Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:32 GMT+7

Điển hình

Thép Hòa Phát: Công nghệ sạch và xanh

02/04/2019

Ngày 19/3/2019, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2019. CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương, thuộc Tập đoàn Hòa Phát lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp vật liệu xây dựng uy tín nhất. 
Công nghệ từ sạch đến xanh
Năm 2018, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của toàn Tập đoàn Hòa Phát đạt mức 2,38 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có sự đóng góp chủ yếu của các lò cao Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương. Với lợi thế công nghệ lò cao, Thép xây dựng Hòa Phát có chất lượng vượt trội, giá thành cạnh tranh đã dẫn đầu thị phần và liên tục lập thêm kỷ lục mới về sản lượng bán hàng.
Khu liên hợp tại Hải Dương sử dụng công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng. Khu công nghiệp lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM, giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện, giúp Hòa Phát chủ động gần 50% nhu cầu điện sản xuất.
Với xỉ thu hồi từ luyện gang thép, từ quý III/2018, xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 của Hòa Phát đã chính thức được đưa ra thị trường, thể hiện quyết tâm tối ưu hóa công nghệ, biến chất thải rắn phát sinh trong quá trình luyện gang thành sản phẩm vật liệu xây dựng, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép.
Ngoài ra, CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương đã tiến hành đầu tư gần 700 tỷ đồng thay đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô bằng khí Nitơ, thân thiện môi trường. Dự kiến, công nghệ mới hoàn thành vào giữa năm 2019 nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng phát điện phục vụ sản xuất từ 52 MW hiện nay lên 64 MW từ quý III/2019.
Với Khu liên hợp tại Dung Quất - Quảng Ngãi, Hòa Phát cũng áp dụng mô hình tuần hoàn khép kín tương tự như tại Hải Dương, nhưng thiết bị công nghệ hiện đại hơn của các nước G7. Hoà Phát chi tới 30% tổng giá trị đầu tư dự án vào các giải pháp bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật và Hàn Quốc để có thép “xanh”. Yếu tố “xanh” trong thép Hoà Phát được thể hiện qua nhiều yếu tố. Một là chất lượng không khí, nước phải được xử lý bằng các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại nhất. Hòa Phát chi hàng trăm triệu USD cho các thiết bị này. Hai là cùng sản xuất ra 1 tấn thép, nhưng tiêu hao ít than và điện hơn.
Hoà Phát đầu tư công nghệ của Đức để chuyển hoá lượng nhiệt dư khổng lồ sản xuất thép vào sản xuất điện với nhà máy có công suất lên tới 200 MW, giúp tự chủ được 65% nhu cầu điện của Khu liên hợp. 
Đa dạng hóa sản phẩm
Với sự ra đời của Dung Quất, Thép Hòa Phát càng khẳng định vị thế doanh nghiệp vật liệu xây dựng hàng đầu khi đa dang hóa sản phẩm, cho ra đời các sản phẩm thép chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu.
Ngoài thép thanh, thép cuộn cho xây dựng, Thép Hòa Phát tự hào là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam sản xuất thép rút dây, thép dự ứng lực từ chính nguyên liệu là thép cuộn chất lượng cao của các khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi, góp phần thay thế hàng nhập khẩu.
Dây chuyền thép dự ứng lực PC Bar giai đoạn 1 đi vào hoạt động dự kiến sẽ cung cấp 40.000 tấn/năm ra thị trường. Giai đoạn 2 với sản lượng 20.000 tấn/năm sẽ được Công ty triển khai trong thời gian tới. Các sản phẩm thép dự ứng lực của Hòa Phát được sử dụng trong những công trình quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo…
Hòa Phát đã đầu tư Dự án thép rút dây mạ kẽm với công suất thiết kế 10.000 tấn thép đen, 21.000 tấn thép mạ/năm tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên, hoàn thành từ tháng 3/2018. Nguồn thu từ dự án rất tốt, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Lượng hàng xuất khẩu ngày càng tăng nhanh, đạt gần 50% tổng sản lượng với các thị trường chính là Lào, Hàn Quốc, Campuchia, Canada và hướng tới xuất khẩu nhiều hơn. Đặc biệt, việc xuất khẩu sản phẩm thép rút mang lại nguồn ngoại tệ hơn 6 triệu USD đã giúp Công ty chủ động hơn trong việc mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Từ cuối năm 2018, Công ty bắt đầu nhập khẩu dây chuyền sản xuất thép rút mạ kẽm giai đoạn 2, mục tiêu đưa sản lượng tăng lên gấp 2 lần. Dự kiến, khoảng tháng 6/2019, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Nguồn: Tin nhanh chứng khoán