Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:24 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Ngành Than chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

25/08/2018

Ngày 23/8/2018 tại Quảng Ninh, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc bàn về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu các vùng khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tác động của biến đổi khí hậu đến toàn ngành
Do lịch sử hình thành, TKV thường có địa bàn sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản tập trung ở vùng núi cao, ven biển và đồng bằng, thêm vào đó một số vùng nguyên liệu và sản xuất phân bố trên các vùng có địa hình cao (sườn núi, núi) nên rất dễ bị tác động bởi trượt lở đất đá, lũ quét do mưa to, dài ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các tác động này khi bị gia tăng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng góp phần tàn phá cảnh quan các mỏ khoáng sản, gây khó khăn cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến quá trình đóng mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác.
Thực tế thời gian qua đã có không ít điểm mỏ quan trọng bị thiên nhiên tàn phá, vùi lấp. BĐKH làm mưa lũ gia tăng vào mùa mưa gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất khai thác, quá trình vận chuyển tại các mỏ khai thác khoáng sản làm thiệt hại lớn về người và của đối với các doanh nghiệp. Điển hình như đợt mưa lớn lịch sử từ 25/7-5/8/2015 đã ảnh hưởng đến hầu hết các đơn vị của TKV tại Quảng Ninh gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh của TKV. Nhiều mỏ than đã bị nước mưa làm ngập như: Mông Dương, Quang Hanh, Nam Mẫu, Hòn Gai… Hầu hết các tuyến đường ô tô và đường sắt vận chuyển than ra cảng, đường chuyên dụng đều bị sạt lở, hư hỏng, nhiều nhà xưởng, công trình xây dựng của nhiều mỏ bị bùn đất tràn lấp.
Công trình tuyến đê và trồng cây xanh tại bãi thải Đông Cao Sơn
Là một trong những ngành kinh tế - sản xuất công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, với vai trò là nguồn cung cấp nhiên liệu than đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và để xuất khẩu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà TKV là đơn vị được nhà nước giao quản lý và điều hành sản xuất, cung ứng gần như toàn bộ than tại Việt Nam (95%). Hiện TKV có 7 mỏ lộ thiên lớn với công suất từ 1,2 triệu tấn trở lên và 11 mỏ hầm lò có công suất trên 1,0 triệu tấn/năm trở lên, ngoài ra còn có một số mỏ hầm lò, lộ thiên có công suất nhỏ từ vài trăm nghìn tấn đến 1,0 triệu tấn/năm.
Trong khâu sàng tuyển, chế biến than, TKV hiện có 3 nhà máy sàng tuyển tập trung là Cửa Ông, Hòn Gai, Vàng Danh với tổng công suất 18 triệu tấn/năm, ngoài ra là các xưởng sàng tuyển trực tiếp tại mỏ. Trước thực tế như vậy, thời gian qua, trung bình mỗi năm TKV đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xây dựng các công trình xử lý, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH cho các mỏ than, các cảng, khu vực tập kết than.
Kế hoạch ứng phó với BĐKH của TKV năm 2018
Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Tăng trưởng xanh; Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, và tiếp theo năm 2017, TKV đã lựa chọn Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mức trung bình để xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH của TKV năm 2018 (Kịch bản RCP 4.5 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016).
Theo ông Nguyễn Mạnh Điệp – Trưởng ban Môi trường của TKV: “Hoạt động ứng phó với BĐKH của ngành Than tập trung vào cả hai hướng là thích ứng và giảm nhẹ. Các mỏ than hầm lò, lộ thiên và khu vực chế biến đã áp dụng các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BĐKH và công tác ứng phó cho các cán bộ, công nhân và người lao động trong toàn Ngành từ năm 2010 tới nay; quy hoạch các khu vực khai thác, chế biến mới lùi vào đất liền; trồng cây xanh tại các mỏ để hoàn thổ sau khai thác, giảm sức tàn phá của mưa lũ, đẩy mạnh trồng rừng lấy gỗ làm trụ mỏ và góp phần tăng độ che phủ rừng tại tỉnh Quảng Ninh…”.
Bên cạnh đó, ngành Than cũng tập trung vào các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Thông qua hoạt động tiết kiệm điện-nhiên liệu, giảm phát thải, trong đó tính riêng khối khai thác lộ thiên đã tiêu thụ lên 160 triệu kWh/năm. Theo tính toán, mỗi năm, các đơn vị sản xuất than lộ thiên có thể tiết kiệm được 11 triệu kWh điện, tương đương hơn 11 tỷ đồng/năm và tiết kiệm tiền xăng, dầu phục vụ các loại xe cơ giới tương đương khoảng 22,5 tỷ đồng, do đó tổng chi phí tiết kiệm được vào khoảng 32,5 tỷ đồng/năm và góp phần giảm phát thải trên 6 triệu tấn khí CO2 tương đương/năm ra môi trường. Khối sản xuất hầm lò hiện đang tiêu thụ gần 300 triệu kWh/năm, nếu áp dụng các giải pháp tương tự, mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 28,5 triệu kWh điện, tương đương 25,7 tỷ đồng, góp phần giảm phát thải khoảng 16 nghìn tấn khí CO2/năm. Trong tương lai xa hơn, TKV có định hướng sử dụng các mặt bằng bãi thải mỏ đã cải tạo tại vùng Quảng Ninh làm các địa điểm sản xuất điện mặt trời hoặc phong điện.
Hiện tất cả các bãi thải đang hoạt động đã được TKV xây dựng các tuyến đê, đập chắn đất đá, mương thoát nước bảo vệ quanh chân bãi thải, nhằm ngăn chặn đất đá sạt lở. Chỉ tính riêng năm 2017, TKV đã dành hơn 500 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, năm 2018 số tiền mà TKV dự kiến dành cho công tác này vào khoảng 516 tỷ đồng.
Công trình đập chắn Giáp Khẩu- Hòn Gai
Sau khi thảo luận về các kết quả về công tác ứng phó với BĐKH năm 2017, thảo luận góp ý cho Kế hoạch năm 2018, đoàn công tác của Bộ Công Thương và các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác mỏ, ứng phó với biến đổi khí hậu và đại diện TKV đã đi thăm quan một công trình thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn tại Hòn Gai. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của TKV trong những năm qua trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đồng thời khẳng định các giải pháp của TKV đã góp phần không nhỏ vào công cuộc ứng phó với BĐKH của ngành Công Thương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
“Tuy nhiên dựa trên kế hoạch ứng phó BĐKH của quốc gia, TKV cũng cần xây dựng kế hoạch dài hơi cho mình trong đó nên đưa ra lộ trình thực hiện từng giai đoạn có như vậy thì công tác ứng phó BĐKH mới đạt được những kết quả cao và bám sát được với tình hình diễn biến của đất nước cũng như của thế giới trong công tác ứng phó BĐKH”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang khuyến cáo.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, TKV đã triển khai một số chương trình hỗ trợ công tác ứng phó BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Các chương trình này nằm trong 10 chương trình KHCN trọng điểm được ưu tiên thực hiện của Tập đoàn như: Chương trình khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên than-khoáng sản; phát triển năng lượng thay thế và vật liệu mới; tiết kiệm năng lượng và phát triển công nghệ thông tin; Phát triển mô hình sản xuất sạch hơn, an toàn hơn... Kết quả của các chương trình đã giúp ngành Than xác định được các giải pháp ứng phó BĐKH, sử dụng hợp lý tài nguyên, đồng thời từng bước xây dựng năng lực sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn.
Theo Báo Công Thương