Không chỉ tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp đã giúp hàng vạn nông dân tại miền Tây Nam bộ tăng khả năng cạnh tranh cho con tôm trên thị trường xuất khẩu.
Nhân viên ngành điện lực giúp người nuôi tôm ở miền Tây Nam bộ về kỹ thuật tiết kiệm điện
Theo ông Lý, hàng năm ngành công nghiệp nuôi tôm ở miền Tây Nam bộ tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn và không ngừng gia tăng do diện tích nuôi thả ngày càng được mở rộng. Vì thế, nhiều giải pháp về tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp đã được triển khai nhằm giảm áp lực cho nguồn cung cấp điện, đồng thời giúp người canh tác tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tại khu vực miền Tây Nam bộ hiện có hơn 635.000 ha diện tích đất nuôi tôm, chiếm trên 75% diện tích nuôi tôm cả nước. Các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau người nuôi tôm đều sử dụng điện để sục khí ô-xy, xử lý ao hồ... và tiêu tốn rất nhiều điện năng. Nhằm giảm áp lực cho nguồn cung cấp điện và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nhiều giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện công nghệ mới đã được áp dụng và cho hiệu quả rất tích cực.
Để phục vụ cho ngành công nghiệp nuôi tôm ở miền Tây Nam bộ, cho đến nay, ngành điện lực đã chi hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư hệ thống mạng lưới điện. Cụ thể, tại 6 tỉnh ở miền Tây Nam bộ gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, tính từ năm 2017 đến 2020, ngành điện đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để phục vụ cho ngành nuôi tôm công nghiệp, trong đó đã xây dựng 1.645 km đường dây trung thế; 3.084 km đường dây hạ thế; nâng cấp 2.708 trạm biến áp, 2.011 trạm biến áp mới.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 55.836 ha nuôi tôm, theo tính toán của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, chi phí tiền điện chiếm từ 5-10% tổng chi phí nuôi tôm. Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng - cho biết: Nhiều năm qua, ngành điện lực Sóc Trăng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, nhờ đó nhiều hộ nuôi đã tiết giảm được tiền điện, chi phí sản xuất rất lớn. Các mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm như thay thế gối đỡ trục giàn quạt tạo khí ô-xy chữ U bằng con lăn trục quay và đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn giàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn chữ U đã được nhiều hộ nuôi áp dụng.
Mới đây, EVNSPC cùng với Công ty Điện lực Sóc Trăng đã chuyển giao và hỗ trợ 833 hộ nuôi trên diện tích 543,6 ha với 26.378 con lăn trục quay, giúp người nuôi tôm tiết kiệm 15,2% điện năng tiêu thụ. Ông Huỳnh Minh Nhật ngụ tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng - cho hay, khi sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U ngoài việc giảm từ 15- 20% chi phí điện năng, mô hình còn góp phần giảm thiểu hư hỏng các thiết bị.
Nhằm tiết giảm tối đa lượng điện tiêu thụ trong nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ngành điện lực đang triển khai hai giải pháp là sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho giàn quạt và giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn kết hợp chỉnh đồng trục giàn quạt với trục quay của động cơ. Theo đánh giá của Công ty Điện lực Sóc Trăng, gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U trong nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng. Nhưng khi lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của giàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn thay thế giàn quạt không đồng trục gối đỡ chữ U, lượng điện tiết kiệm được lên tới 38,7%.
Theo Kinh tế Việt Nam