Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:17 GMT+7

Điển hình

Đà Nẵng trở thành “Thành phố Xanh Quốc gia Việt Nam 2018”

06/09/2018

Ngày 31/8/2018, UBND TP Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ công bố danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2018”. Danh hiệu này do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn tại thủ đô Paris của Pháp tháng 7 vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (phải) nhận bằng chứng nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia Việt Nam” giai đoạn 2017-2018. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Vượt qua 132 thành phố của 23 quốc gia trên thế giới, Đà Nẵng đã giành được giải thưởng uy tín này và cùng 21 thành phố khác trên toàn thế giới tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi “Thành phố Xanh Quốc tế” ,để chọn ra một thành phố xuất sắc đạt giải Thành phố Xanh Toàn cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi những nỗ lực của TP và người dân được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2008, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – TP Môi trường”, trong đó các mục tiêu, tiêu chí Đề án cũng đã tính đến mục tiêu “Thành phố xanh” mà quốc tế đang hướng đến. Dù chặng đường còn dài và nhiều thách thức, nhưng Đà Nẵng đã cam kết hành động quyết liệt vì một cuộc sống xanh, bền vững và thịnh vượng cho người dân, qua đó góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang thực hiện.”
Lễ công bố Đà Nẵng - Thành phố xanh quốc gia 2018
Tham gia cuộc thi, Đà Nẵng đã gây ấn tượng với Ban giám khảo bởi các giải pháp tiếp cận toàn diện và tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra. Giảm 25% lượng phát thải các-bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016, là cam kết mà thành phố đưa ra khi tham gia cuộc thi.
Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu xây dựng “Thành phố Môi trường”
Để thực hiện điều này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều sáng kiến tập trung vào năng lượng sạch như lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học, đặc biệt một nhà máy chế biến rác thải đô thị thành năng lượng đang được khởi xướng xây dựng; hay phát triển giao thông xanh như dự án xe buýt nhanh, đi xe chung; và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố.
“Được ghi nhận là thành phố Xanh quốc gia 2018, Đà Nẵng có cơ hội để kết nối, thúc đẩy các bên liên quan như: chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hành động mạnh mẽ và thường xuyên hơn nữa, hướng đến xây dựng thành phố môi trường mà thành phố đang phấn đấu thực hiện”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Chương trình Thành phố Xanh quốc tế là một sáng kiến của WWF (World Wide Fun for Nature - Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường; đồng thời, xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Năm 2018 có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia trên thế giới dự thi Thành phố Xanh quốc tế; trong đó, Việt Nam có thành phố Đà Nẵng, Đông Hà (Quảng Trị) và Hội An (Quảng Nam) tham gia. Cả 3 cùng vượt qua vòng loại với 37 thành phố khác trên toàn cầu. Thành phố Đà Nẵng đã đạt danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” để xét vinh danh là “Thành phố Xanh toàn cầu”.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp