Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:46 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bài 1: Khuynh hướng của cuộc sống hiện đại

28/05/2019

Ngày 4/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi biểu dương các doanh nghiệp: Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon nhằm bảo vệ môi trường, góp phần tích cực thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng.
Từ nhiều năm nay, các chuyên gia trên thế giới và trong nước đã khẳng định, tiêu dùng “thân thiện với môi trường" sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu, hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất xanh. Ngay cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen của mình và hướng đến một phong cách tích cực là tiêu dùng xanh. 

Nhiều kênh phân phối hiện đại đã từng bước sử dụng lá chuối tươi gói thực phẩm, nông sản. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Những nguyên tắc “mua sắm xanh”
Các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, Mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định 4 nguyên tắc cơ bản của “mua sắm xanh”, bao gồm: Sự cần thiết mua sản phẩm mới. Bước đầu tiên khi mua sắm là cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hoặc thay đổi các sản phẩm đang sử dụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giải pháp thuê hay cho thuê cũng nên xem xét, trường hợp phải mua các sản phẩm mới chỉ mua vừa đủ với nhu cầu sử dụng.
Nguyên tắc tiếp theo là xem xét vòng đời của sản phẩm. Khi quyết định mua sản phẩm, người tiêu dùng cần xem xét các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. Từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi thải bỏ sản phẩm. Cụ thể là giảm thiểu các chất độc hại; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng độ bền; thiết kế để tái sử dụng; thiết kế để tái chế; sản phẩm có chứa vật liệu tái chế; tính thải bỏ.
Nguyên tắc thứ ba là xem xét nỗ lực của nhà cung ứng trong bảo vệ môi trường. Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng như: doanh nghiệp có áp dụng chính sách bảo vệ môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?
Nguyên tắc cuối cùng là thu thập thông tin về môi trường. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm một số thông tin về môi trường, như nhãn môi trường, thông tin doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc trang mạng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó.
Tiêu chí “sản phẩm xanh”
Ở nước ta, Mạng lưới mua hàng xanh Việt Nam (VNGPN-Vietnam Green Purchasing Network) được thành lập từ năm 2009, do Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) chủ trì thực hiện, là cầu nối với Mạng lưới mua hàng xanh quốc tế (IGPN), cũng như các mạng lưới mua hàng xanh của các nước trong khu vực và trên thế giới. Mạng lưới mua hàng xanh Việt Nam đã có trang web riêng (www.gpn.vn) là cổng thông tin giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng truy cập và cập nhập thông tin về cơ sở dữ liệu sản phẩm sinh thái, quy định về mua hàng xanh, mua sắm công xanh của các nước trong khu vực, nhằm hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, thỏa mãn yêu cầu khánh hàng cũng như quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy vậy, hoạt động tiêu dùng xanh ở nước ta đang có một số vấn đề cần được quan tâm. Đó là Nhãn sinh thái. Một sản phẩm được xem là xanh nếu đáp ứng được một trong 4 tiêu chí: Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đến môi trường và sức khỏe; sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.
Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO, nhãn sinh thái là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hay biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, quảng cáo các hình thức khác.
 
Bộ Công Thương cho biết, đối với Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản đều phải chịu những kiểm duyệt khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định về bảo vệ môi trường. Vì thế, Nhãn sinh thái sẽ là một trong những công cụ giúp cho các sản phẩm nông sản, thủy sản, dệt may… của Việt Nam tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo kết quả điều tra, có tới 98% người tiêu dùng ở nước ta hiện nay cho biết sẽ chọn sản phẩm có dán Nhãn sinh thái. Nhưng tính đến đầu năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp được Nhãn sinh thái cho 6 sản phẩm là Bột giặt Tide của Công ty P&G; Bóng đèn huỳnh quang compact của Công ty Điện Quang; Bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng mua sắm; Sơn phủ dùng trong xây dựng Majestic Pearl Silk và jotashield của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Jotun Việt Nam; Máy in Fuji Xerox DocuPrint P355d và Fuji Xerox DocuPrint P355db của Công ty Fuji; Bình ắc quy GS và Yuasa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ắc quy GS Việt Nam. Số sản phẩm còn lại trên thị trường chỉ có các sản phẩm nhãn sinh thái kiểu II do nhà sản xuất và dịch vụ tự đưa ra.
Khó khăn trong việc đăng ký Nhãn sinh thái ở Việt Nam là do các sản phẩm hàng hóa không đủ tiêu chuẩn để đăng ký nhãn xanh Việt Nam. Mặt khác, quy trình đăng ký vẫn còn phức tạp, tốn kém thời gian và kinh phí vì Việt Nam đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về cấp Nhãn sinh thái.
Bên cạnh đó, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường chưa đồng đều. Tỷ lệ chi cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Những khó khăn về nội lực doanh nghiệp, tài chính, nguồn lực tri thức và công nghệ là bài toán đang đặt ra cho chương trình Nhãn sinh thái của Việt Nam. Hơn nữa, tiêu chí được cấp Nhãn sinh thái luôn thay đổi và ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng.
Theo Thông tấn xã Việt Nam