Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 20:18 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Bến Tre: Lộ trình tái sử dụng gạch không nung

04/06/2019

Việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh Bến Tre sau một thời gian tạm gián đoạn, đến nay, được triển khai trở lại. Lần triển khai này được cho là có bài bản và lộ trình chuẩn bị đến 4 năm, trước khi chính thức thực hiện vào năm 2021.
Lộ trình chuẩn bị
Tỉnh đã từng triển khai sử dụng VLXKN vào năm 2014. Theo Sở Xây dựng, quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại, chất lượng nhiều công trình sử dụng VLXKN chưa đảm bảo, bị sự cố nứt, tách khối xây. Nguyên nhân do kinh nghiệm thiết kế, thi công về VLXKN còn hạn chế, ngoài ra còn do chất lượng VLXKN chưa đảm bảo. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã cho chủ trương tạm ngưng việc sử dụng VLXKN, chỉ khuyến khích sử dụng.
Để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh có chủ trương sử dụng lại VLXKN trên địa bàn tỉnh tại Văn bản số 3501/2017. Theo đó, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình các huyện, thành phố đưa vào sử dụng thí điểm VLXKN từ 1 - 2 công trình/năm. Sau năm 2020, trên cơ sở kết quả sử dụng thí điểm VLXKN trong các công trình giai đoạn 2017 - 2020, Sở Xây dựng chủ trì tổng kết, đánh giá và đề xuất lộ trình sử dụng giai đoạn sau năm 2020. 
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV Phúc Thịnh, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.
Mới đây, UBND tỉnh có Hướng dẫn số 1902/UBND-TCĐT ngày 23/4/2019 với nội dung: Kể từ ngày 1/1/2021, việc sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh thực hiện đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như: tại đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã xây dựng 20 công trình trường học, trạm y tế, trung tâm hành chính xã rải đều ở 9 huyện, thành phố bằng VLXKN. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn về sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo, quản lý các tổ chức hoạt động xây dựng và cán bộ kỹ thuật thi công, công nhân xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, Sở đã mở 2 đợt kiểm tra 20 công trình xây dựng bằng gạch không nung, kết quả chia làm 3 nhóm chất lượng công trình: tốt, bình thường và có nứt. Nhận định ban đầu nguyên nhân nứt vách là do khâu thiết kế và thi công chưa đạt, còn chất lượng gạch thì đạt. Năm 2020, sở sẽ có tổng kết đánh giá việc thí điểm VLXKN, đồng thời chấn chỉnh khâu thiết kế và thi công.
Là người từng xây gạch không nung và thất bại trong quá khứ do vách tường không đạt chất lượng, anh Nguyễn Minh Tùng - thợ xây trên địa bàn tỉnh cho biết: “Sau khi tham gia tập huấn thi công các công trình sử dụng gạch không nung (do Sở Xây dựng tổ chức), tôi thấy quy trình, vật liệu phụ, phụ kiện có khác so với trước, như trước tôi xài lưới kẽm thì giờ là lưới thủy tinh. Nếu làm đúng bài bản như lớp tập huấn, tôi cho là sử dụng gạch không nung giúp tiết kiệm phân nửa thời gian hạng mục xây gạch của một công trình, chất lượng vách tường khá chắc chắn”.
Triển vọng thời gian tới
Địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung là Công ty TNHH MTV Phúc Thịnh và Công ty Cổ phần gạch Nam Việt. Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Thịnh cho biết, dây chuyền sản xuất gạch bê tông cốt liệu của công ty có công suất bình quân 10.000 viên gạch ống/ngày. Mỗi ngày công ty cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 6.000 - 9.000 viên gạch cho cả 3 loại gạch thẻ, gạch ống nhỏ và gạch block. Giá thành khoảng 1.200 - 1.300 đồng/viên, cao hơn từ 15 - 20% so với gạch nung. Sản phẩm của công ty được chứng nhận hợp quy, chứng nhận ISO với cường độ nén, độ hút và độ thấm nước đều đạt chất lượng. Ông Phong cũng là một nhà thầu xây dựng, ông cho biết nguyên nhân người dân “chưa mặn” với VLXKN là do thao tác của thợ chưa quen, giá thành gạch không nung cao hơn gạch truyền thống.
Bên cạnh các công trình nhà nước sử dụng gạch không nung, nhiều công trình do nước ngoài đầu tư vẫn chọn sử dụng VLXKN, bởi vì họ thấy quá quen với loại vật liệu này, mặt khác yếu tố bảo vệ môi trường (khi sử dụng VLXKN) cũng được các đơn vị đối tác nước ngoài “cộng điểm” cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch, ông Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Trao đổi về giải pháp để đẩy mạnh sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh, Tiến sĩ Trần Bá Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng cho biết, Bến Tre cần tuyên truyền để người dân biết được tác dụng và hiệu quả của việc sử dụng VLXKN; thông tin các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để người dân biết và sử dụng các loại vật liệu đúng tiêu chuẩn, đáp ứng chất lượng và phù hợp với yêu cầu công trình của mình. Tổ chức tập huấn vừa có thực hành và lý thuyết, cầm tay chỉ việc cho người thợ biết xây gạch bê tông block và gạch nhẹ AAC với các vật liệu phụ đi kèm, các bộ công cụ đi cùng. Nếu làm đúng như vậy thì chắc chắn việc sử dụng VLXKN không có vấn đề gì, mà chất lượng công trình còn tốt hơn, cách âm, cách nhiệt tốt hơn, thời gian xây dựng cũng nhanh hơn.
Theo Báo Đồng Khởi