Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:04 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

01/08/2019

Năm 2009 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 07/9/2009 phê duyệt “chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”. Với những mục tiêu cụ thể cho hai giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn 2016-2020. Theo đó kết thúc chương trình đến năm 2020 đạt 90% các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; 90% các Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
         Công ty thép Đông Nam Á đoạn cắt phôi thành phẩm
Để có cái nhìn tổng thể, trước hết chúng ta tìm hiểu khái niệm sản xuất sạch hơn: Sản xuất sạch hơn là một công cụ quản lý giúp các nhà đầu tư áp dụng trong quá trình sản xuất nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, người Quản lý sẽ xác định được lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao xảy ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời quan trắc liên tục hiện trạng phát thải và tình trạng ô nhiễm môi trường. Sự áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp đối với các quá trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ sẽ nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro gây ra trong mối quan hệ giữa con người và sản xuất. Nói cách khác, sản xuất sạch hơn là công cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường sống cho công nhân và các hộ dân đang sống, làm việc trong và xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống quản lý môi trường nhằm đảm bảo tính cải thiện liên tục, duy trì sự phát triển bền vững trong sản xuất của các doanh nghiệp.
Khái quát nội dung chính của quá trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Trước hết sản xuất sạch hơn phải thực sự tuân thủ trên 04 nguyên tắc sau: Tiếp cận hệ thống; tập trung vào các biện pháp phòng ngừa; thực hiện thường xuyên và cải tiến liên tục; huy động sự tham gia của mọi người. Để triển khai thực hiện chúng ta có 03 nhóm giải pháp kỹ thuật sau: Giảm thải tại nguồn; tuần hoàn & tái sử dụng; cải tiến sản phẩm. Cùng với 05 bước tổ chức thực hiện sau: Tổ chức và lập kế hoạch; chuẩn bị đánh giá; đánh giá; phân tích khả thi; thực hiện & duy trì.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, ngày 27 tháng 7 năm 2012 UBND tỉnh Đắk lắk đã ban hành Kế hoạch số 3703/KH-UBND về hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015, giao Sở Công Thương cơ quan chủ trì tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch. Năm 2010 Sở Công  Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng và đăng ký kế hoạch thực hiện với Hợp phần “sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” (CIP) – Bộ Công thương trên cả 05 đề án thành phần để thực hiện chiến lược và đã được hỗ trợ kinh phí thực hiện 02 lớp tập huấn kiến thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 39 cán bộ quản lý và 37 lãnh đạo cùng cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khoá tập huấn giúp các cán bộ quản lý và các doanh nghiệp có nhận thức cụ thể hơn về chương trình, một số doanh nghiệp đã có sự vận dụng kịp thời trong quá trình quản lý, sản xuât của mình. Đặc biệt năm 2011 để có sự nhìn nhận thiết thực, sâu sắc hơn và có sự đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa, cải tiến kỹ thuật cũng như tận dụng tối đa những lợi thế của các doanh nghiệp. Trung tâm khuyến công đã phối hợp với Hợp phần sản xuất sạch hơn để thực hiện đánh giá nhanh tác động cũng như cơ hội thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 05 doanh nghiệp với các lĩnh vực khác nhau như: Công ty cổ phần thép  Đông Nam Á; Công ty TNHH Hoàng Nguyên; Công ty Đắk Hải; Cơ khí Viết Hiền và Công ty cà phê An Thái.
Tổ chuyên gia đã thực hiện khảo sát cụ thể đối với 05 doanh nghiệp đánh giá về cơ bản việc nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đối với các doanh nghiệp còn hạn chế. Một số doanh nghiệp đã áp dụng nhưng việc nhìn nhận đánh giá hiệu quả còn chưa sâu, chưa triệt để… Báo cáo đã đánh giá tổng thể quá trình sản xuất của doanh nghiệp về dây truyền sản xuất; phương thức quản lý; quá trình vận hành; chế độ làm việc; đặc biệt báo cáo đã đánh giá tác động và nguy cơ của việc ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở thực tế của các doanh nghiệp, báo cáo đã đưa ra những giải pháp cụ thể và đã được các doanh nghiệp đánh giá có tính khả thi cao. Quá trình đánh giá, tổ chuyên gia sử dụng ngân sách Nhà nước cấp là 100 triệu đồng.
