Những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội đã tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hay còn gọi là vật liệu xanh, để bảo vệ môi trường.
Khu phức hợp Keangnam tại Hà Nội là một trong những công trình sử dụng nhiều gạch không nung. Quá trình sản xuất vật liệu xây dựng xanh tốn ít năng lượng hơn sản phẩm nung, tiết kiệm tài nguyên đất, không gây ô nhiễm môi trường. Quá trình sử dụng, vật liệu này giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của công trình. Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung được Chính phủ phê duyệt có mục tiêu thay thế 30 - 40% gạch đất sét nung vào năm 2030.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, TP Hà Nội kiên quyết xóa bỏ cơ sở gạch nung tự phát, không có trong quy hoạch. Đến nay, 7 huyện (Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất) không còn tồn tại lò gạch thủ công cải tiến, lò vòng. 5 huyện (Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì) kiến nghị thành phố cho phép duy trì hoạt động của các lò cải tiến, lò vòng đến hết năm 2020...
Vật liệu xanh là vật liệu có hàm lượng tái chế, tiết kiệm tài nguyên, có tác dụng bảo vệ môi trường. Trong khi, việc sử dụng vật liệu xây dựng gạch nung sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đất, ô nhiễm không khí và làm mất đi thảm thực vật sinh trưởng. Với lợi ích thiết thực của vật liệu xanh, bên cạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng đã được Nhà nước ban hành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng hộ gia đình cần có ý thức sử dụng vật liệu xanh trong quá trình xây dựng, để chung tay bảo vệ môi trường.
Theo Mạng thông tin chuyên ngành xi măng Việt Nam