Bình Dương đang thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh, và điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay đối với địa phương.
Năng lượng cho thành phố thông minh
Ông Nguyễn Văn Dành - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết: với cơ sở hạ tầng hiện có cùng tiến trình xây dựng thành phố thông minh đang diễn ra, năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay nếu đánh giá về mức độ ô nhiễm, tiện ích và bền vững tại Bình Dương.
Ngành điện Bình Dương khuyến khích người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái
Thời gian qua, ngành điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các dự án năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà (hay còn gọi là điện mặt trời áp mái) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực đầu tư cho ngành điện.
Nhằm khuyến khích và đầu tư phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 16) để khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời tại địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2019/QĐ-TTg để tháo gỡ các vướng mắc về điện mặt trời áp mái.
Bình Dương hiện có hơn 36.400 DN trong nước với tổng vốn đăng ký gần 300 nghìn tỷ đồng và 3.612 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng số vốn đạt 33,3 tỷ USD. Tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về thu hút FDI. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng khu công nghiệp, nhà máy, các công ty mọc lên ngày càng nhiều, cũng như dân nhập cư từ khắp các nơi trên cả nước đến làm việc, thì việc đầu tư phát triển và sử dụng điện năng lượng mặt trời trở nên cần thiết hơn.
Theo ông Phan Thanh Lâm - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương), trong tình hình hiện nay, để giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, PC Bình Dương khuyến khích người dân và doanh nghiệp (DN) lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái vừa có thể giảm chi phí tiền điện, vừa có thể bán lại điện dư cho ngành điện và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong những năm qua ngành điện Bình Dương đều có chương trình kế hoạch tiết kiệm điện để tuyên truyền cho người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng…
“Ngành điện Bình Dương rất mong các DN và người dân trên địa bàn tỉnh lắp đặt pin năng lượng điện mặt trời trên mái nhà, trụ sở làm việc để hướng tới giảm thiểu tiền điện hàng tháng và quan trọng nữa là góp phần bảo vệ môi trường…” - Phó Giám đốc PC Bình Dương nhấn mạnh.
Vừa qua, tại hội thảo “Điện năng lượng mặt trời lắp mái nhà - Giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả năm 2019” được tổ chức tại Bình Dương, ngành điện Bình Dương đã cung cấp cho các DN cùng người dân những thông tin hữu ích, nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời như: Giới thiệu các chính sách liên quan; hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện; cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án thực tế...
Năng lượng mặt trời hút nhà đầu tư
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, ngoài các vấn đề kỹ thuật, yếu tố giá điện mặt trời cũng đang tạo ra rào cản cho các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, Sở Công Thương rất mong muốn Chính phủ tiếp tục có những cơ chế về giá để hấp dẫn, khuyến khích các DN tham gia vào các dự án điện mặt trời.
Doanh nghiệp FDI đầu tư Dự án điện năng lượng mặt trời tại Bình Dương Thời gian qua, Bình Dương khuyến khích các nhà đầu tư có thực lực đến phát triển năng lượng mặt trời trên cơ sở bảo đảm lợi ích kinh tế và giữ vững an ninh, an toàn tại địa phương. Mới đây, Công ty AB InBev Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống năng lượng mặt trời tại Nhà máy bia AB InBev ở Khu công nghiệp (KCN) VSIP II-A, tỉnh Bình Dương.
Theo tính toán của AB InBev, việc đầu tư này sẽ giúp công ty sản xuất ra 840.600 kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện mà công ty đang sử dụng mỗi năm. Dự kiến trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời này tại nhà máy tại KCN Mỹ Phước 2- Bình Dương.
Ông Jan Craps - Giám đốc điều hành và Chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương Công ty AB InBev - cho biết, việc sử dụng năng lượng điện mặt trời tại nhà máy sản xuất bia thuộc khu vực VSIP II - Bình Dương là bước đột phá đáng kể trong việc tiến tới đảm bảo 100% điện cung ứng cho nhà máy được chuyển hoá từ nhiệt lượng vào năm 2025. Chúng tôi mong muốn áp dụng kỹ thuật này tại tất cả các nhà máy bia tại Việt Nam trong tương lai.
Trước đó, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đã khảo sát và đánh giá cao về khả năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời của Bình Dương, đồng thời, cam kết sẽ đầu tư tại đia phương.
Theo các chuyên gia, số giờ nắng trung bình trong năm của Bình Dương đạt từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 4,5 kWh/m2/ngày. Do đó, Bình Dương được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời được tốt tại khu vực phía Nam và cả nước nói chung. |
Theo Báo Công Thương