Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này đã có 90 dự án điện mặt trời đăng ký triển khai với tổng công suất hơn 5.340 MWp, diện tích trên 6.725 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến là 137.209 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 4 dự án điện mặt trời với tổng công suất 159,5 MWp triển khai san gạt mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng.
Mới đây nhất, ngày 19/9/2018, nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong đã chính thức được khởi công. Nhà máy có công suất 30 MW, được xây dựng trên khu đất 50ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp mỗi năm khoảng 63 triệu kwh điện thương phẩm.
Ảnh minh họa
Được biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 28 dự án được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch và đã có 23 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó còn có 52 dự án được tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực Bình Thuận hay bổ sung vào đồng bộ quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia…Ngoài ra, tỉnh cũng đã trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch gần 20 dự án điện mặt trời.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 4.000 MW. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đối với quy hoạch phát triển điện mặt trời, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên năng lượng lẫn đất đai một cách tối ưu.
Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước, tuy nhiên đây lại là điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời - một trong những nguồn năng lượng sạch đang được thế giới hướng đến.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết tỉnh là một trong những địa phương có số giờ nắng nhiều, có bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời, nhất là tại các khu vực phía bắc. Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời cũng là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Lĩnh vực điện mặt trời tại tỉnh này hiện đang có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư. Do đó, tỉnh cần lựa chọn, định hướng phát triển điện mặt trời trên địa bàn trong thời gian tới nhằm thu hút các thành phần kinh tế có năng lực, kinh nghiệm tham gia khai thác lợi thế tài nguyên năng lượng mặt trời, sử dụng đất đai một cách có hiệu quả, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp