Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 04:58 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tăng trưởng xanh nhằm phát triển nhanh, bền vững

30/08/2018

Tăng trưởng xanh đang là một đòi hỏi cấp thiết ở nước ta hiện nay, bởi lẽ qua hơn 30 năm đổi mới, mặc dù Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2001 - 2010 và 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015), nhưng tăng trưởng kinh tế chưa gắn với sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, chưa gắn với bảo vệ tốt môi trường, chưa ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng kinh tế chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp: tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả đất đai, là yếu tố đầu vào quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nhưng thời gian qua đã khai thác bừa bãi, không có quy hoạch, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, hiệu suất sử dụng tài nguyên vào loại thấp nhất thế giới. Ở nước ta GDP có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng hiệu suất sử dụng các tài nguyên quan trọng (đất, nước, năng lượng), tức là sử dụng tài nguyên ở Việt Nam ngày càng thiếu tính bền vững.
Tăng trưởng kinh tế chưa gắn với bảo vệ môi trường: ô nhiễm môi trường đất có xu hướng tăng lên; đang có xu hướng suy kiệt nguồn nước mặt. Nguồn nước ngầm có hiện tượng ô nhiễm ngày càng tăng; môi trường không khí bị ô nhiễm ở mức cao, vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép; ô nhiễm tiếng ồn diễn ra trên đường giao thông của các đô thị lớn đều vượt quy chuẩn Việt Nam; lượng chất thải rắn được thải ra quá mức... Một số chỉ số sau thể hiện rõ điều đó: diện tích, chất lượng rừng bị suy giảm, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng vẫn đạt hơn 41%; chỉ có 75% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tập trung và mới chỉ xử lý được 62% lượng nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất này; 36% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về xử lý chất thải rắn nguy hại; việc xử lý chất thải rắn y tế chưa được quan tâm đồng đều giữa các địa phương và các cơ sở y tế, nhất là phương thức xử lý còn lạc hậu, thủ công...
Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường. Ảnh: TRẦN HÀ
Tăng trưởng kinh tế chưa gắn với ứng phó biến đổi khí hậu: biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nước ta có nhiều nỗ lực để gắn kết tăng trưởng kinh tế với ứng phó biến đổi khí hậu, để giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới phát triển bền vững như: nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai; tham gia thị trường cac-bon; tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu,... Nhưng trên thực tế, việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với ứng phó biến đổi khí hậu chưa chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả: chưa có giải pháp hữu hiệu phòng, chống xâm ngập mặn, chưa chuyển đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu, chưa chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính chưa đạt được, mà ngược lại có xu hướng tăng lên... Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, đã, đang và sẽ gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhìn chung, mô hình tăng trưởng xanh ở nước ta chưa đạt yêu cầu: tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, sử dụng không hiệu quả. Các loại tài nguyên cần thiết cho tăng trưởng kinh tế đều đã khan hiếm, không đủ cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, trong điều kiện thiếu tài nguyên cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhưng hiệu quả, hiệu suất sử dụng tài nguyên ở nước ta ở mức thấp nhất thế giới. Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc kiểm soát vấn đề này làm chưa tốt. Tăng trưởng kinh tế đã làm gia tăng biến đổi khí hậu...
Thời gian tới, để phát triển bền vững, phải chú ý nhiều vấn đề, nhất là chú ý thực hiện tốt mô hình tăng trưởng xanh: Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả phải trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra và ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế phải bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Ðó là những nội dung cốt lõi của mô hình tăng trưởng xanh ở nước ta.
Ðể thực hiện được mô hình tăng trưởng xanh, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, cơ cấu lại ngành nghề, mặt hàng sản xuất theo hướng vừa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của đất nước, vừa ứng dụng khoa học - công nghệ cao, tăng hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, giảm bớt hàm lượng nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên; lựa chọn ngành sản xuất, sản phẩm thân thiện với môi trường và thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Hai là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng xanh: khai thông, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội cho phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên đầu tư vào những ngành sản xuất xanh, sạch; chú trọng vào những ngành hàng phát triển, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm và tiến tới không đầu tư vào những ngành hàng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và không thích ứng được với biến đổi khí hậu...
Bảo đảm các nguồn lực cho thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, sạch, thân thiện với môi trường (bao gồm các nguồn nhân lực, tài lực, trí lực...) đủ để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh nhanh và hiệu quả...
Ba là, có biện pháp, cơ chế hữu hiệu để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như: xây dựng và hoàn thiện một số luật mới có liên quan đến khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; có chế tài mạnh đối với những hành động phá hoại, khai thác bừa bãi rừng, tàn phá và sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, sử dụng tốt các công cụ và chính sách kinh tế trong quản lý, làm cho tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ, được tái tạo nhanh và bền vững đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh cho cả hiện tại và trong tương lai...
Bốn là, ban hành và áp dụng hệ thống luật pháp, chính sách, chế tài mạnh mẽ để bảo vệ môi trường, giảm đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết không cấp phép đầu tư sản xuất - kinh doanh những mặt hàng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu không thân thiện với môi trường; cho ngừng sản xuất đi đến đóng cửa những cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường... Xử lý tốt, hạn chế tác hại của chất thải rắn, chất thải y tế..., giảm tối đa mức độ tăng của khí thải nhà kính...
Năm là, thiết kế hệ thống giải pháp thích ứng nhanh và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững là vấn đề ưu tiên hàng đầu: cơ cấu lại nền kinh tế, ngành hàng sản xuất, lựa chọn ngành công nghiệp, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; lựa chọn các ngành, hàng sản xuất chịu tác động ít nhất của biến đổi khí hậu; cần có những giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của khí thải nhà kính, nước biển dâng; tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường phát thải quốc tế...
Sáu là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về tăng trưởng xanh; thiết kế và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh theo lộ trình thích hợp, nhưng khẩn trương, luôn đổi mới, sáng tạo cho phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn. Xây dựng và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, môi trường... phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh bảo đảm sự phát triển bền vững từ trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cả trong tiêu dùng xã hội... Tất cả phải đặt tính xanh, tính bền vững vào trong mọi hoạt động từ đầu tư đến sản xuất và tiêu dùng trong xã hội...
Bảy là, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả mô hình tăng trưởng xanh, bền vững: tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có chiến lược và chính sách hội nhập quốc tế phù hợp góp phần thúc đẩy, thực hiện hiệu quả mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm phát triển bền vững đất nước phù hợp thông lệ quốc tế và hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong hoạt động kinh tế quốc tế: thu hút đầu tư, kinh tế đối ngoại, xuất - nhập khẩu... lấy tiêu chuẩn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu, không vì các mục tiêu khác mà thu hút đầu tư, xuất - nhập khẩu... làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước; mạnh dạn và kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp khai thác tàn phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, gây ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng..., giảm đến mức tối đa sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào các nước khác...
Tám là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, bảo đảm thực hiện hiệu quả mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước. Tạo sự thống nhất cao trong Ðảng, sự đồng thuận cao của toàn xã hội biến thành hành động thiết thực hằng ngày, tất cả vì mục tiêu tăng trưởng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
PGS, TS VŨ VĂN PHÚC
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương