Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:33 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tăng trưởng xanh - Con đường tất yếu phát triển bền vững

14/08/2019

Mô hình tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững mà Việt Nam thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện là tăng trưởng xanh. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh cũng đang trở thành con đường tất yếu đối với tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, con đường này còn không ít chông gai cần phải vượt qua.
Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Tăng trưởng xanh là nội dung trọng tâm trong phát triển bền vững.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Neo  Optical, thị trấn Neo (Yên Dũng). Ảnh: Việt Hưng
Thời gian qua, sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang còn dựa chủ yếu vào phát triển chiều rộng; tăng trưởng kinh tế chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, chủ yếu là khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô, khai thác lao động giá rẻ, sản xuất vẫn là gia công lắp ráp; chưa thực hiện xanh hoá lối sống, tiêu dùng bền vững. Những hạn chế đó được thể hiện qua một số dấu hiệu.
Trước hết, tăng trưởng kinh tế chưa gắn với bảo vệ môi trường. Ô nhiễm môi trường đất có xu hướng tăng lên; môi trường nước đang có xu hướng suy kiệt nguồn nước mặt, hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt chuẩn cho phép. Nguồn nước ngầm có hiện tượng ô nhiễm ngày càng tăng; môi trường không khí tuy chưa bị ô nhiễm ở mức cao, nhưng có nhiều nơi gần các khu công nghiệp (CN) đã vượt chuẩn cho phép; ô nhiễm tiếng ồn diễn ra trên các trục đường giao thông, các đô thị đều vượt quy chuẩn; lượng chất thải rắn được thải ra quá mức, ước tính đến năm 2020 thải ra khoảng 90 nghìn tấn chất thải rắn CN.
Diện tích, chất lượng rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ bị suy giảm, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt gần 37%, thấp hơn mức trung bình cả nước; chỉ có 75% khu CN (3/4), 20% các cụm CN (8/36) có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nước thải tập trung; hầu hết các khu, cụm CN, làng nghề chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về xử lý chất thải rắn nguy hại; việc xử lý chất thải rắn y tế chưa được thực hiện theo công nghệ riêng, nhìn chung phương thức xử lý chất thải còn lạc hậu, thủ công...
Hạn chế tiếp theo là tăng trưởng kinh tế chưa gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Mặc dù thời gian qua tỉnh có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với ứng phó biến đổi khí hậu chưa chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả. Tác động của biến đổi khí hậu đối với tỉnh ta tuy chưa nghiêm trọng, nhưng đã, đang và sẽ gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chưa gắn với xanh hoá sản xuất và tiêu dùng. Tình trạng có gì khai thác nấy ở địa phương là khá phổ biến. Hiện tượng chạy theo thành tích bề ngoài trong phát triển CN thời gian vừa qua ở tỉnh vẫn còn, thể hiện ở việc không tính tới hiệu quả KT-XH, một số dự án không đánh giá tác động môi trường một cách thấu đáo trong quy hoạch, cũng như trong chấp thuận đầu tư dẫn đến hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường.
Gia đình bà Lại Thị Tâm, thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) thu hoạch bưởi. Ảnh: Thế Dũng
Khu vực doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp cao vào tăng trưởng và xuất khẩu nhưng chủ yếu gia công lắp ráp, chưa tận dụng được FDI vào tăng trưởng xanh. Cấu trúc DN của tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa (chiếm trên 97%) nên việc thay đổi, cải tiến công nghệ gặp khó khăn. Thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi thành một DN xanh khiến DN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề như: Chi phí đầu tư xử lý môi trường, đổi mới công nghệ lớn; sự cạnh tranh thiếu công bằng với những DN chưa thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường...
Sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Khí nhà kính phát thải từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi đó ở tỉnh ta vẫn còn hơn 80% dân số sống ở nông thôn, trên 72% hộ và trên 50% lực lượng lao động xã hội làm nghề nông nghiệp thì phát thải khí nhà kính là rất đáng kể.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) và Viện Quản lý nước quốc tế, ở nhiều nước trên thế giới, trong các nguồn gây ô nhiễm nước lớn nhất hiện nay là nông nghiệp. Đặc biệt hơn, hình thức canh tác nông nghiệp tại địa phương còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, việc sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, quá mức không chỉ gây ô nhiễm đến môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Trong tiêu dùng như là chi tiêu và mua sắm các thiết bị của DN, phần lớn vẫn chuộng các máy móc, dây chuyền sản xuất giá rẻ với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Mặt khác, một bộ phận dân cư tiêu dùng phô trương, lãng phí ngày càng phổ biến. Tiêu dùng năng lượng cho sinh hoạt và giao thông vận tải tăng, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều than và xăng dầu hơn so với trước đây làm tăng ô nhiễm môi trường. Trong tiêu dùng hàng hóa, tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên cho một số nhu cầu không hợp lý đã phổ biến. Các loại nguyên vật liệu không tái chế và khó phân hủy thải ra ngày càng nhiều.
Nhìn chung, mô hình tăng trưởng xanh ở tỉnh ta chưa đạt yêu cầu: Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, sử dụng không hiệu quả. Các loại tài nguyên cần thiết cho tăng trưởng kinh tế đều đã cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc kiểm soát vấn đề này làm chưa tốt. Tăng trưởng kinh tế đã làm gia tăng biến đổi khí hậu... 
Thời gian tới, để phát triển bền vững, phải chú ý nhiều đến việc thực hiện tốt mô hình tăng trưởng xanh: Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả phải trên cơ sở đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra và ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế phải bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Ðó là những nội dung cốt lõi của mô hình tăng trưởng xanh ở Bắc Giang.
Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế ít khí các-bon là mô hình phát triển mới được nhiều nước trên thế giới quan tâm, là đòi hỏi cấp thiết của nước ta hiện nay để phát triển bền vững.
Theo Báo Bắc Giang