Từ năm 2015 đến năm 2018 bố trí nguồn kinh phí qua chương trình Khuyến công 250 triệu đồng để  tổ chức thực hiện lớp tập huấn về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến năm 2019 tổ chức 02 lớp tập huấn về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến công cho 60 học viên/lớp.
Đánh giá chung những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chiến lược trên địa bàn tỉnh:
Thuận lợi:
- SXSH vừa là xu hướng phát triển tất yếu và là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp trong việc tồn tại, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và hội nhập.
- Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Hầu hết các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%, từ đó tăng chất lượng cạnh tranh của sản phẩm, thực tế không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất.
- Các cấp, các ngành từng bước đánh giá, nhận thức rõ ràng hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Tỉnh bước đầu đã có những chỉ đạo hình thành cơ quan đầu mối để thực hiện chiến lược thông qua kế hoạch số 3703/KH-UBND về Kế hoạch Hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015.
Khó khăn:
- Trên địa bàn tỉnh chưa có một đơn vị đầu mối chuyên sâu thực hiện chiến lược. Do vậy việc triển khai và tiếp cận nguồn vốn thực hiện chiến lược là rất khó khăn.
- Nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến lược. Mức độ lan toả của sản xuất sạch hơn vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này.
- Các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận những công nghệ mới, tiến tiến chưa nhanh, nhạy. Năng lực của các doanh nghiệp thực hiện chiến lược còn yếu (nhân lực, tài chính…). Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư công nghệ không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
- Nguồn kinh phí ngân sách chi hỗ trợ thực hiện chiến lược hạn chế, mới chỉ tập trung hỗ trợ mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về chiến lược. Cần đầu tư hỗ trợ các thiết bị tiên tiến cho các doanh nghiệp như vậy hiệu quả của chương trình đối với doanh nghiệp được thể hiện rõ nét hơn.
Thực hiện Quyết định số 4135/QĐ-BCT, của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 21/6/2013 về việc phê duyệt các Đề án thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Sở Công Thương đã đăng ký với ban điều hành chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp  thực hiện các đề án thành phần thuộc chiến lược sản xuất sạch hơn đến năm 2020 cụ thể với 04 đề án thành phần như sau:
Đề án: Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
Đề án: Xây dựng cơ sở pháp lý và vận hành cơ sở dự liệu, trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
Đề án: Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp;
Đề án: Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chiến lược SXSH giai đoạn 2016 đến 2020 là 2.700 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí Trung ương 2.200 triệu đồng.
Hy vọng giai đoạn năm 2016-2020 với nguồn kinh phí dự kiến xây dựng, nếu được sự chấp thuận của Bộ Công Thương thì việc triển khai thực hiện chiến lược sẽ sâu, rộng trên các lĩnh vực của chương trình.
Thời gian tới các cơ quan quản lý cần có những chương trình triển khai thí điểm (như đánh giá chuyên sâu và hỗ trợ ứng dụng) cho một số doanh nghiệp điển hình, từ đó nhân rộng cho các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác đào tạo hơn nữa đối với các nhà Lãnh đạo doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết có hệ thống đối với các giải pháp sản xuất sạch hơn. Với các doanh nghiệp đã được hỗ trợ đánh giá nhanh cần tiến hành đánh giá chi tiết và triển khai các biện pháp quản lý nội vi. Tuy nhiên, để hiểu rõ và áp dụng sản xuất sạch hơn một cách hiệu quả thì còn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành trên địa bàn Tỉnh và sự chủ động trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn từ các doanh nghiệp./.         
Ngọc Anh - Trung tâm Khuyến công tỉnh Đắk Lắk