Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:30 GMT+7

Điển hình

Bắc Ninh sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, bền vững

27/08/2018

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho cuộc sống con người. Ở nước ta, nguồn tài nguyên nước được đánh giá là rất đa dạng và phong phú, bao gồm cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở các thủy vực tự nhiên và nhân tạo như sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, giếng khơi, hồ đập, ao, đầm phá và các túi nước ngầm. Mặc dù vậy, tài nguyên nước không phải là vô tận. Nếu không khai thác, sử dụng hợp lý thì tài nguyên nước cũng sẽ có ngày cạn kiệt.
Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, tài nguyên nước mặt toàn tỉnh có khoảng: 34 tỷ 900 triệu m3/năm. Tổng lượng nước mặt được khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt khoảng 479 triệu 220 ngàn m3/năm. Hiện trạng tài nguyên nước dưới đất với tổng trữ lượng toàn tỉnh khoảng: 255.248.150 m3/năm. Tổng lưu lượng khai thác hiện tại khoảng: 94.900.000 m3/năm. Hiện trạng xả thải vào nguồn nước với lưu lượng xả thải trung bình khoảng 113.150 m3/năm.
Bắc Ninh cũng có hệ thống sông liên tỉnh gồm 3 sông: Sông Cầu, Sông Đuống, Sông Thái Bình. Trong khi đó, hệ thống sông nội tỉnh gồm 8 sông: Ngũ huyện khê, Cà Lồ, Tào Khê, Dâu, Đông Côi-Ngụ, Đồng Khởi, Bùi, Đại Quảng Bình. Về Ao, hồ, đầm, có khoảng gần 15.000 ao, hồ, đầm lớn nhỏ. 
Chất lượng nước mặt và nước dưới đất đều bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu trong tỉnh.
Có thể thấy nguồn tài nguyên nước thực sự dồi dào, đáp ứng tối ưu nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại, một số nơi nguồn nước đã, đang bị ô nhiễm và có nguy cơ suy giảm như sông Ngũ huyện khê; KCN Yên Phong; xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh); phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn )... 
UBND tỉnh Bắc Ninh đã và đang tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải nhằm kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước. (Ảnh minh họa: Internet)
Ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường đã, đang và sẽ thực hiện những biện pháp kiên quyết sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân để họ hiểu được tầm quan trọng của tài nguyên nước. Xem xét, rà soát lại các quy hoạch về tài nguyên nước toàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý cấp phép về tài nguyên nước. Quản lý, sử dụng việc khai thác, cung cấp nước sạch theo nguyên tắc tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Quan tâm củng cố bộ máy, con người làm công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp”.
Sở chủ động tham mưu giúp tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ sử dụng tổng hợp tài nguyên nước đến năm 2020, nhằm ban hành kịp thời các quyết định, quy định về quản lý, khai thác nước tổng hợp, kiểm soát tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước để cải tạo, phục hồi và lập hành lang pháp lý bảo vệ nguồn nước. Xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch quan trắc động thái nước dưới đất nhằm đánh giá những biến động về trữ lượng, chất lượng nước dưới đất, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.
UBND tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải nhằm kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước. Ban hành Quyết định phê duyệt về “Quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước” ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá hiện trạng tài nguyên nước của từng địa phương để có phương án sử dụng hợp lý. Gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý về tài nguyên nước cũng như trách nhiệm của các cấp chính quyền sở tại, góp phần cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất bền vững.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp