Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:47 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Phát triển thị trường vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường

15/03/2019

"Phát triển thị trường vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường" là nội dung của buổi thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Ban quản lý Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 26/12/2018 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý trung ương và địa phương như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở ban ngành TP. Hồ Chí Minh và sở xây dựng 7 tỉnh lân cận, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ, các hiệp hội ngành nghề...
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu gia tăng nhận thức về vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường theo định hướng mà Chính phủ đã đề ra.
Hội thảo "Phát triển thị trường vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường" 
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, thị trường tiêu thụ VLXD cả nước năm 2018 tiếp tục có sự phát triển tốt. Tất cả các chủng loại VLXD chủ yếu cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước. Đồng thời, một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số loại sản phẩm giữ vai trò chủ đạo đã có sự tăng trưởng tốt như xi măng, kính xây dựng… Cụ thể mặt hàng xi măng là 95 triệu tấn, gạch ốp lát trên 705 triệu m2, kính xây dựng 295 triệu m2, gạch không nung 7,1 tỷ viên. Tuy nhiên, theo ông Bắc, các sản phẩm VLXD có sức tiêu thụ tốt chủ yếu tập trung tại những cơ sở, DN đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ngược lại, những dây chuyền thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp rất khó cạnh tranh trên thị trường.
Tại hội thảo, ý kiến của đa số các đại biểu đều cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển ngành xây dựng theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để khuyến khích các DN tập trung đầu tư sản xuất các chủng loại VLXD thân thiện môi trường, trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách phát triển VLXD mới, thân thiện môi trường như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010. Trong đó quy định “Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”. 
Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường trong đó có vật liệu xây không nung; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện. Mục tiêu của dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp