Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:20 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đề xuất tăng 5% phí môi trường với nước thải của cơ sở rửa ôtô, xe máy

03/05/2019

Một số địa phương cho rằng cơ sở rửa ôtô, xe máy, sửa chữa ôtô, xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong đó có đề xuất tăng mức phí với một số đối tượng.
Theo quy định hiện tại, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính dẫn ý kiến một số địa phương (Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang) cho rằng cơ sở rửa ôtô, xe máy, sửa chữa ôtô, xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Nguyên nhân vì nước thải của đối tượng này có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn.
Từ đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án. Một là giữ nguyên quy định hiện hành. Hai là quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Riêng mức phí áp dụng đối với một số đối tượng sẽ là 15% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Những đối tượng này gồm: Cơ sở rửa ôtô, xe máy, sửa chữa ôtô, xe máy, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác.
Dự thảo cũng nhấn mạnh, trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ở hướng khác, với nước thải công nghiệp, quy định hiện nêu rõ: Cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm.
Tuy vậy, một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình cho rằng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm áp dụng chung cho tất cả các cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày đêm là không phù hợp. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm (ví dụ 5, 10 hoặc 15m3/ngày đêm) cũng phải nộp mức 1,5 triệu đồng/năm là chưa công bằng.
Để đảm bảo công bằng trong việc nộp phí, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định: Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm nộp mức phí cố định 2 triệu đồng/năm. Cơ sở có lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm đến dưới 10m3/ngày đêm chịu mức phí 1,5 triệu đồng/năm. Còn lại, với các cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5m/ngày đêm sẽ nộp mức phí cố định là 1 triệu đồng/năm.
Căn cứ xác định số lượng nước thải/ngày đêm theo dự thảo là thực tế xả thải từ hoạt động sản xuất, chế biến; hồ sơ về môi trường của cơ sở; kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng./.

Theo Vietnamplus