Thái Nguyên là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế có thể cạnh tranh và tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư. Tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, có điều kiện liên kết và hợp tác phát triển lâu dài với các địa phương trong khu vực.
Bên cạnh việc được thiên nhiên ưu đãi và sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, Thái Nguyên còn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi hệ thống hạ tầng điện, giao thông, đô thị và công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Xét về tổng thể, tỉnh có đầy đủ điều kiện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư, kể cả các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai các dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định là những việc mà chính quyền tỉnh Thái Nguyên đang cố gắng thực hiện.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Thái Nguyên nhận được nhiều đánh giá tích cực của doanh nghiệp về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 130 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7.288,1 triệu USD và gần 6.320 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là trên 79.575 tỷ đồng.
Trong quá trình thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định phát triển công nghiệp luôn gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, bảo vệ môi trường - một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các khu công nghiệp (KCN) thường xuyên đôn đốc công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến 2020, giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các KCN và cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, khu du lịch, khu khai khoáng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi.
Đồng thời, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các KCN và CCN và chú trọng có trọng điểm trong quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thái Nguyên đã thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, KCN và CCN bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Ngoài ra, Thái Nguyên luôn chú trọng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải, phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, xử lý chất thải và xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia quản lý bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng lòng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục là điểm đến, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Văn phòng SXSH & SXTDBV