Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có sản phẩm xanh nên nhiều doanh nghiệp nỗ lực đầu tư nhằm cho ra những sản phẩm đảm bảo yếu tố xanh và sạch, đồng thời xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Không tiếc tiền mua sản phẩm xanh
Từ năm 2014, doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na, có trang trại trồng cam tại Nghệ An và Hà Tĩnh, đã sử dụng bao bì bằng giấy tái chế để đựng sản phẩm bán cho người tiêu dùng, thay cho túi nilon khó phân hủy.
Xây dựng trang trại cam sinh thái, nói không với hóa chất, hoàn toàn thiên nhiên, Lê Na đã gây dựng được niềm tin ở người tiêu dùng với những sản phẩm an toàn, chất lượng. Mùa cam năm 2018, cam sinh thái của Lê Na ra mắt thị trường được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, mặc dù giá bán cao hơn 10 - 15% so với giá thị trường. Dự án cam sinh thái của nữ doanh nhân này còn nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức quốc tế.
Xu hướng tiêu dùng xanh, sạch ngày càng trở nên phổ biến, cùng với đó là sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm…, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.
Khảo sát mới đây của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng xâm nhập thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bà Đặng Thu Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, trên 80% người Việt được hỏi sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Có 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Chất lượng xanh trở thành lợi thế cạnh tranh
Trong xu hướng tiêu dùng xanh, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Chất lượng xanh trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc làm sản phẩm xanh, bền vững thường tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu và ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã giải đáp thỏa đáng được mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh.
Chẳng hạn, Unilever có cam kết mạnh mẽ về sản phẩm sạch, vì cộng đồng và môi trường, là doanh nghiệp kinh doanh bền vững điển hình với mục tiêu đóng góp cho cộng đồng, bảo vệ môi trường lồng ghép trong các mục tiêu kinh doanh.
Unilever nằm trong Top 10 doanh nghiệp bền vững xuất sắc nhất của bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017. Theo Unilever, trong hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Công ty cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường.
Với Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, doanh nghiệp này tiên phong cho ra sản phẩm bóng đèn gắn với công nghệ chiếu sáng “xanh”, tiết kiệm điện. Ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng giám đốc Điện Quang chia sẻ, từ năm 2000, Công ty xác định chiến lược xây dựng sản phẩm gắn với 3 giá trị: an toàn - tiết kiệm - thân thiện, đây cũng là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thành quả, bóng đèn của Điện Quang đã vinh dự nhận “nhãn xanh Việt Nam” và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người tiêu dùng, gắn liền với hình ảnh bóng đèn tiết kiệm điện.
Xu hướng xanh không chỉ trong tiêu dùng, mà còn trở thành yếu tố quan trọng trong lựa chọn nơi an cư của người dân gắn với tiêu chí sống xanh. Có khu đô thị vị trí không đẹp nhưng đã thành công lớn và gặt hái tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khi xây dựng khu đô thị xanh, văn minh, thu hút người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, có hai yếu tố cơ bản mà các doanh nghiệp cần quan tâm để thúc đẩy tiêu dùng xanh là tạo ra ý định tiêu dùng xanh cho người tiêu dùng và tính sẵn có của sản phẩm.
Thực tế, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C… luôn có sẵn túi vải để người tiêu dùng lựa chọn làm sản phẩm thay thế túi nylon, vừa thân thiện môi trường, vừa tái sử dụng. Chiến dịch tiêu dùng xanh cũng được nhiều doanh nghiệp bán lẻ thúc đẩy.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học RMIT Việt Nam, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đóng vai trò quyết định trong việc khuyến khích quy trình đổi mới của một công ty.
Ban đầu, hoạt động của sáng kiến xanh và những sản phẩm xanh có thể chưa rõ ràng, nhưng sự tác động qua lại trong mối quan hệ hai bên đều có lợi giữa một bên là xu hướng tiêu dùng xanh và bên kia là sự thay đổi quy trình, có thể góp phần cải thiện chi phí.
Nếu biết ứng dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất các sản phẩm xanh, bền vững và chiến lược tiếp thị truyền cảm hứng, doanh nghiệp sẽ sớm đón nhận sự quan tâm của người tiêu dùng và gặt hái thành công.
Theo Báo Đầu tư chứng khoán