Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:28 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Mô hình khu công nghiệp sinh thái: Song hành lợi ích và pháp lý

27/06/2019

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về kết quả thí điểm của Dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" giai đoạn I, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, dự án bước đầu đạt kết quả tích cực và dự kiến được nhân rộng trong thời gian tới. 
Thưa ông, sau 5 năm thực hiện, Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" đã có tác động như thế nào tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội?
Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT làm việc với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) xây dựng Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam". Mục tiêu của dự án này là thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai và nhân rộng các công nghệ và các giải pháp sạch nhằm giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN thí điểm.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sau 5 năm triển khai (từ năm 2014), 72 doanh nghiệp (DN) từ 4 KCN ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng đã áp dụng công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD. Các giải pháp do dự án tư vấn cho các DN đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.
Dự án đã góp phần quan trọng cho việc ban hành các quy định liên quan về KCN sinh thái tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 (gọi tắt là Nghị định 82) của Chính phủ về quản lý các KCN và khu kinh tế, có hiệu lực từ tháng 7/2018. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam đặt nền móng cho việc thực hiện chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái.
Những kết quả đó đã đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 10 năm giai đoạn 2010 – 2020 và giai đoạn 5 năm 2011-2015.
Vậy theo ông, đâu là những điểm cần lưu ý khi triển khai mô hình KCN sinh thái?
Đối với khía cạnh quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan quản lý trực tiếp mô hình này cần nhận thức rõ nét về khái niệm, lợi ích cũng như các điều kiện để chuyển đổi KCN sinh thái. Cùng với đó, phải có căn cứ pháp lý để các bộ, ngành triển khai mô hình này.
Về góc độ DN, có thể chia làm hai đối tượng. Thứ nhất là các công ty phát triển hạ tầng KCN - phải hiểu rõ lợi ích triển khai cũng như hiểu rõ định hướng chiến lược của Chính phủ. Qua đó, các DN sẽ có căn cứ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí theo đúng Nghị định 82, cũng như tiêu chí, yêu cầu của các DN. Đối tượng thứ hai là các công ty thứ cấp thuê lại đất cho DN. Họ là những người thực thi trực tiếp các giải pháp sản xuất sạch hơn, phải chủ động đầu tư, tìm kiếm giải pháp hợp tác với nhau để thực hiện các biện pháp cộng sinh công nghiệp, qua đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó phải kể đến vấn đề nhận thức của người dân sinh sống xung quanh các KCN, để cùng giám sát quá trình thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái.
Một vấn đề khác, tôi muốn nhấn mạnh là cần có cơ chế vốn vay ưu đãi cho các DN có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để có nhiều cơ hội áp dụng công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch tiếp theo trong giai đoạn 2 của dự án?
Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, chúng ta đã bước đầu xây dựng được khung khổ pháp lý. Tiến tới giai đoạn 2, chúng tôi muốn triển khai sâu hơn, đi vào hỗ trợ các DN. Cụ thể là thúc đẩy các DN tự đầu tư để thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp sản xuất sạch hơn.
Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các DN trong việc thực hiện cộng sinh công nghiệp thông qua việc thu thập các dữ liệu quản lý DN mà vấn đề này ở giai đoạn 1 vẫn chưa làm được nhiều.
Bên cạnh đó là tăng cường hỗ trợ các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định, hướng dẫn thông tư để thực hiện Nghị định 82. Qua đó nhân rộng triển khai mô hình này trên toàn quốc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương