Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:16 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

24/07/2019

Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đác Lắc và Gia Lai đã thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến khảo sát, đầu tư năng lượng mặt trời và sức gió. Đến nay, nhiều dự án đã và đang triển khai, đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Dự án cụm công trình điện mặt trời Sê-rê-pốc 1 và Quang Minh ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đác Lắc) đã hòa lưới điện quốc gia.
Góp thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Một ngày giữa tháng 7 đang là mùa mưa Tây Nguyên, nhưng khi có mặt tại dự án cụm công trình điện mặt trời Sê-rê-pốc 1 và Quang Minh ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đác Lắc) không khí nóng hừng hực như “chảo lửa”. Đây là một trong những dự án điện năng lượng mặt trời đi vào vận hành hòa lưới điện quốc gia đầu tiên ở Đác Lắc. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải Nguyễn Văn Tuấn, chủ đầu tư dự án cho biết: Dự án cụm công trình điện mặt trời Sê-rê-pốc 1 và Quang Minh được xây dựng trên diện tích 120 ha nằm ở xã Ea Wer, với công suất 100 MWp, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng. Sau hơn bốn tháng thi công xây dựng, công trình được đưa vào vận hành hòa lưới điện quốc gia vào đầu tháng 3-2019, công suất hoạt động ổn định và đúng thiết kế. Theo tính toán của công ty, mỗi năm cụm công trình sẽ cung cấp cho điện lưới quốc gia khoảng 150 triệu kW giờ, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng cho địa phương. Việc xây dựng nhà máy điện mặt trời ở vùng đất khô cằn nắng cháy này không chỉ khai thác tiềm năng vô tận của nguồn năng lượng sạch mà còn giải bài toán kinh tế cho những vùng đất bao năm nay chưa tìm được hướng đi.
Rời huyện Buôn Đôn chúng tôi đến thăm Trang trại phong điện Tây Nguyên xây dựng ở xã vùng sâu Dliê Yang (huyện Ea H’leo, Đác Lắc). Đây là công trình điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên hiện đang được các đơn vị nhận thầu, thi công gấp rút hoàn thành. Dự án do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư, triển khai qua ba giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, với tổng công suất là 436MW, vốn đầu tư gần 13 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tất cả 12 tổ máy của giai đoạn 1 đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến tháng 9-2019 sẽ đưa vào vận hành hòa lưới điện quốc gia với công suất 28,8 MW, sản lượng điện 108 triệu KW giờ/năm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Để thi công dự án, đơn vị đã tiên phong trong việc tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới, đồng thời đầu tư đưa vào sử dụng máy đo gió Lida công nghệ mới và mua dữ liệu gió của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong thời gian 14 năm. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của dự án được tuyển chọn đều là người Việt Nam, sẵn sàng làm chủ công nghệ, cam kết an toàn trong lao động và hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra. Với sức gió đạt từ 7 đến 7,5m/giây, ổn định như hiện tại, sau khi hoàn thành các tổ máy có thể hoạt động đạt 100% công suất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở xã vùng sâu này, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Mặt khác, khi thi công dự án, công ty đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, làm mới nhiều tuyến đường liên xã, đường vào rẫy cà-phê của các hộ dân, góp phần cải thiện diện mạo xã nông thôn mới Dliê Yang.
Không chỉ ở Đác Lắc, Gia Lai cũng được xác định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời. Theo khảo sát của các chuyên gia, Krông Pa là địa phương có số giờ nắng cao nhất tỉnh Gia Lai, khoảng 1.700 giờ/năm, cho nên việc xây dựng nhà máy điện mặt trời rất hiệu quả. Cuối năm 2018, Nhà máy điện mặt trời Krông Pa, quy mô 49 MWp khánh thành đưa vào vận hành; tháng 5-2019, Công ty Điện lực Gia Lai tổ chức đóng điện dự án điện mặt trời Chư Ngọc LICOGI 16 (giai đoạn 1) công suất 15 MWp. Đây là hai dự án do Công ty cổ phần Điện Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.672 tỷ đồng, nằm trên địa bàn hai xã Chư Gu và Chư Ngọc, huyện Krông Pa. Từ một vùng “chảo lửa” nóng bức, đất đai cằn cỗi, huyện Krông Pa nói riêng và Gia Lai nói chung đang trở thành “miền đất hứa” thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời. Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý dự án điện mặt trời huyện Krông Pa Trần Danh Bảo cho biết: Dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa có công suất 49 MWp được xây dựng mới hoàn toàn trên khu vực đất đồi không canh tác được, rộng hơn 76 ha thuộc địa bàn xã Chư Gu. Tổng công suất lắp đặt được tính toán tối ưu là 69 MWp, tổng vốn đầu tư 1.428 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác thương mại với sản lượng điện vào khoảng 103 triệu kW giờ/năm. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh chia sẻ thêm: Nhiều vùng đất cằn cỗi, người dân không canh tác, chỉ để chăn thả gia súc cho nên rất thuận lợi để thi công các dự án điện mặt trời. Theo đó, tỉnh đã cho 17 nhà đầu tư đến khảo sát phát triển điện mặt trời tại Krông Pa với 19 dự án, tổng công suất hơn 1.000 MWp. Trong đó, có hai dự án của Công ty cổ phần Điện Gia Lai đã hoàn thành đưa vào khai thác hòa lưới điện quốc gia. Với điều kiện đặc thù của địa phương và định hướng của tỉnh về phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện, đây là hướng đi đúng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cải thiện cuộc sống người dân
Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Dương Văn Xanh cho biết: Buôn Đôn là huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do điều kiện đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt cho nên đến nay, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời trên địa bàn không chỉ làm tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất lên hàng chục lần so với cây trồng hiện tại mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân... Các dự án mở ra, nhiều người dân địa phương trở thành công nhân trên những đại công trường điện mặt trời. Anh Ksor Giới, một công nhân người Gia Rai ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa nói: “Hiện mình có thu thập hơn sáu triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người khác cũng nhờ có công trình này mà cuộc sống bớt khó khăn hơn”. Còn anh Ksor Đới ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn từ lý thuyết đến thực hành việc căn chỉnh lắp đặt các tấm pin mặt trời như thế nào cho đúng với tiêu chuẩn. Thông qua công trình này, tôi hy vọng có được tay nghề vững vàng, sau này có những công trình về điện năng lượng, tôi sẽ có việc làm, giúp phát triển kinh tế gia đình”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành cho biết: Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn, nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư điện mặt trời, điện gió với quy mô khoảng 3.000 MWp. Nếu các dự án được triển khai, Gia Lai sẽ trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng là lĩnh vực mà tỉnh mong muốn phát triển trong thời gian tới nhằm tạo sự bứt phá cho kinh tế của địa phương. Đến nay tỉnh đã cho phép 23 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MWp. Trong đó, hai dự án với tổng công suất là 98 MWp, tổng vốn đầu tư 2.672 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác; 11 dự án đã được xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất là 675 MWp; 20 dự án đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 3.195 MWp. Bên cạnh đó, còn có 12 nhà đầu tư đang khảo sát, chọn vị trí cho 17 dự án với tổng công suất dự kiến khoảng 1.333 MWp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Phạm Ngọc Nghị cho biết: Qua khảo sát của các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, Đác Lắc được xác định có nhiều tiềm năng lớn để phát triển điện năng lượng mặt trời và điện gió. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo này cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Thời gian qua, Đác Lắc đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến khảo sát và đẩy nhanh thủ tục triển khai dự án nhằm khai thác tiềm năng to lớn này. Theo báo cáo của Sở Công thương Đác Lắc, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có năm dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp, với tổng công suất 2.646 MWp, tổng số vốn đầu tư 63.205 tỷ đồng, trong đó có bốn dự án đã đưa vào vận hành với công suất 210 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 5.278 tỷ đồng. Ngoài ra, có 19 dự án điện năng lượng mặt trời khác với tổng công suất 8.253 MWp đang trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp. Đối với điện gió, ngoài Trang trại phong điện Tây Nguyên xây dựng tại huyện Ea H’leo đang gấp rút hoàn thành, tỉnh đã đồng ý cho các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, đo gió để xây dựng tám dự án nhà máy điện gió với công suất 1.384 MWp, với tổng vốn đầu tư 48.446 tỷ đồng. Các dự án nhà máy điện gió ngoài vùng quy hoạch, tỉnh tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư đến khảo sát với tổng công suất khoảng 1.753 MWp.
Điện năng lượng mặt trời, điện gió là những nguồn năng lượng sạch đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Khi các dự án này đi vào hoạt động không chỉ biến những vùng đất bạt ngàn cằn cỗi đầy nắng và gió vốn không thể sản xuất nông nghiệp thành vùng sản xuất điện năng mà còn góp phần giải quyết bài toán thiếu điện trong mùa khô. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành điện khuyến cáo cần kiểm soát sự phát triển “nóng” nguồn năng lượng sạch khi hệ thống đấu nối, truyền tải điện chưa theo kịp, dẫn đến quá tải hệ thống truyền tải điện. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng là địa bàn thường xảy ra dông lốc, gió xoáy cho nên việc thi công xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo phải thuê các đơn vị chuyên nghiệp nhằm bảo đảm đúng kỹ thuật, hạn chế thiệt hại do thiên tai có thể gây ra. Đồng thời cần quan tâm đến vấn đề xử lý các tấm pin mặt trời khi hết hạn sử dụng để không gây ô nhiễm môi trường, khi Tây Nguyên là nơi bắt đầu của nhiều sông, suối lớn...
Theo Báo Nhân dân