Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:12 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

"Xanh hóa nền kinh tế là động lực tăng trưởng mới"

16/07/2019

Ðó là một trong những nội dung quan trọng được tập trung bàn luận tại Hội thảo Tham vấn lần 2 - Xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Ðồng giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được tổ chức tại TP Ðà Lạt, ngày 11/7.
Lâm Đồng đang tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh. Ảnh: Quý SG
Hội thảo lần này được tổ chức dựa trên các nội dung đã được xây dựng từ hội thảo lần thứ nhất (tháng 11/2018) và tiếp tục đưa ra các dữ liệu, chiến lược và hoạch định kêu gọi tài trợ, nhà đầu tư. 
 
Hội thảo cũng nêu lên bối cảnh và tóm tắt quá trình xây dựng kế hoạch. Theo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, các lĩnh vực chính được đưa vào gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, giao thông, và cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên nước và du lịch. 
Các mục tiêu cụ thể cũng được xác định, trong đó đang chú ý giảm phát thải khí nhà kính từ tất cả các ngành đến năm 2025 là 20% và năm 2030 là 21%. 
Bên cạnh đó là các vấn đề bao gồm: Xanh hóa sản xuất, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế xanh trên cơ sở đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, năng lượng tái tạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát thải cac-bon thấp, chống biến đổi khí hậu. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tạo nhiều việc làm xanh hơn từ các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến, tạo dựng lối sống thân thiện với môi trường. Vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và làm giàu nguồn vốn tự nhiên của tỉnh, làm bệ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế và đời sống người dân, tăng thu hút đầu tư của toàn xã hội.
Ở phần đánh giá tác động, đại diện đơn vị tư vấn ICRAF đã nêu lên hai dự báo, cụ thể các tác động của các hành động chiến lược tăng trưởng xanh tới kinh tế và các dịch vụ hệ sinh thái, tác động trong lĩnh vực năng lượng và tiêu thụ năng lượng. Đơn vị tư vấn này cũng đưa ra 9 định hướng tăng trưởng xanh cho Lâm Đồng gồm: Thúc đẩy năng lượng tái tạo và tiết kiệm; Kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với tất cả các ngành bao gồm thay đổi sử dụng và che phủ đất; Kiểm soát chất thải và tái sử dụng để sản xuất xanh hơn; Thúc đẩy hệ thống sử dụng đất bền vững và thông minh với biến đổi khí hậu; Bảo tồn nước, tài nguyên, thiên nhiên và đa dạng sinh học; Nâng cao chất lượng và tiếp cận thị trường của các mặt hành chính; Xây dựng ngành du lịch xanh và bền vững; Thúc đẩy lối sống xanh và tiêu thụ bền vững; Tạo môi trường thuận lợi cho việc biến đổi sang nền kinh tế xanh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hành động tăng trưởng xanh, hướng đến nền kinh tế xanh. “Đây là một nội hàm quan trọng, nhất là trong bối cảnh thành phố Đà Lạt là thành phố nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Tỉnh Lâm Đồng với sự hỗ trợ của các tổ chức như IDH, ICRAF… mong muốn các kế hoạch đạt được kết quả đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó tạo nên một “địa phương xanh” đúng nghĩa từ hệ sinh thái cho đến nền kinh tế trên bản đồ Việt Nam và thế giới, đưa đời sống Nhân dân ngày càng tiến bộ và là điểm đến của các nhà đầu tư, du khách” - ông Phạm S cho hay.
 
Từ các kết quả của hội nghị tham vấn lần 1 và lần 2, kế hoạch xây dựng hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050 sẽ được tiếp tục hoàn thiện và đưa ra các chiến lược tối ưu nhất, phù hợp với sự phát triển của địa phương để lộ trình thực hiện sớm đạt được các chỉ tiêu đề ra. Theo bà Trịnh Thị Quỳnh Chi - Đại diện tổ chức IDH: “Lâm Đồng có một chút khác biệt so với các địa phương khác trong xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Câu chuyện xây dựng tăng trưởng xanh ở đây nhấn mạnh việc tăng trưởng kinh tế, xanh hóa nền kinh tế để từ đó thu hút đầu tư công và đầu tư tư nhân vào Lâm Đồng - đây mới là nội dụng quan trọng và thực tế mà kế hoạch phục vụ cho người dân và địa phương. IDH vẫn tiếp tục tích cực kêu gọi tài trợ, thu hút các nguồn vốn vay cho tăng trưởng xanh, đồng thời tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhưng hài hòa 2 vấn đề tác động đến nền tăng trưởng”. 

Thứ tự ưu tiên trong lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh ở Lâm Ðồng:
 
Năng lượng tái tạo.
 
Giảm phát thải khí nhà kính.
 
Thu gom và xử lý chất thải.
 
Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
 
Sử dụng đất một cách bền vững và thông minh với biến đổi khí hậu nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước và dinh dưỡng trong đất.
 
Phục hồi rừng trên các diện tích xâm canh.
 
Kiểm soát canh tác nông nghiệp trong nhà kính.
 
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn.
 
Thúc đẩy các sản phẩm được cấp chứng chỉ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
 
Thực hiện lối sống xanh.
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Diễm Hương