như khu dân cư).
Bãi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương Nhằm kiểm soát các chất thải và khí thải ra môi trường, Công ty đã lắp đặt hệ thống thiết bị tự động quan trắc tự động, giám sát liên tục các thông số khói thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, hệ thống camera, khí thải, hệ thống lấy mẫu nước thải tự động; hệ thống công tơ đo đếm điện năng lọc bụi tĩnh điện. Tất cả được kết nối online truyền số liệu thông số môi trường về Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ninh nhằm công khai, minh bạch các thông số phát thải của nhà máy. Đồng thời công ty cũng hoàn thành công tác cấu hình hệ số ô xy tham chiếu cho các thiết bị giám sát khí thải lò hơi và cấu hình trạng thái thiết bị giám sát môi trường theo quy định tại Thông tư số 24/2017/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chỉ tính riêng quý 3/2019, Công ty đã nộp vào ngân sách của địa phương gần 110 triệu đồng gồm phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên nước. Do làm tốt công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như công tác tuyên truyền nên từ đầu năm 2019 đến công ty đã không để xảy ra trường hợp nào vi phạm về môi trường.
Không chỉ làm tốt công tác môi trường, trong những năm qua Công ty Nhiệt điện Mông Dương luôn coi công tác an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng để góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng của Công ty và với ngành điện. Để xây dựng hình ảnh và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, Công ty đã thực hiện công tác ASXH, ủng hộ cho địa phương với giá trị gần 600 triệu đồng như tặng 100 bộ bàn ghế cho Trường Tiểu học và THCS xã Cẩm Hải; trao tặng 10 điều hòa cho Trường Mầm non Cẩm Hải; tặng quà ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp cho các quỹ hộ trợ với tổng giá trị đến hết quý III/2019 là hơn 240 triệu đồng, và đang tiếp tục triển khai các chương trình hành động nhằm giúp đỡ, tương trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nơi Công ty đóng chân và CBCNV trong ngành điện nhằm góp phần lan tỏa nghĩa tình ngành điện đến cộng đồng xã hội và những địa phương còn nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Công ty Nhiệt điện Mông Dương tiếp tục chú trọng, chuẩn bị các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ SXKD, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của quốc gia. Song song với đó là đảm bảo công tác môi trường, và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng.
Công ty Nhiệt điện Mông Dương được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/ Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) giao quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (công suất 1080MW), mỗi năm, Nhà máy cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 6,5 tỷkWh, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội tại vùng kinh tế trọng điểm đông Bắc Bộ. |
Theo Báo Công Thương