Theo nghiên cứu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), quá trình sử dụng năng lượng gây phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phát thải hằng năm.
Ảnh minh họa
Theo dự báo, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng 2,7 lần và 4,6 lần vào các năm 2020 và 2030 so với mức phát thải năm 2010. Một trong các biện pháp chủ yếu nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK-HQ).
Luật SDNLTK-HQ có hiệu lực từ năm 2011, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đầy đủ và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp (DN) còn hạn chế; công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng tại địa phương còn yếu, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương chưa chặt chẽ; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng (TKNL) còn thiếu dẫn đến các DN không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển ngành năng lượng phát thải thấp ở Việt Nam thông qua hỗ trợ xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển phát thải thấp trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời thu hút đầu tư công - tư trong phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ Bộ Công thương thực hiện dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam” (Dự án V-LEEP) từ năm 2016 đến hết năm 2020. Trong số các mục tiêu của Dự án V-LEEP, Hợp phần 3 của dự án tập trung thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực thực hiện chính sách SDNLTK-HQ cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng như công nghiệp, xây dựng của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Hợp phần 3 đã thực hiện và đạt một số kết quả cụ thể gồm: Rà soát và lựa chọn bốn ngành trọng tâm gồm sắt thép, dệt may, xi-măng và mía đường để hỗ trợ kiểm toán năng lượng nhằm xác định tiềm năng và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho DN. Ðến nay, đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng chi tiết cho năm nhà máy sản xuất gang - thép, kiểm toán sơ bộ tại ba nhà máy thép, 11 cơ sở sản xuất trong ngành dệt may, hai nhà máy xi-măng và ba nhà máy mía đường. Phối hợp tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng Công nghệ phát thải thấp cho ngành dệt may” trong năm 2017 với sự tham dự của hơn 80 DN, đơn vị tư vấn, nhà cung cấp và tổ chức quốc tế. Phối hợp Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức một khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý năng lượng cho DN công nghiệp; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho một số công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy dự án ESCO tại các DN công nghiệp. Làm việc với một số ngân hàng để xây dựng cơ chế phối hợp nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc rà soát các đề xuất vay vốn cho dự án TKNL. Phối hợp Hiệp hội Kỹ sư năng lượng (AEE) để tổ chức khóa đào tạo cấp chứng chỉ Ðánh giá và Thẩm tra hiệu quả dự án TKNL (CMVP) đầu tiên tại Việt Nam. Sau khóa tập huấn, 18 chuyên gia đã được tổ chức EVO công nhận và chứng nhận có giá trị toàn cầu.
Dự án V-LEEP đã thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng và sản xuất của ngành mía đường, thu thập dữ liệu từ 39 nhà máy, tính toán và đề xuất định mức tiêu hao năng lượng cho ngành. Về nghiên cứu đánh giá tiềm năng TKNL và sử dụng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp, dự án đã khảo sát hai khu công nghiệp, thu thập dữ liệu tại 178 DN công nghiệp để đưa ra một số khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước và DN nhằm thúc đẩy nỗ lực tuân thủ quy định của Luật SDNLTK-HQ. Rà soát phương pháp xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 của ngành công thương. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, đề xuất khung Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 của ngành công thương.
Việc thực hiện Dự án V-LEEP tại Việt Nam sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nâng cao năng lực thể chế trong triển khai chính sách về SDNLTK-HQ, cũng như các DN công nghiệp có thể huy động được nguồn lực xã hội phục vụ nhu cầu SD NLTK-HQ.
Theo Báo Nhân dân