Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:43 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Quảng Nam phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường

27/08/2018

Ngày 18/8/2018, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và các bộ, ngành có liên quan tổ chức hội thảo “Xây dựng và Phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhằm chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2018).
Ông Lê Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản)
Thế kỷ 21 được xem như là thế kỷ của đô thị. Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay hơn một nửa dân số thế giới tập trung sống và làm việc ở các đô thị. Theo dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng trên 70% dân số sẽ tập trung ở các thành phố.
Mật độ dân số cao ở các thành phố gây ra sức ép ngày càng lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề: ô nhiễm môi trường; thiếu hụt nước sạch, tài nguyên đất đai; quá tải hạ tầng giao thông; thiếu hụt năng lượng…. 
Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh – đô thị thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.
Tại Việt Nam, nhiều thành phố lớn ở Việt Nam như TP.HCM, Đà Nẵng đã sớm có đề án xây dựng thành phố thông minh, trong đó, chú trọng tiêu chí giải quyết các vấn đề “nóng” về môi trường trong quá trình phát triển đô thị.
Riêng ở Quảng Nam, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững đã được quan tâm từ sớm tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17/5/2011 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XX về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Một số địa phương đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về đô thị thông minh, bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế của các địa phương vẫn còn hạn chế. Việc tiếp cận và thực hiện đô thị thông minh chủ yếu lấy “Xây dựng chính quyền điện tử các cấp” làm trọng tâm, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về xây dựng đô thị thông minh và cách thức triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, chưa ban hành được các đề án, các dự án để cụ thể hóa chủ trương đã được ban hành.
TP Tam Kỳ là địa phương được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm cho phép đề xuất nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm đô thị thông minh. Tam Kỳ là đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Tam Kỳ là đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật của tỉnh. 
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Hội thảo lần này là dịp để lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo TP Tam Kỳ cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh được nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức báo cáo, chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, sinh thái được áp dụng thành công trên thế giới, tại Việt Nam;  những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới... Từ đó, các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan sẽ đưa ra được các giải pháp định hướng để xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh theo hướng sinh thái, môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng phù hợp nhất tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam”.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm thảo luận từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị xanh - đô thị thông minh ở Nhật Bản cùng đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực liên quan tại Quảng Nam và các địa phương lân cận.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp