Sử dụng vật liệu xanh là xu hướng của các công trình hiện đại để phát triển bền vững. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia và thành phố lớn đang giảm dần việc sử dụng vật liệu xây dựng gây hại đến môi trường. Việt Nam cũng đi theo xu hướng này bằng việc thúc đẩy nhanh việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình.
Các vật liệu xây dựng mới đang được quan tâm phát triển gồm: vật liệu xây không nung, các loại sơn sinh thái, tấm thạch cao, vật liệu cách nhiệt... Cụ thể, nước ta đã sản xuất được khoảng 24 tỷ viên gạch, tiết kiệm được hơn 1.800 ha đất, 3,6 triệu tấn than và giảm phát thải trên 13 triệu tấn khí nhà kính.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Xây dựng)
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, đến năm 2030, toàn ngành vật liệu xây dựng phải có công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hóa ở mức ngày càng cao; tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp; chất lượng sản phẩm cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp để chế tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh phục vụ cho xây dựng trước mắt và lâu dài.
“Hy vọng rằng ngành công nghiệp vật liệu xây dựng của nước ta, với sự đóng góp tích cực của các chuyên gia đầu ngành về quản trị, kỹ thuật, hợp tác quốc tế cũng sẽ có những bước tiến nhảy vọt trong việc lựa chọn công nghệ chế tạo và hợp tác chế tạo ra các dây chuyền thiết bị tiên tiến, đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và thương mại để ngày càng có nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh”, ông Nga nhấn mạnh.
Cũng theo thông tin từ Hội Vật liệu xây dựng, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn để phát triển vật liệu xây dựng xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách khuyến khích còn chưa được phát triển mạnh mẽ, do tính cạnh tranh của cơ chế thị trường nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kết quả đưa các sản phẩm vào sản xuất còn hạn chế. Do vậy, việc thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa việc phát triển vật liệu xanh là vô cùng cần thiết.
“Để việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đạt được kết quả như kỳ vọng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như đầu tư đổi mới công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu. Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về lợi ích, ưu nhược điểm, những kết quả, bài học thành công và không thành công trong việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều hơn đối với sản phẩm này. Từ đó, các mô hình sản xuất sẽ được mở rộng để dần thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống”, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm nhấn mạnh.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp