Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 19:40 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam (Bài cuối)

08/07/2019

Chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch và phát triển kinh tế các bon thấp đã trở thành một xu thế mới của thế giới để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng và tạo ra những xáo trộn đối với một số nhóm ngành và người lao động, vì thế “chuyển dịch công bằng” là điều kiện tiên quyết để đạt được sự ủng hộ của xã hội và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, ngành năng lượng đang đứng trước áp lực đổi mới để đảm bảo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng không đánh đổi môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Mặc dù chưa có chính sách về chuyển dịch năng lượng toàn diện, nhưng thời gian gần đây, Việt Nam đã đưa ra một số cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.
Bài 5 (Bài cuối): Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam

Trong định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh Ninh Thuận có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trung tâm năng lượng tái tạo. Từ năm 2018 đến nay, Ninh Thuận thu hút 18 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió đã khởi công với tổng công suất trên 2.800 MW; trong đó điện mặt trời công suất 2.000 MW, điện gió 800 MW. Trong ảnh: Hệ thống điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Cơ hội song hành cùng thách thức
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khẳng định: Chuyển dịch năng lượng là cấp thiết ở Việt Nam, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nhập khẩu nhiên liệu bên ngoài, đảm bảo một tương lai năng lượng tự chủ, độc lập, giữ gìn môi trường không khí, nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quá trình chuyển dịch này vừa giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển mới, giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu, vùng xa, mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới, có chất lượng cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch.
Quá trình chuyển dịch này gắn liền với chuyển dịch lao động, gắn với sự tham gia đa dạng của nhiều thành phần trong xã hội vào thị trường năng lượng, đòi hỏi sự điều tiết để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan; đồng thời, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.
Ngoài ra, chuyển dịch năng lượng đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư ít tốn kém, giúp cải thiện môi trường làm việc, không dẫn tới mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy nhiệt điện than… Đó chính là các yếu tố cốt lõi của chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam.
Cùng với cơ hội thì thách thức Việt Nam gặp phải chính là nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn tới rủi ro xung đột đất đai; vấn đề đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện; công tác đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường …  Những thách thức này đòi hỏi nỗ lực liên ngành, liên cấp và vai trò điều phối của Nhà nước trong kiến tạo chính sách, huy động các bên liên quan thực thi chính sách.
Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng: Chuyển dịch năng lượng là chuyển dịch kinh tế và chuyển dịch lao động, do đó đòi hỏi sự hợp tác liên cấp, liên ngành một cách đồng bộ. Điều này dẫn tới nhu cầu cần thiết lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước để thúc đẩy hợp tác liên ngành và thực thi chính sách hiệu quả. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi công bằng hướng tới “tăng trưởng, tạo việc làm có chất lượng”, dựa trên nguyên tắc của ILO về chuyển đổi công bằng, hướng tới nền kinh tế bền vững về xã hội và môi trường.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần có sự tham gia của người lao động, tổ chức đại diện người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách về phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo sự chuyển dịch công bằng…
Nhà nước cần cân nhắc đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, đổi mới và sản xuất thiết bị chuyển đổi, lưu trữ và kết nối quản lý hệ thống điện năng lượng tái tạo để triển khai kế hoạch nội địa hóa các thiết bị và chuỗi sản xuất của ngành năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn cho việc xây dựng năng lực sản xuất trong nước, tạo thị trường việc làm chất lượng, tăng giá trị đóng góp của Việt Nam vào chuỗi sản xuất, tiến tới giảm giá thành năng lượng tái tạo. 
Phát triển điện năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu nhất để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.... Trong ảnh: Đơn vị thi công đang lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hộ gia đình ông Trần Văn Định ở ấp Ninh Hiệp (Bàu Năng, Dương Minh Châu, Tây Ninh). Ảnh: Đức Hoảnh

Kinh nghiệm của Đức, giải pháp cho Việt Nam
Thuật ngữ “Energiewende” - chuyển đổi năng lượng, đã trở nên phổ biến tại Đức trong các cuộc thảo luận chính sách về năng lượng, diễn đàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng như đối với công chúng. Chuyển đổi năng lượng nhằm tiến đến chấm dứt sử dụng điện hạt nhân và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đưa Đức trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi năng lượng thành công khi cam kết chấm dứt điện hạt nhân năm 2022, giảm phát thải CO2 ít nhất 40% năm 2020, 80% đến năm 2050, tỷ lệ điện tái tạo trong tổng sơ đồ điện đạt ít nhất 35% năm 2020 và 80% năm 2050; giảm tỷ lệ tiêu thụ điện năng do áp dụng biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lên 20% năm 2020 và 50% năm 2050, đặc biệt giảm tới 80% điện tiêu thụ trong các tòa nhà và 50% trong ngành giao thông vận tải vào năm 2050.
Theo bà Manuel Matthess, Cố vấn chính sách cấp cao, chương trình Chính sách Năng lượng và Khí hậu Quốc tế (FES Berlin, Đức), quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức thành công một phần là do chính người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường tham gia trong các cuộc thảo luận chính sách của Chính phủ, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo được thảo luận sâu rộng trước khi đưa ra. Các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Đức đóng vai trò là nơi tạo ra các diễn đàn thảo luận để người dân tham gia, cung cấp bằng chứng khoa học và thông tin đến công chúng thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau như hội thảo, tọa đàm, xuất bản báo cáo, infographic, xây dựng phim tài liệu...
Luật Năng lượng Tái tạo (EEG) ra đời năm 2000 quy định việc Chính phủ cam kết một mức giá cố định và có hiệu lực 20 năm cho việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới (feed-in-tariffs). Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư của người dân và doanh nghiệp Đức cho sản xuất điện tái tạo, đặc biệt là chính sách cam kết mua điện với giá cố định trong thời gian dài giúp người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng để đầu tư cho sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện Đức có hơn 1.500 hợp tác xã điện tái tạo do người dân lập ra và hơn 1,5 triệu nhà sản xuất điện độc lập.
Bên cạnh đó, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo nên trong hơn 20 năm qua, nhiều phát minh mới đã giúp giảm giá thành của nhiều công nghệ đặc biệt trong sản xuất pin điện mặt trời. Năm 2014, Luật EEG của Đức đã điều chỉnh giảm mức giá mua điện cố định từ nguồn năng lượng tái tạo; đồng thời, bắt đầu lộ trình chấm dứt mua theo giá cố định từ điện mặt trời mà chuyển sang mua theo hình thức đấu giá. Năm 2016, Luật EEG tiếp tục điều chỉnh theo hướng loại bỏ hoàn toàn chính sách trợ giá mà chuyển sang hình thức Chính phủ mua điện theo hình thức đấu giá.
Công ty Cổ phần Du lịch Khánh Gia phối hợp với Công ty TNHH Thể thao và Du lịch Tuấn Minh, Công ty Vũ Phong đồng tài trợ chương trình lắp đặt điện mặt trời miễn phí với chủ để “Thắp sáng tương lai” cho 20 hộ dân đồng bào Hre ở thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) có độ cao 700 mét so với mực nước biển, cách thành phố Quảng Ngãi 70 km về phía Tây Nam. Mỗi hộ sở hữu một bộ gồm cục tích điện UPS, pin thu năng lượng mặt trời, 2 bóng đèn với trị giá gần 3 triệu đồng/bộ. Trong ảnh: Trao bộ lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho người dân. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN
"Energiewende" đã đưa Đức đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và hạt nhân, cũng như việc giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu năng lượng - trị giá mỗi năm 80 tỷ EUR, đặc biệt là việc giảm độc quyền trong sản xuất, phân phối điện năng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra nhiều “việc làm xanh” hơn.
Theo bà Yvonne Blos, Giám đốc Chương trình biến đổi khí hậu và năng lượng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch đốt than để đảm bảo an ninh năng  lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận điện, giảm chi phí sản xuất điện về dài hạn, tạo thêm việc làm xanh, an toàn hơn cho người lao động.
Để tránh xung đột về đất đai, đảm bảo sinh kế của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng, chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp, áp dụng đồng thời nhiều giải pháp. Cụ thể gồm: Áp dụng các tiêu chí lựa chọn quy hoạch đất cho phát triển năng lượng tái tạo theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng đất hoang hóa, cằn cỗi, bỏ hoang, hiệu quả canh tác thấp, tránh việc phá rừng hay lấy đất canh tác nông nghiệp có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo nghề từ sớm và phù hợp để hỗ trợ việc làm và sự ổn định cho cộng đồng trong quá trình chuyển dịch; triển khai chương trình tài chính để hỗ trợ khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển điện mặt trời áp mái và các giải pháp năng lượng bền vững cấp hộ, cấp cộng đồng.

Cánh đồng điện gió được xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, vừa bổ sung nguồn năng lượng xanh, vừa tạo điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần phát triển du lịch, nâng cao đời sống cộng đồng cư dân địa phương. Ảnh: Phan Thanh Cường
Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành các nghiên cứu, thử nghiệm mô hình phát triển tích hợp, kết hợp năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch… từ đó tạo cơ chế, chính sách mở đường cho việc phát triển các mô hình hợp tác để không chỉ giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sinh kế bền vững cho các hộ dân, mà còn hướng tới mang lại lợi ích cho người dân để họ trở thành một chủ thể quan trọng tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở địa phương và cả nước./.
Theo Thông tấn xã Việt Nam