Hiện nay, vấn đề BVMT đang được quan tâm không chỉ ở phạm vi riêng lẻ của từng quốc gia mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Bởi vì BVMT gắn bó chặt chẽ, tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác BVMT (BVMT), đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu BVMT trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Trong đó, tỉnh xác định tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt; đẩy mạnh xã hội hoá công tác BVMT; có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực BVMT. Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cải thiện môi trường được thực thi, chính vì vậy công tác này, dù được đánh giá là khó, nhưng đã đạt những kết quả quan trọng.
Ảnh minh họa
Hiện nay, tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và dành nguồn lực thích đáng để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do khai thác tài nguyên khoáng sản và phát triển đô thị nóng để lại; xử lý triệt để nước thải và chất thải rắn, nhất là tại các khu vực đô thị. Công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT cũng được đặc biệt chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2018, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 823 tổ chức, cá nhân. Tổng số tiền xử phạt trên 12,328 tỷ đồng. Cùng với đó, các địa phương cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Cụ thể: Huyện Hải Hà phát hiện và xử lý được 11 trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT, xử phạt 218,15 triệu đồng; TP Hạ Long phát hiện và xử lý 160 vụ, xử phạt 726,4 triệu đồng; TX Đông Triều đã tiến hành kiểm tra xử lý theo thẩm quyền 71 vụ việc, phạt 803,2 triệu đồng...
Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng của tỉnh, thời gian qua các ngành, địa phương đã tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh việc di dời một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện có nguồn thải khí lớn đều được lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và truyền về trung tâm theo dõi của tỉnh. Hoạt động giám sát, vận hành hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường cũng được triển khai hiệu quả. Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã thực hiện lắp đặt công tơ điện tử đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở vị trí các cơ quan quản lý và người dân dễ dàng giám sát. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả xử lý khí thải, chuyển đổi sử dụng từ dầu FO sang dầu DO (mỗi nhà máy chi từ 15 – 20 tỷ đồng để chuyển đổi) trong quá trình khởi động lại lò, bảo dưỡng thay thế hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai cài đặt phần mềm quan trắc tự động vào máy điện thoại di động của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Trưởng phòng Tài nguyên của 6 địa phương (Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Hà) để phối hợp theo dõi, giám sát. Tỉnh cũng đã triển khai lắp đặt 6 màn hình hiển thị thông tin quan trắc môi trường tự động tại Trung tâm hành chính công của 6 địa phương trên để nhân dân giám sát.
Việc nói không với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho quan điểm nhất quán này của tỉnh.
Với những nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp...chúng ta kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về BVMT trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam vào năm 2020.
Theo Báo Quảng Ninh