Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:43 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy sản ở Việt Nam

03/11/2018

Ngày 2/11/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Chia sẻ các giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy sản ở Việt Nam” với sự phối hợp của Hội đồng doanh nghiệp về sự Phát triển Bền vững Việt Nam.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tham gia và trình bày tại Hội nghị.
"Công nghiệp là ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam cơ cấu theo ngành như sau: ngành công nghiệp 47,3%, giao thông vận tải 29,6%, dân dụng 15,1%, phi năng lượng 3,4%, thương mại dịch vụ 3,1%, và nông nghiệp 1,6%". - Ông Vũ cho biết. 
 Hội thảo “Chia sẻ các giải pháp năng lượng bền vững ngành chế biến gỗ và thủy sản ở Việt Nam”
Để triển khai các quy định pháp luật về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 5 Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành: hóa chất, sản xuất bia và nước giải khát, thép, giấy, nhựa.
Đối với ngành thủy sản, hiện Bộ Công thương đang xây dựng Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản với 2 sản phẩm chủ đạo là tôm đông lạnh và cá da trơn đông lạnh. Dự kiến sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt ban hành trong năm 2018.
Theo đó, định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2019 - 2025 là khoảng 1.050kWh/tấn cá tương đương đối với tiểu ngành cá da trơn và 2.050kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương với tiểu ngành tôm. Giai đoạn 2026 - 2030, định mức này sẽ giảm xuống 900 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 1.625kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương. 
“Doanh nghiệp sẽ từng bước áp dụng các giải pháp không tốn chi phí đầu tư, giải pháp chi phí thấp đến trung bình. Sau đó có thể tính đến các giải pháp chi phí cao hơn để đạt được định mức này.”, ông Vũ nói.
Quang cảnh hội thảo
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khánh – Chuyên gia tư vấn năng lượng – cho biết, tiêu thụ năng lượng ngành gỗ năm 2015 chiếm 2,32% lĩnh vực công nghiệp và 1% của quốc gia. Nhu cầu năng lượng ngành chế biến gỗ dự báo tăng với tốc độ trung bình 8%/năm giai đoạn 2015-2030. Xây dựng kịch bản năng lượng bền vững cho ngành này với 20 giải pháp được nhận diện. Thực hiện theo kịch bản này giúp nhu cầu năng lượng tăng với tốc độ thấp hơn, 7,2%. Năm 2030 giảm 10,4% so với kịch bản thông thường, lĩnh vực sản xuất đồ gỗ và ván nhân tạo có mức giảm lớn nhất cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. 
 
Giải pháp được đưa ra đối với các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ như lựa chọn các công nghệ thiết bị hiện đại, thực hiện các giải pháp quản lý phía cầu để giảm chi phí tiền điện, giám sát sử dụng năng lượng…Ngoài ra, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng Thông tư về định mức năng lượng cho ngành này trong thời gian tới.
Làm thế nào để khuyến khích năng lượng xanh, sạch, tái tạo, đặc biệt trong ngành kinh tế nói chung và trong 2 ngành thủy sản và gỗ nói riêng, ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI – nhấn mạnh: Tìm ra mô hình hợp tác công tư để phối hợp triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng Việt Nam là hướng đi quan trọng.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp