Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:25 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Các thuật ngữ trong sản xuất và tiêu dùng bền vững

30/08/2018

Khái niệm sản xuất và tiêu dùng bền vững 
“Việc sử dụng các dịch vụ và các sản phẩm liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản và mang lại một chất lượng cuộc sống tốt hơn trong khi giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu độc hại cũng như phát thải chất thải và các chất ô nhiễm trong vòng đời của dịch vụ hoặc sản phẩm để như không gây nguy hiểm cho các nhu cầu của các thế hệ tương lai”. (Bộ Môi trường Na Uy,Hội nghị chuyên đề Oslo, 1994)
Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, và cung cấp các dịch vụ cơ bản, việc làm xanh và bền vững cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả người dân trên Trái đất. Việc triển khai thực hiệnsản xuất và tiêu dùng bền vững  là một cách tiếp cận tổng hợp nhằm đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Một trong những mục tiêu chính của sản xuất và tiêu dùng bền vững  là 'tách rời' tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường bằng cách tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực trong sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, nhằm giữ mức độ tiêu dùng năng lượng, vật liệu và mức độ ô nhiễm của tất cả các chức năng sản xuất và tiêu dùng vẫn nằm trong giới hạn sức chịu tải của các hệ sinh thái tự nhiên.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững  đòi hỏi áp dụng "tư duy vòng đời sản phẩm" để tăng hiệu quả quản lý bền vững các nguồn tài nguyên và đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên trong cả giai đoạn sản xuất và tiêu dùng. Với cách tiếp cận này, các mục tiêu và hành động của SX&TDBV trở thành đòn bẩy mạnh mẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển đổi sang một nền kinh tế có hiệu quả sinh thái và biến các thách thức về môi trường và xã hội thành cơ hội kinh doanh và việc làm, trong khi giúp “tách rời” tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường đồng thời ngăn ngừa tác động phản hồi ngược.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững  nhằm mục đích tăng phúc lợi từ hoạt động kinh tế bằng cách giảm sử dụng tài nguyên, giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, trong khi vẫn tăng chất lượng cuộc sống.
Sự chuyển đổi hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau, bao gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà bán lẻ, truyền thông, và các cơ quan hợp tác phát triển... Do đó, nó đòi hỏi một cách tiếp cận có hệ thống và hợp tác giữa các tác nhân hoạt động trong chuỗi cung ứng, từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững  có thể góp phần xóa đói giảm nghèo và giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đối với các nước đang phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững  cung cấp các cơ hội như tạo ra các thị trường mới, việc làm xanh và bền vững (ví dụ như thị trường thực phẩm hữu cơ, hội chợ thương mại, nhà ở bền vững, giao thông vận tải bền vững, du lịch bền vững, năng lượng tái tạo) cũng như giúp quản lý nguồn tài nguyên hiệu quả và có lợi hơn. Đây cũng là một cơ hội để “nhảy vọt” sở hữu các công nghệ thân thiện với môi trường và có hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn.

Chương trình Nghị sự 21

Chương trình nghị sự 21 là một khung kế hoạch hành động toàn diện được triển khai trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và địa phương bởi các tổ chức trong hệ thống Liên Hợp Quốc, chính phủ các nước và Major Groups trong mọi lĩnh vực có tác động của con người tới môi trường. Chương trình nghị sự 21 được thông qua bởi 178 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Môi trường và Phát triển tổ chức vào tháng 6 năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil.1


Chuẩn đối sánh

Quá trình doanh nghiệp hoặc tổ chức so sánh sản phẩm hoặc phương pháp với đối tác thành công nhất trong cùng một lĩnh vực nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả của mình hoặc của các đối tác khác xét trên cùng một loại sản phẩm, phương pháp.2

Công nghệ tốt nhất hiện có


Là mức phát triển tiên tiến nhất của các quy trình, các trang thiết bị hoặc các phương pháp vận hành trong đó xác định tính khả thi của một biện pháp cụ thể nhằm hạn chế tác động môi trường và xã hội.3

Quy trình thực hành quản lý tốt nhất (BMP)

Là các phương pháp hoặc các kỹ thuật có hiệu quả và thiết thực nhất (BMP) nhằm đạt được một mục tiêu (ví dụ như mục tiêu ngăn ngừa hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường) trong khi vẫn sử dụng tối ưu nguồn lực.4

Phụ phẩm

Là sản phẩm đầu ra không phải là các sản phẩm chính của quá trình sản xuất công nghiệp. Phụ phẩm có giá trị thấp so với sản phẩm chính và có thể bị loại bỏ hoặc bán ngay sau khi tạo thành hoặc sau khi đã chế biến.5

Tăng cường năng lực

 Quá trình giúp phát triển các kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý trong một cơ cấu tổ chức bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn/dài hạn và hỗ trợ chuyên gia tư vấn. Quá trình có thể liên quan tới việc phát triển nhân lực và nguồn lực.6

Dấu chân (vết) carbon (CF)

Tổng phát thải khí nhà kính (GHG) của một tổ chức, một sự kiện hoặc một sản phẩm. Để đơn giản hóa, dấu chân carbon thường được mô tả bằng lượng phát thải  khí carbon dioxide tương đương.7

Sức chịu tải của hệ sinh thái

Là khả năng của một hệ sinh thái trong việc đảm bảo các quần thể sinh vật phát triển bình thường đồng thời duy trì năng suất, khả năng thích ứng và khả năng tái tạo của hệ sinh thái. Sức chịu tải của hệ sinh thái là một khái niệm định lượng: các yếu tố chính cho quần thể người bao gồm số lượng và mật độ, độ phong phú và công nghệ. Vấn đề trọng tâm chính là tỷ lệ suy giảm nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo cũng như phát sinh chất thải nguy hại vào môi trường.8

Lựa chọn dưới tác động ảnh hưởng

Là thuật ngữ dùng để mô tả trường hợp trong đó chính phủ và/hoặc doanh nghiệp có tác động ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ví dụ, quyết định của chính quyền trong việc loại bỏ tất cả các loại bóng đèn không có đặc tính tiết kiệm năng lượng sẽ loại bỏ hoàn toàn quyết định mua các loại bóng đèn đó của người tiêu dùng.9

Nền kinh tế tuần hoàn

Là một nền kinh tế cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn chú trọng bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nhất và tái chế các nguồn tài nguyên. Đặc tính của nền kinh tế này là mức tiêu thụ năng lượng thấp, ít phát thải các chất ô nhiễm và có hiệu suất cao. Đây là nền kinh tế triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp sinh thái và lồng ghép quy hoạch dựa trên tài nguyên trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong kế hoạch năm năm (2001-2005).10

Cơ chế phát triển sạch (CDM)

Theo quy định tại Điều 12 của Nghị định thư Kyoto, Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một cơ chế linh hoạt cho phép một quốc gia có cam kết giảm phát thải hoặc hạn chế phát thải trong khuôn khổ Nghị định, triển khai thực hiện một dự án giảm phát thải ở một nước đang phát triển nhằm nhận được chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CER). Mỗi CER được xác định bằng một tấn khí CO2 tương đương.11

Sản xuất sạch hơn

Là việc áp dụng liên tục một chiến lược môi trường phòng ngừa tổng thể cho các quy trình, hàng hóa và dịch vụ nhằm tăng tổng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Sản xuất sạch hơn có thể được áp dụng cho các quy trình của tất cả các ngành công nghiệp cũng như áp dụng cho mọi loại hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho xã hội.12

Đơn vị carbon tương đương

Phương pháp so sánh hiệu ứng nhà kính - cáckhả năng nóng lên toàn cầu khácnhau gây ra bởi các khí nhà kính khác nhau. Đơn vị carbon dioxide tương đương (CO2 eq) là một tiêu chuẩn chung cho các phép đo dựa vào các tác động của việc phát sinh (hoặc tránh phát sinh) các khí nhà kính khác nhau có thể được đánh giá.13

Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (CSD)

Ủy ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (CSD) được thành lập vào tháng 12 năm 1992 bởi Đại hội đồng LHQ nhằm giám sát hiệu quả Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) (UNCED), còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất.

Ủy ban có trách nhiệm rà soát tiến độ triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 và Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, cũng như đưa ra hướng dẫn chính sách nhằm theo dõi các Kế hoạch thực hiện Johannesburg (JPOI) ở các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế. Các JPOI tái khẳng định Ủy ban là diễn đàn cấp cao về bền vững phát triển trong hệ thống Liên Hợp Quốc.

Các cuộc họp của Ủy ban diễn ra hàng năm ở New York theo một chu kỳ kéo dài hai năm. Chủ đề của mỗi chu kỳ tập trung vào các chuyên đề cụ thể và các vấn đề liên ngành đã được nêu trong chương trình làm việc dài hạn của Ủy ban (giai đoạn 2003-2017) (E/CN.17 / 2003/6).14

Nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng có phân biệt"

Là một cách thể hiện nguyên tắc chung về tính công bằng trong luật pháp quốc tế.  Nguyên tắc này ghi nhận sự khác biệt về mức độ đóng góp của các quốc gia phát triển và đang phát triển trong các vấn đề môi trường toàn cầu cũng như sự khác biệt về khả năng kinh tế và kỹ thuật của các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề này. Nguyên tắc này bao gồm hai yếu tố cơ bản. Yếu tố đầu tiên liên quan tới một trách nhiệm chung của các quốc gia trong bảo vệ môi trường ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Yếu tố thứ hai là việc cần phải xem xét các bối cảnh khác nhau, đặc biệt là mức độ liên quan của mỗi quốc gia trong một vấn đề cụ thể và khả năng của mỗi quốc gia trong ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát các mối đe dọa.15

Thông tin tiêu dùng

Thông tin về các đặc điểm của sản phẩm và các giao dịch, được cung cấp cho người tiêu dùng/người sử dụng nhằm cho phép họ đưa ra quyết định lựa chọn tại thời điểm mua sắm và sau đó là sử dụng hàng hoá, dịch vụ liên quan.

Thông tin tiêu dùng giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh hàng hóa và dịch vụ, tăng tính minh bạch và độ tin cậy, giảm chi phí tìm kiếm.

Thông tin tiêu dùng không chỉ nhằm mục đích thông báo mà còn ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng. Một ví dụ điển hình là các chiến dịch khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng và mô hình tiêu dùng bền vững. Thông tin tiêu dùng có thể bao gồm chi tiết quy trình và phương pháp sản xuất nhằm thông tin cho người tiêu dùng về các tác động lớn của hoạt động sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Thông tin có thể được cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc do bên thứ ba như các hiệp hội người tiêu dùng, cơ quan kiểm tra,các tổ chức chứng nhận hoặc cấp nhãn etc.16

Ưu tiên của người tiêu dùng

Một hệ quả lựa chọn của người tiêu dùng, thực hiện hành vi mua sắm hàng hóa và dịch vụ trên cơ sở các thông tin sẵn có.17

Bảo vệ người tiêu dùng

Các cơ chế về pháp luật, bán hợp pháp (quasi-legal), đạo đức và thể chế) nhằm bảo vệ người tiêu dùng hoặc người sử dụng trong các giao dịch với nhà sản xuất (ví dụ: biện pháp bảo vệ chống lại các điều khoản hợp đồng không công bằng) và trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ (ví dụ: các tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm).

Các hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng (1999) "nhận thấy rằng người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thường phải đối mặt với sự mất cân bằng về mặt kinh tế, trình độ học vấn và khả năng thương lượng"; và họ "có quyền tiếp cận với các sản phẩm không gây hại, cũng như quyền chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội công bằng, bền vững và hướng tới bảo vệ môi trương."

Hướng dẫn cũng chỉ rõ vai trò quan trọng của chính phủ các nước trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng để phát triển, thực hiện và giám sát các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Cần có sự quan tâm đặc biệt từ chính phủ nhằm đảm bảo các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng được triển khai vì lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn và người nghèo.

Cần đảm bảo việc áp dụng bất kỳ thủ tục hoặc quy định về bảo vệ người tiêu dùng không trở thành rào cản đối với thương mại quốc tế và phù hợp với các quy định về thương mại quốc tế.”18

Người tiêu dùng

Đối tượng hàng ngày mua lẻ hàng hóa, dịch vụ hoặc người sử dụng cuối cùng trong chuỗi phân phối hàng hóa, dịch vụ.19

Tiêu dùng

Là chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định cho việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn nhất định, hoặc là một quá trình trong đó chất của một sản phẩm bị phá hủy hoàn toàn  và /hoặc kết hợp hay chuyển đổi sang một dạng khác.20

Tiêu dùng phô trương

Là việc tiêu dùng quá mức cho hàng hóa và dịch vụ chủ yếu cho mục đích khoe mức thu nhập hoặc của cải và duy trì địa vị xã hội.21

Cải tiến liên tục (trong SX&TDBV)

Là một nỗ lực không ngừng một cách có hệ thống nhằm nâng cao các cải tiến nhỏ trong các quy trình và sản phẩm, với mục tiêu gia tăng chất lượng, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu dấu chân carbon, giảm gánh nặng môi trường và kinh tế-xã hội đồng thời tối đa hóa các giá trị kinh tế và xã hội. Cải tiến liên tục là một trong các công cụ làm cơ sở cho quản lý chất lượng và sản xuất sạch. Việc nghiên cứu và sửa đổi liên tục các quy trình có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn với chi phí thấp hơn.22

Trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp

(CSER)

Hoạt động kinh doanh dựa trên giá trị theo phương thức hướng tới phát triển bền vững, tìm kiếm tác động tích cực giữa các hoạt động kinh doanh và xã hội, nhận thức được mối tương quan chặt chẽ giữa doanh nghiệp và xã hội cũng như các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà doanh nghiệp phải tuân thủ tại địa bàn hoạt động.23

Từ khởi điểm đến khởi điểm (Cradle to Cradle)

Là nguyên tắc trong đóngay từ đầu, các sản phẩm có thể được thiết kế sao chosau khi thải bỏ, thành phần và các vật liệu của sản phẩm trước được coi là chất dinh dưỡng cho thế hệ tiếp theo của sản phẩm.24

Tách rời hay giảm lệ thuộc tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường

Khái niệm này đề cập đến mối quan hệ giữa (1) các biến số của tăng trưởng kinh tế, như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc chỉ số phát triển con người (HDI), và (2) các biến số môi trường, như mức độ sử dụng tài nguyên hoặc các chỉ số môi trường. Có sự khác biệt giữa “tách rời” tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng tài nguyên và với các tác động môi trường.

Tách rời tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng tài nguyên bao hàm việc giảm lệ thuộc giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ tài nguyên đất, nguyên liệu, nước và năng lượng.

Tách rời tăng trưởng kinh tế với tác động môi trường bao hàm giảm lệ thuộc giữa tăng trưởng kinh tế và tác động môi trường như biến đổi khí hậu, mất mát đa dạng sinh học và suy thoái sức khỏe con người.

Ngoài ra còn có sự phân biệt giữa “tách rời tuyệt đối” và “tách rời tương đối”.

-Trong tách rời tương đối, tốc độ tăng trưởng của các thông số môi trường ít hơn so với các thông số kinh tế, nhưng vẫn mang giá trị dương.

-Trong tách rời tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng của các thông số môi trường là không hoặc mang giá trị âm.25

Quản lý nhu cầu (Demand side management – DSM)

Là việc thực hiện các chính sách hoặc biện pháp nhằm giảm hoặc gây ảnh hưởng đến nhu cầu của người sử dụng hoặc người tiêu dùng thay vì cung cấp cho họ.26

Phi vật chất hóa (Dematerialisation)

Phi vật chất hóa thường được nhắc đến như một chiến lược hoặc một chỉ số trong khuôn khổ phát triển bền vững. Phi vật chất hóa là việc giảm lượng cung cấp nguyên vật liệu trong xã hội. Mức độ phi vật chất hóa có thể được đo lường trên thang địa lý khác nhau như các quốc gia, các vùng và các thành phố, cũng như trong các ngành công nghiệp khác nhau, trong hộ gia đình và trong các sản phẩm. Phi vật chất hóa bao gồm phi vật chất hóa tuyệt đối và tương đối. Khi tổng lượng nguyên liệu đầu vào trong một xã hội giảm thì được gọi là phi vật chất hóa tuyệt đối. Khi lượng nguyên liệu đầu vào giảm trên một đơn vị GDP bình quân đầu người thì được gọi là phi vật chất hóa tương đối.27

Thiết kế cho bền vững/Chiến lược thiết kế

Thiết kế cho bền vững là áp dụng phương pháp tiếp cận thiết kế sinh thái đồng thời giải quyết các khía cạnh xã hội của phát triển bền vững trong quá trình thiết kế. Nó cũng bao hàm cách thức thực hiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu (chức năng của sản phẩm) với các tác động môi trường và xã hội tối thiểu, thay vì tập trung vào việc cải thiện các sản phẩm hiện có.28

Hiệu quả sinh thái

Hiệu quả sinh thái là một triết lý quản lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp cải thiện môi trường đồng thời với việc tạo ra lợi ích kinh tế. Hiệu quả sinh thái chú trọng vào các cơ hội kinh doanh, cho phép các doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn đồng thời có trách nhiệm hơn với môi trường. Đây là một đóng góp kinh doanh chủ chốt cho xã hội bền vững. Hiệu quả sinh thái được thực hiện bằng việc cung cấp các hàng hóa, dịch vụ có giá cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của con người, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, trong khi giảm dần các tác động sinh thái và mức độ sử dụng tài nguyên trong suốt vòng đời tới ngưỡng ít nhất là phù hợp với sức chịu tải của trái đất.29

Thiết kế sinh thái

Thiết kế sinh thái nhằm giảm thiểu tác động môi trường của sản phẩm (bao gồm cả tiêu thụ năng lượng) trong suốt toàn bộ vòng đời của sản phẩm. 30

Dấu chân sinh thái

Dấu chân sinh thái là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp cho các hoạt động của con người cũng như diện tích hấp thụ CO2, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.

Đơn vị của dấu chân là một ha đất tiêu chuẩn (đơn vị tính theo năng suất trung bình của tất cả tài nguyên đất và nước có khả năng cho năng suất sinh học trên thế giới trong một năm).31

Cải cách thuế sinh thái

Các công cụ đánh thuế và định giá nhằm cải thiện công tác quản lý môi trường, bao gồm thuế khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên (như tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy sản), phí và lệ phí sử dụng (như phí sử dụng nước, phí đậu xe và các cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên), thuế hoặc phí phát thải gây ô nhiễm (như ô nhiễm không khí) và cải cách trợ cấp (như thuốc trừ sâu, nước, năng lượng). 32

Các công cụ kinh tế

Là các ưu đãi kinh tếhoặc các biện pháp hạn chế,nhằmhỗ trợcác mục tiêu chính sách. Ví dụ các công cụ kinh tế liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững bao gồm chi phígiá cả, thuế và phí môi trường, cải cách thuế xanh và việc bỏ trợ cấp đối với các hạng mục gây hại tới môi trường. 33

Dịch vụ hệ sinh thái

Là các quy trình hoặc chức năng sinh thái có giá trị hoặc lợi ích cho cá nhân hay xã hội, bao gồm:

• Dịch vụ cung cấp - các sản phẩm từ các hệ sinh thái như nguồn gen, thực phẩm và chất xơ, nước ngọt

• Dịch vụ điều tiết – như điều tiết khí hậu, lũ lụt và dịch bệnh

• Dịch vụ du lịch và văn hóa – các lợi ích phi vật chất từ hệ sinh thái như giá trị du lịch, vui chơi giải trí và thẩm mỹ, bao gồm hệ thống kiến thức, quan hệ xã hội và các giá trị thẩm mỹ

• Dịch vụ hỗ trợ - các dịch vụ cần thiết cho sản xuất các dịch vụ hệ sinh thái khác, bao gồm sản xuất sinh khối, sản xuất oxy trong khí quyển, hình thành và bảo tồn tài nguyên đất, chu kỳ dinh dưỡng, chu kỳ tài nguyên nước và cung cấp môi trường sống. 34

Giáo dục cho tiêu dùng bền vững (ESC)

Giáo dục cho tiêu dùng bền vững nhằm cung cấp kiến thức, giá trị và kỹ năng cho phép các cá nhân và các nhóm xã hội trở thành nhân tố cho sự chuyển đổi hướng tới hành vi tiêu dùng bền vững hơn. Mục tiêu là để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. Do đó Giáo dục cho tiêu dùng bền vững là việc cung cấp cho người dân các thông tin và kiến thức phù hợp về tác động môi trường và xã hội của các hành vi lựa chọn hàng ngày của họ, cũng như cung cấp các giải pháp khả thi và các lựa chọn thay thế. Giáo dục cho tiêu dùng bền vững cũng lồng ghép các quyền lợi cơ bản và quyền tự do như quyền lợi của người tiêu dùng, nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao vị thế của người tiêu dùng, cho phép họ tham gia vào các tranh luận cộng đồng và nền kinh tế một cách tự tin.35

Giáo dục cho phát triển bền vững (ESD)

Giáo dục cho phát triển bền vững nhằm mục đích giúp người dân phát triển quan điểm, kỹ năng và kiến thức để đưa ra các quyết định dựa trên các thông tin vì lợi ích của bản thân và cộng đồng trong thời điểm hiện tại và trong tương lai đồng thời hành động theo các quyết định đó.

Giáo dục cho phát triển bền vững hỗ trợ năm phương pháp học tập cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển con người bền vững: học để biết, học để trở thành, học để cùng chung sống, học để hành động và học để thay đổi bản thân và xã hội.

Giáo dục cho phát triển bền vững liên quan đến tất cả các cấp học và tất cả các bối cảnh xã hội (gia đình, trường học, nơi làm việc, cộng đồng). Nó cho phép người học có được các kỹ năng, năng lực, giá trị và kiến thức cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững và trở thành các công dân có trách nhiệm.

UNESCO hiện đang điều phối chương trình Thập kỷ giáo dục cho sự phát triển bền vững thập kỷ của Liên hợp quốc (UN DESD) giai đoạn 2005-2014.36

Chất thải điện tử

Chất thải điện tử là một thuật ngữ chung để chỉ các dạng khác nhau của các thiết bị điện, thiết bị điện tử cũ và không còn giá trị cho người sử dụng. Một định nghĩa thực tế về chất thải điện tử là "bất kỳ thiết bị chạy bằng điện không còn đáp ứng nhu cầu hiện tại của chủ sở hữu cho chức năng ban đầu của nó".37

Giao dịch phát thải

Là một phương pháp tiếp cận dựa trên cơ chế thị trường nhằm đạt được các mục tiêu môi trường, cho phép quốc gia giảm được lượng phát thải khí nhà kính dưới ngưỡng yêu cầu có thể sử dụng hoặc giao dịch lượng phát thải tiết kiệm được để bù đắp lượng phát thải tại nguồn khác bên trong hoặc ngoài quốc gia đó. Nhìn chung, giao dịch có thể diễn ra ở cấp độ quốc gia và quốc tế.38

Tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm Năng lượng (EE) bao hàm tất cả các thay đổi dẫn đến giảm mức độ sử dụng năng lượng cho một dịch vụ năng lượng nhất định (như chiếu sáng, sưởi ấm,...). Việc giảm tiêu thụ năng lượng không nhất thiết liên quan đến các thay đổi về kỹ thuật, mà có thể là kết quả của việc tổ chức và quản lý tốt hơn, hoặc cải thiện hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực này (ví dụ như tăng tổng năng suất).39

Công trình tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng là một yêu cầu trọng tâm của một công trình bền vững. Mục tiêu là xây dựng các công trình cân bằng năng lượng (net-zero-energy), là kết quả của mức độ cao về tiết kiệm năng lượng trong đó tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp hàng năm bằng hoặc nhỏ hơn tổng năng lượng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo của công trình.40

Giai đoạn cuối vòng đời sản phẩm (End-of-Life - EOL)

Là giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm khi sản phẩm trở nên lỗi thời hoặc đã hết hạn sử dụng. Khi hàng hóa trở nên lỗi thời (ví dụ như sản phẩm bị hỏng hóc, không còn được sử dụng), người tiêu dùng đưa ra quyết định, theo đó sản phẩm có thể được tái sử dụng, tái chế, hoặc thải bỏ.41

Nhận thức/Giáo dục môi trường

Nhận thức hay Giáo dục môi trường là phần cốt lõi của Giáo dục cho sự phát triển bền vững và môi trường là vấn đề đầu tiên được triển khai thực hiện công tác giáo dục. Giáo dục và đào tạo về môi trường bao hàm việc chuyển giao kiến thức, giá trị, hành vi và kỹ năng cho phép cá nhân và tập thể hiểu rõ hơn và tương tác tích cực với môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội, kinh tế và văn hóa.42

Chứng nhận và dán nhãn môi trường

Là quy trình thủ tục tự nguyện đảm bảo rằng một sản phẩm (bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ, cũng như các quy trình sản xuất) đáp ứng các quy định tiêu chuẩn nhất định.

• Nhãn môi trường – thông báo về các khía cạnh môi trường của một hàng hóa hay dịch vụ.

• Nhãn sinh thái được cấp bởi một bên thứ ba độc lập cho một số sản phẩm đáp ứng tiêu chí môi trường hàng đầu dựa trên các tính toán vòng đời sản phẩm.

• Giấy chứng nhận được trao cho các sản phẩm đáp ứng một bộ tiêu chí cơ bản.43

Hệ thống quản lý môi trường (EMS)

Hệ thống quản lý môi trường (EMS) là một phần của hệ thống quản lý của một tổ chức nhằm phát triển và thực hiện chính sách môi trường đồng thời quản lý các tương tác của tổ chức đó với môi trường. Hệ thống quản lý là một hệ thống các yêu cầu được sử dụng để thiết lập các chính sách và mục tiêu; để đạt được các mục tiêu cần có cơ cấu tổ chức, kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm, triển khai thực hiện, các quy trình thủ tục và nguồn lực.44

Công nghệ thân thiện với môi trường

Là các công nghệ bảo vệ môi trường, ít gây ô nhiễm, sử dụng bền vững tài nguyên, tái chế nhiều chất thải và sản phẩm hơn, xử lý chất thải còn lại tốt hơn các công nghệ khác. Xét về khía cạnh “ô nhiễm”, công nghệ thân thiện với môi trường là "quá trình và sản phẩm công nghệ" không phát sinh hoặc phát sinh chất thải thấp, nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường; đồng thời cũng bao gồm các công nghệ xử lý ô nhiễm sau khi phát sinh ô nhiễm. Công nghệ thân thiện với môi trường là các hệ thống bao gồm quy trình thủ tục, hàng hoá và dịch vụ, các thiết bị cũng như các quy trình thủ tục tổ chức và quản lý.45

Đạo đức đầu tư/ Đầu tư có trách nhiệm xã hội (SRI)

Đầu tư có trách nhiệm xã hội (SRI), còn được gọi chung là đầu tư có đạo đức, là các chiến lược tập trung vào các tác động xã hội và/hoặc sinh thái tích cực của một công ty, bên cạnh lợi nhuận đầu tư. 46

Đạo đức thương mại

Đạo đức thương mại là việc các nhà bán lẻ, các thương hiệu và các nhà cung ứng của sản phẩm có trách nhiệm cải thiện điều kiện làm việc của lao động làm ra sản phẩm đó.

Các công ty có cam kết đạo đức thương mại sẽ áp dụng một quy chế về lao động và yêu cầu tất cả các nhà cung ứng phải tuân thủ. Quy chế này quy định về các vấn đề như: tiền lương, số giờ lao động, sức khỏe, an toàn lao động và quyền tham gia các tổ chức công đoàn. 47

Cơ chế tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR)

Cơ chế tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất là cơ chế theo đó các nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, và do đó, cần cải thiện hiệu suất môi trường trong tất cả các giai đoạn của một vòng đời sản phẩm. Ở mỗi giai đoạn của vòng đời sản phẩm, đều có tiềm năng để cải thiện hiệu suất môi trường.48

Các yếu tố ngoại vi

Sản phẩm phụ của các hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc sống thịnh vượng của người dân hoặc gây tổn hại môi trường mà các tác động đó không được phản ánh trong giá cả thị trường. Các chi phí (hay lợi ích) kết hợp với các yếu tố ngoại vi không được xác định trong các hệ thống chi phí tiêu chuẩn.49

Nhân tố 10/Nhân tố 4

Nhân tố 10 là khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ với nguồn lực chỉ bằng một phần mười so với thông thường.

Khái niệm này phát triển từ khái niệm về Nhân tố 4 do Học viện Wuppertal về khí hậu, môi trường và năng lượng đề xuất. Ý tưởng của Nhân tố 4 là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được sử dụng hiệu quả gấp bốn lần trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, hoặc bằng cách tạo ra nhiều hàng hoá, dịch vụ và chất lượng của cuộc sống từ các nguồn tài nguyên sẵn có, hoặc bằng cách sử dụng ít tài nguyên để duy trì cùng một tiêu chuẩn.50

Thương mại công bằng

Thương mại công bằng là khái niệm áp dụng đối với hoạt động thương mại trong đó tăng cường vị thế kinh tế của sản xuất quy mô nhỏ và chủ đất nhằm đảm bảo vai trò và lợi ích của họ trong nền kinh tế thế giới. Thương mại công bằng chủ yếu liên quan đến các nước đang phát triển và bao gồm hai khía cạnh chính:

• Đảm bảo các nhà sản xuất, bao gồm cả người lao động, được nhận một phần giá trị của tổng số lợi nhuận tương xứng với đóng góp của họ;

• Cải thiện các điều kiện xã hội, đặc biệt của người lao động trong bối cảnh thiếu các dịch vụ xã hội và tổ chức đại diện người lao động (ví dụ như tổ chức công đoàn). Việc tham gia vào các sáng kiến về thương mại công bằng là hoàn toàn tự nguyện đối với người bán và người tiêu dùng.51

Phương pháp tiếp cận dựa trên chức năng

Nhu cầu con người cần được đáp ứng bằng hàng hóa và dịch vụ với mục đích "chức năng" cụ thể như dinh dưỡng, nơi trú ẩn, di chuyển, và được cung cấp thông qua hệ thống tiêu thụ và sản xuất tối ưu không vượt quá sức chịu tải của các hệ sinh thái. Điều này được coi là mục tiêu của một loạt các nỗ lực mà có thể được gọi là "phương pháp tiếp cận dựa trên chức năng".

Phương pháp tiếp cận dựa trên chức năng sử dụng tư duy vòng đời sản phẩm, và nhằm đáp ứngcác nhu cầu và chức năng theo các cách khác nhau, không chỉ đơn giản bằng các tiêu dùng vật chất.52

Lồng ghép/cân bằng giới tính

Là quá trình đánh giá các tác động của một kế hoạch hành động, ví dụ như quy định pháp luật, chính sách, chương trình, của tất cả các lĩnh vực và ở mọi cấp độ đối với phụ nữ và nam giới. Lồng ghép giới nhằm đưa các mối quan ngại và kinh nghiệm của phụ nữ cũng như của nam giới trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách và chương trình trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội để phụ nữ và nam giới hưởng lợi một cách bình đẳng và sự bất bình đẳng không thể kéo dài mãi. Mục tiêu cuối cùng là đạt được bình đẳng giới. 53

Chỉ số phát triển thực (Genuine Progress Indicator - GPI)

Chỉ số phát triển thực (Genuine Progress Indicator - GPI) là một chỉ số thay thế cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó cho phép các nhà hoạch định chính sách ở các cấp từ cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp địa phương đo lường các hoạt động của công dân dựa trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Hiện nay, các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, các phóng viên và công chúng sử dụng GDP là chỉ số đo lường sự tiến độ, trong khi GDP chỉ đơn thuần là tổng chi tiêu quốc gia không phân biệt tính chất tốt, xấu của mọi hoạt động kinh tế.

Chỉ số phát triển thực cũng dựa trên số liệu tiêu dùng cá nhân tương tự như GDP, tuy nhiên có một số khác biệt quan trọng so với GDP. GPI có sự điều chỉnh các yếu tố như phân phối thu nhập, cộng thêm các giá trị như giá trị của các hoạt động không phát sinh tiền trong gia đình và cộng đồng đồng thời trừ ra các chi phí như chi phí phòng chống tội phạm, chi phí ô nhiễm môi trường. GPI là một trong các lựa chọn đầu tiên để thay thế cho GDP và được hiệu đính bởi cộng đồng khoa học cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới sử dụng thường xuyên.

Bởi vì GDP và GPI đều được đo bằng tiền tệ nên có thể được so sánh trên cùng một quy mô. Các chỉ số đo lường của GPI bao gồm: phân phối thu nhập, hoạt động không phát sinh tiền trong gia đình, hoạt động tình nguyện, giáo dục đại học, tội phạm, mức độ cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm, thiệt hại môi trường dài hạn, chi phí cho an ninh, cơ sở hạ tầng công cộng, mức độ phụ thuộc vào tài sản nước ngoài.54

Thỏa thuận xanh toàn cầu

Global Green

New Deal (GGND)

Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu nổ ra vào mùa thu năm 2008, UNEP đã đưa ra một kêu gọi về một "Thỏa thuận xanh toàn cầu” nhằm phục hồi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy việc làm, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và đói nghèo. UNEP đưa ra đề xuất về việc phân bổ một phần lớn ngân sách của gói kích cầu kinh tế ước tính 3 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm lĩnh vực quan trọng sau:

• Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình cũ và mới;

• Chuyển đổi sang các dạng năng lượng có thể tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và năng lượng từ sản xuất sinh khối;

• Tăng cường giao thông vận tải bền vững bao gồm sử dụng các loại xe hybrid, đường sắt cao tốc và hệ thống xe buýt vận chuyển nhanh (BRST);

• Tăng cường bảo tồn các hệ sinh thái bao gồm các hệ sinh thái nước ngọt, rừng, đất và các rạn san hô;

• Hỗ trợ nông nghiệp bền vững, bao gồm sản xuất hữu cơ.

Thỏa thuận xanh toàn cầu cũng kêu gọi một loạt các biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và xanh hóa nền kinh tế. Các biện pháp bao gồm việc mở rộng các chương trình tín dụng vi mô cho năng lượng sạch, cải cách các trợ cấp không thích hợp (từ trợ cấp cho sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho tới trợ cấp cho ngư nghiệp), và xanh hóa các viện trợ phát triển của nước ngoài.55

Sáng kiến Báo cáo toàn cầu

(GRI)

Là sáng kiến quốc tế dựa trên mạng lưới với sự tham gia của nhiều bên liên quan. GRI đã tiên phong trong việc xây dựng Quy trình Báo cáo Phát triển bền vững hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Ban thư ký của GRI có trụ sở đặt tại Amsterdam đã và đang cam kết cải tiến liên tục và phổ biến áp dụng GRI trên toàn thế giới.

Các hướng dẫn báo cáo bao gồm các chỉ số về các khía cạnh khác nhau của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Quy trình báo cáo được xây dựng dựa trên sự đồng thuận giữa các đại diện doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức lao động và các tổ chức chuyên nghiệp trên toàn cầu nhằm đảm bảo mức độ cao nhất về chất lượng kỹ thuật, độ tin cậy và tính phù hợp.

Sáng kiến này được tổ chức CERES và UNEP đưa ra vào năm 1997. 56

Hàng hóa

Là các sản phẩm vật chất hữu hình có khả năng đáp ứng một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa là sản phẩm hữu hình trong khi dịch vụ là sản phẩm vô hình. 57

Công trình xanh

Công trình xanh tập trung vào các khía cạnh sinh thái. Công trình xanh được thiết kế và xây dựng có tính tới hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào của công trình tới môi trường và cư dân.58

Công bố xanh/công bố về môi trường và công bố môi trường sai lệch

Công bố xanh/công bố về môi trường là công bố của các doanh nghiệp về các lợi ích môi trường của sản phẩm. Ngoài lợi ích môi trường, công bố môi trường cũng thể hiện trách nhiệm xã hội hoặc đạo đức doanh nghiệp trong sản xuất và phân phối sản phẩm đó. Công bố có thể bao gồm thông tin về quy trình sản xuất , đóng gói, phân phối, tiêu dùng hoặc thải bỏ sản phẩm (như thông tin về tái chế, khai thác lâm nghiệp, nghư nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, dấu chân carbon). Nội dung các công bố có thể xuất hiện trên bao bì sản phẩm hoặc trong nội dung quảng cáo, quảng bá sản phẩm. Hình thức của các công bố có thể dưới dạng văn bản, biểu tượng, đồ họa hoặc là hình thức truyền thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và điện tử như TV, radio, hoặc mạng internet.

Công bố môi trường gây nhầm lẫn là các thông tin sai lệch hoặc lừa dối về lợi ích môi trường của hàng hoá và dịch vụ, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng trong quá trình quyết định mua hàng, và do đó gây tổn hại kinh tế cho người tiêu dùng.59

Greenwashing

(Quảng cáo xanh)

Greenwashing là hành vi lừa dối người tiêu dùng về các hoạt động môi trường của một doanh nghiệp hoặc các lợi ích môi trường của một sản phẩm hay dịch vụ. Các doanh nghiệp bị buộc tội thực hiện greenwashing khi họ dành nhiều nguồn lực cho việc quảng bá và tiếp thị hình ảnh "thân thiện với môi trường" hơn là thực hiện các hoạt động thực tế giúp giảm thiểu tác động môi trường.60

Kinh tế xanh

Sáng kiến kinh tế xanh của UNEP (GEI) có mục tiêu chung là xây dựng một mô hình kinh tế vĩ mô, cung cấp hướng dẫn, thực hiện đầu tư trong các lĩnh vực xanh và xanh hóa các ngành “nâu”. Sáng kiến này là để chứng minh rằng đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và hiệu quả, cung cấp nước sạch và nông nghiệp bền vững có thể đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định, mang lại công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo trong khi giải quyết các thách thức về khí hậu và sinh thái.

Sáng kiến kinh tế xanh của UNEP bao gồm ba chuỗi hoạt động. Thứ nhất là việc xây dựng một Báo cáo kinh tế xanh (GER) và các tài liệu nghiên cứu, trong đó phân tích các tác động của đầu tư xanh về khía cạnh kinh tế vĩ mô, tính bền vững, và xoá đói giảm nghèo trong một loạt các lĩnh vực, từ năng lượng tái tạo cho tới sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời đưa ra các hướng dẫn về chính sách có thể cho phép tăng đầu tư trong các lĩnh vực này. Thứ hai là việc cung cấp các dịch vụ tư vấn về chuyển dịch hướng tới một nền kinh tế xanh tại các quốc gia cụ thể. Thứ ba là sự tham gia tích cực của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức NGO, doanh nghiệp, và các đối tác của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện sáng kiến kinh tế xanh.

Ngoài UNEP, Sáng kiến kinh tế xanh cũng là một trong chín sáng kiến mở rộng của UN (JCI) được đề xuất bởi Hội đồng Trưởng điều hành hệ thống của Liên Hiệp Quốc vào đầu năm 2009. Trong bối cảnh này, Sáng kiến kinh tế xanh của UNEP bao gồm một loạt các hoạt động nghiên cứu và xây dựng năng lực từ hơn 20 cơ quan của Liên Hợp Quốc bao gồm cả các tổ chức Bretton Woods.Ngoài ra, Nhóm công tác liên ngành quản lý môi trường của hệ thống Liên Hợp Quốc (UN System’s interagency Environment Management Group - EMG) đã quyết định thành lập một hành Nhóm Quản lý về kinh tế xanh (IMG), nhằm cung cấp một cơ chế điều hành phối hợp các hoạt động và các sự kiện theo sáng kiến mở rộng của UN (JCI) về kinh tế xanh.61

Tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững với môi trường, thúc đẩy phát triển xã hội toàn diện và carbon thấp. Tăng trưởng xanh bao hàm các phương pháp tiếp cận chính sách mang lại hiệu quả sinh thái thực sự và chuyển dịch sang mô hình phát triển carbon thấp, kết hợp các ứng phó khí hậu với mục tiêu phát triển.

Tháng 3 năm 2005, tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 5 về Môi trường và Phát triển châu Á và Thái Bình Dương, được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, 340 đại biểu, bao gồm đại diện của 52 quốc gia thành viên và các quốc gia là thành viên liên kết của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) đã thông qua tăng trưởng xanh như là một trọng tâm chính sách và chiến lược để thúc đẩy phương pháp tiếp cận cùng có lợi nhằm hòa giải các xung đột giữa các kết quả của hai Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quan trọng: Mục tiêu 1 (giảm nghèo) và Mục tiêu 7 (tính bền vững môi trường). Tăng trưởng Xanh bao gồm các nội dung khởi điểm mà thông qua đó các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung can thiệp như: sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh doanh và thị trường xanh, cơ sở hạ tầng bền vững, thuế và cải cách ngân sách xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, và các chỉ số hiệu quả sinh thái.62

Việc làm xanh/việc làm bền vững

Việc làm xanh được đề cập tới trong một nghiên cứu giữa ILO và UNEP về chủ đề việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý, với mục tiêu góp phần bảo tồn hoặc phục hồi chất lượng môi trường.

Việc làm xanh giảm tác động môi trường của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, cho tới ngưỡng bền vững. Việc làm xanh được triển khai trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ cung cấp năng lượng cho tới tái chế, từ nông nghiệp, xây dựng cho tới giao thông vận tải. Việc làm xanh giúp giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu thô và tài nguyên nước thông qua các chiến lược hiệu suất cao, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; giảm thiểu hoặc ngăn ngừa hoàn toàn mọi loại phát sinh chất thải và ô nhiễm, đồng thời bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học.63

Việc làm bền vững liên quan đến cơ hội việc làm mà mang tới nguồn thu nhập công bằng và đầy đủ cũng như đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc, cung cấp bảo trợ xã hội cho các gia đình, triển vọng tốt hơn cho phát triển cá nhân và hội nhập xã hội, quyền tự do thể hiện các mối quan ngại, tổ chức và tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trong đối xử cho tất cả phụ nữ và nam giới.

Việc làm bền vững được thể hiện trong bốn mục tiêu chiến lược: các nguyên tắc cơ bản, các quyền lợi tại nơi làm việc và các tiêu chuẩn lao động quốc tế; cơ hội việc làm và thu nhập; bảo trợ xã hội và an sinh xã hội; và đối thoại xã hội. Các mục tiêu áp dụng cho tất cả người lao động, phụ nữ và nam giới, trong cả nền kinh tế chính thức và không chính thức; làm việc hưởng lương hoặc làm việc tự do; trong các lĩnh vực; trong các nhà máy, văn phòng; tại nhà riêng hoặc trong cộng đồng.64

Tiếp thị xanh/tiếp thị bền vững

Thuật ngữ "tiếp thị bền vững" bao gồm ba khía cạnh:

• Tiếp thị có trách nhiệm, trong đó bao hàm các thủ tục và hệ thống quản lý tiếp thị được phát triển để tránh thúc đẩy hành vi không bền vững.

 • Tiếp thị xanh, trong đó bao gồm việc thiết kế và quảng bá hàng hóa, dịch vụ có giá trị môi trường gia tăng, có thể đề cập đến các cải tiến trên toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, bao gồm việc tìm nguồn cung ứng thân thiện môi trường, quy trình sản xuất sạch, cải thiện các tác động trong thời gian sử dụng, hạn chế việc đóng gói, tăng cường tái chế, tái sử dụng, triển khai các chương trình thu hồi, vv Khái niệm này có thể được mở rộng đối với hàng hóa và dịch vụ có giá trị xã hội gia tăng như thương mại công bằng, ngăn ngừa tình trạng bóc lột lao động hoặc ưu tiên hàng hóa sản xuất tại địa phương.

• Tiếp thị xã hội, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng để giới thiệu các hành vi hướng tới bền vững hơn, chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng hoặc tài nguyên nước và giảm thiểu chất thải.65

Chỉ số phát triển con người (HDI)

Chỉ số phát triển con người (HDI) là một phương pháp đo lường sự phát triển bằng cách kết hợp các chỉ số về tuổi thọ, trình độ học vấn và thu nhập vào một chỉ số phát triển chung của con người. Bước đột phá cho chỉ số phát triển con người là việc tạo ra một nguồn thống kê duy nhất như một khung tham chiếu cho cả phát triển xã hội và phát triển kinh tế. Các chỉ tiêu liên quan để tính HDIbao gồm các giá trị tối đa (max) và tối thiểu (min) theo quy định. HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là trình độ phát triển con người càng thấp. Chỉ số phát triển con người giúp thực hiện các so sánh kinh nghiệm trong và giữa các quốc gia khác nhau.66

Phương pháp tiếp cận tổng thể (liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững)

Sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) là một phương pháp tiếp cận tổng thể, kết hợp tổng thể các khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội (Ba yếu tố cốt lõi của bền vững), cũng như các cải tiến công nghệ và cải thiện hành vi trong suốt vòng đời của sản phẩm. SX&TDBV là phương pháp tiếp cận đa ngành, áp dụng đối với tất cả tài nguyên thiên nhiên (như năng lượng, nước, không khí, đất cũng như các chất gây ô nhiễm, chất phát thải vào hệ sinh thái) cũng như tất cả các ngành công nghiệp và các lĩnh vực tiêu dùng. 67

Các chỉ số SX&TDBV

Các chỉ số là một công cụ quan trọng để đo lường sự thay đổi và mức độ tập trung vào các ưu tiên quan trọng. Trọng tâm chính của các chỉ số SX&TDBV là việc đo lường sự tiến bộ hướng tới mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Do các yếu tố không được đo lường thường bị bỏ qua, các chỉ số này là một công cụ quan trọng cho thấy sự tiến bộ hướng tới các mục tiêu cụ thể của một chương trình cụ thể, và cho chiến lược ứng phó thích hợp.Trong bối cảnh SX&TDBV, các chỉ số này cũng có thể cho thấy liệu các mô hình sản xuất và tiêu dùng của xã hội có thể mang tới phát triển bền vững về môi trường và công bằng xã hội. 68

Sinh thái công nghiệp

Sinh thái công nghiệp là phương pháp khoa học nghiên cứu sự chuyển đổi từ các quy trình sản xuất công nghiệp truyền thống có phát sinh chất thải các hệ thống khép kín mà trong đó chất thải trở thành nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất mới. Sinh thái công nghiệp nghiên cứu việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực nội bộ, hoặc kết hợp với các quy trình công nghiệp khác. Nó nghiên cứu việc thiết kế lại các quy trình sản xuất và các mối quan hệ kinh doanh nhằm sử dụng ít năng lượng và phát sinh ít chất thải hơn, đồng thời thay thế việc sử dụng các chất hóa học truyền thống trong quá trình sản xuất bằng các chất xúc tác và các enzym không gây ô nhiễm. Sinh thái công nghiệp bao gồm mạng lưới tất cả các quy trình công nghiệp có thể liên hệ và phối hợp với nhau không chỉ về khía cạnh kinh tế mà trong đó chất thải và năng lượng phát thải của ngành này có thể được sử dụng trực tiếp cho ngành khác. Có thể nhận thấy chu trình liên tục của năng lượng và tái chế vật chất. Thực tế hiện nay chưa có phụ phẩm của một ngành công nghiệp nào trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp khác. Mục tiêu của sinh thái công nghiệp là việc nền kinh tế công nghiệp nên xây dựng chu trình vật chất và năng lượng dựa theo mô phỏng trong hệ sinh thái tự nhiên.69

Chính sách sản phẩm tổng thể

Chính sách sản phẩm tổng thể là phương pháp tiếp cận trong đó hiệu quả môi trường của sản phẩm được cải thiện với chi phí hiệu quả nhất. Chính sách này dựa trên việc xem xét các tác động của sản phẩm trong toàn vòng đời, từ giai đoạn khai thác tài nguyên thiên nhiên, tiêu dùng và tiếp thị sản phẩm tới giai đoạn thải bỏ sản phẩm. Chính sách này cũng là một phương pháp tiếp cận chính sách môi trường tương đối mới.70

Nội bộ hóa chi phí môi trường và xã hội

Nội bộ hóa các chi phí bên ngoài nhằm mục đích cung cấp cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng các tín hiệu chính xác về mức độ khan hiếm thực tế của tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên môi trường, qua đó đưa ra các quyết định sản xuất và tiêu dùng cá nhân phù hợp hơn với các chi phí xã hội và lợi ích. Nội bộ hóa có thể làm tăng khả năng cạnh tranh bằng ít nhất ba cách: thứ nhất là bằng cách tăng hiệu quả tài nguyên và/hoặc giảm việc sử dụng tài nguyên; thứ hai, bằng cách hạn chế chất thải và ô nhiễm, nhờ vậy giảm chi phí xử lý; thứ ba, bằng cách giảm cạn kiệt tài nguyên, nhờ vậy giảm chi phí môi trường. Điều quan trọng là việc tận dụng sức mạnh tổng hợp giữa lợi ích của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả tài nguyên và lợi ích của chính phủ trong hiệu quả phân bổ, bảo tồn tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường. 71

Uỷ ban Quốc tế về Quản lý bền vững tài nguyên

Uỷ ban Quốc tế về Quản lý bền vững tài nguyên đã được chính thức thành lập vào tháng 5 năm 2007 nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học cho việc “tách rời” hay giảm lệ thuộc tương quan giữa tăng trưởng kinh tế, sử dụng tài nguyên và suy thoái môi trường. Do đó, mục tiêu tổng thể của Ủy ban là cung cấp các đánh giá khoa học độc lập về tác động môi trường do việc sử dụng các nguồn lực trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, và tư vấn chính phủ các nước và các tổ chức cách thức để giảm thiểu các tác động này.

Mục tiêu cụ thể của Ủy ban là:

• Cung cấp độc lập, thống nhất và hợp pháp các đánh giá về chính sách sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tác động môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm;

• Cung cấp kiến thức về “tách rời” hay giảm lệ thuộc tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường. 72

Kế hoạch thực hiện Johannesburg

Kế hoạch thực hiện Johannesburg đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2002 về Phát triển bền vững (WSSD) được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi. Mười năm sau Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) được tổ chức tại Rio de Janeiro, Kế hoạch thực hiện Johannesburg khẳng định cam kết của Liên Hợp Quốc nhằm "thực hiện đầy đủ" Chương trình nghị sự 21, cùng với việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các hiệp định quốc tế khác.

Các Kế hoạch thực hiện Johannesburg khẳng định rằng xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi các mô hình tiêu sản xuất và tiêu dùng, và việc bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế và xã hội là mục tiêu chung của phát triển bền vững và thừa nhận rằng các vấn đề như bất bình đẳng toàn cầu, mất mát đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu cần phải được giải quyết.73

Nhảy cóc

Là một thuật ngữ dùng để mô tả khả năng mà các nước đang phát triển bỏ qua giai đoạn phát triển không hiệu quả, gây ô nhiễm và tốn kém bằng cách tiến thẳng tới giai đoạn phát triển bền vững và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nói cách khác, “nhảy cóc” là một cơ hội để tránh các giai đoạn phát triển không hiệu quả và gây ô nhiễm mà các nước công nghiệp đã từng trải qua.

Thuật ngữ "nhảy cóc" mô tả các thay đổi nhanh chóng của một xã hội hay một doanh nghiệp, đạt tớimột cấp độ phát triển cao hơn mà không trải qua các giai đoạn trung gian. Điều này minh họa cho ý tưởng rằng các nguồn lực kinh tế cho các công nghệ không bền vững, lạc hậu và gây ô nhiễm có thể được lưu lại và thay vì đầu tư trực tiếp trong một tương lai bền vững. “Nhảy cóc” cung cấp các chiến lược nhằm trực tiếp đi vào vào giai đoạn phát triển bền vững mà không đi qua các mô hình sản xuất và tiêu dùngsử dụng nhiều tài nguyên của xã hội công nghiệp.74

Phương pháp tiếp cận theo vòng đời

Phương pháp tiếp cận theo vòng đời phản ánh sự áp dụng tư dung vòng đời sản phẩm trong quá trình ra quyết định hoặc các quy trình phát triển.75

Đánh giá vòng đời sản phẩm

Đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) là công cụ để đánh giá hiệu quả môi trường và xã hội của sản phẩm và dịch vụ trong suốt vòng đời sản phẩm và dịch vụ.

Đánh giá môi trường vòng đời sản phẩm (ELCA): Là việc đo lường mức độ khai thác và tiêu thụ tài nguyên (bao gồm cả năng lượng), như cũng như mức độ phát thải vào không khí, nước và đất trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm. Mức độ đóng góp của các chỉ số này vào các hạng mục tác động môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, độc tính, thiệt hại hệ sinh thái và suy thoái tài nguyên) sau đó sẽ được đánh giá.

Đánh giá xã hội vòng đời sản phẩm (SLCA) là kỹ thuật đánh giá tác động xã hội nhằm đánh giá các tác động tích cực cũng như tiêu cực của sản phẩm về các khía cạnh xã hội và kinh tế (bao gồm cả tác động thực tế và tác động tiềm tàng) trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khai thác và chế biến nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng, tái sử dụng, bảo dưỡng, tái chế, và thải bỏ sản phẩm. 76

Quản lý vòng đời sản phẩm (LCM)

Quản lý vòng đời (LCM) là một hệ thống quản lý sản phẩm nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội và môi trường liên quan đến sản phẩm hoặc danh mục sản phẩm của doanh nghiệp trong suốt toàn bộ vòng đời và chuỗi giá trị của sản phẩm. Quản lý vòng đời sản phẩm hỗ trợ việc đồng nhất hoạt động kinh doanh với các chính sách sản phẩm của chính phủ, bằng cách áp dụng phương pháp vòng đời sản phẩm trong hoạt động kinh doanh đồng thời cải tiến liên tục hệ thống sản phẩm.77

Tư duy theo vòng đời sản phẩm

Tư duy theo vòng đời sản phẩm mở rộng lối tiếp cận truyền thống chỉ tập trung vào nơi sản xuất và các quá trình sản xuất đồng thời kết hợp các khía cạnh khác nhau trong toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, từ việc khai thác các nguồn tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.78

Giới hạn của sự tăng trưởng

Là tiêu đề và khái niệm được đề cập tới trong một cuốn sách có tên Các giới hạn của sự tăng trưởng, do một tổ chức phi chính phủ có tên Câu lạc bộ Rome(Club Of Rome) soạn thảo năm 1972, dự đoán tương lai của Trái đất. Với sự trợ giúp của các mô hình máy tính, nhiều kịch bản đã được đưa ra với các mô hình và kết quả môi trường khác nhau của sự phát triển trong hơn hai thế kỷ từ năm 1900 đến năm 2100. Sách nêu ra mối liên quan giữa tăng trưởng dân số và sử dụng tài nguyên tạo ra các giới hạn cho tăng trưởng công nghiệp.

“Giới hạn của tăng trưởng” đã được sửa đổi hai lần, lần đầu tiên thành  “Phía bên kia tăng trưởng” vào năm 1992 trong đónêu racác thách thức chính trong việc đưa thế giới trở lại bền vững, và lần sửa đổi thứ hai trong năm 2002.79

Chỉ số sức sống của hành tinh

Chỉ số sức sống của hành tinh là chỉ số đo lường các xu hướng đa dạng sinh học của Trái đất. Chỉ số này áp dụng cho 1313 quần thể động vật có xương sống trên khắp thế giới thuộc lớp cá, lưỡng cư, bò sát, chim, động vật có vú.

Các chỉ số riêng biệt được áp dụng cho các loài trên cạn, các loài dưới đại dương và các loài nước ngọt, sau đó 03 chỉ số này được tính trung bình thành một chỉ số tổng hợp. Mặc dù ngành động vật có xương sống chỉ chiếm một phần nhỏ tổng số loài được biết đến, chỉ số sức sống của hành tinh vẫn được giả định là chỉ số điển hình của tổng thể đa dạng sinh học.

Bằng cách giám sát các loài hoang dã, chỉ số sức sống của hành tinh cũng đồng thời giám sát sức khỏe của hệ sinh thái. Từ năm 1970, chỉ số này đã giảm khoảng 30%. Xu hướng toàn cầu này cho thấy con người đang phá hủy hệ sinh thái tự nhiên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người.80

Nền kinh tế /xã hội carbon thấp

Nền kinh tế carbon thấp (LCE) là một hệ thống kinh tế, công nghệ và xã hội mới của sản xuất và tiêu dùng nhằm bảo tồn năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời vẫn duy trì mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế và xã hội. 81

Công nghệ carbon thấp

Là các công nghệ công nghiệp mới và hiện không phát thải hoặc phát thải carbon thấp khi các công nghệ này được phát triển và ứng dụng. 82

Nhóm chính (Major Group)

Chương trình nghị sự 21 đã xác định chín nhóm chính của xã hội dân sự và quy định sự cần thiết về xây dựng các hình thức tham gia mới ở tất cả các cấp để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của tất cả các khu vực kinh tế và xã hội nhằm đạt tới phát triển bền vững. Các nhóm chính bao gồm: khu vực kinh doanh và công nghiệp, trẻ em và thanh niên, nông dân, dân bản địa, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng các nhà khoa học, phụ nữ, và người lao động và công đoàn. Kể từ khi thành lập Ủy ban về Phát triển bền vững (CSD) vào năm 1992, các nhóm chính là các đối tác đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Các cuộc họp của Ủy ban Phát triển bền vững đã tạo điều kiện cho sự tham gia của các khu vực phi chính phủ với mục đích chung là thông báo các quy trình ra quyết định của Ủy ban.83

Tiến trình Marrakech

Tiến trình Marrakech là một tiến trình đa phương toàn cầu không chính thức nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách và xây dựng năng lực về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) đồng thời hỗ trợ phát triển Khung Chương trình 10 năm về SX&TDBV.

UNEP và UNDESA là các tổ chức cố vấn cho tiến trình này, cùng với sự tham gia tích cực của chính phủ các nước, các cơ quan phát triển, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan.

Được thành lập vào năm 2003, nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương III của Kế hoạch Johannesburg, tên của Tiến trình này được đặt theo tên thành phố tổ chức cuộc họp đầu tiên. Kể từ năm 2003, Tiến trình này đã phát triển các hoạt động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thông qua một mạng lưới mở rộng.

Tiến trình Marrakech, khi cần thiết, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các chương trình hoặc các kế hoạch hành động về SX&TDBV ở phạm vi cấp khu vực ở châu Phi, châu Mỹ Latin, Tây Á và Liên minh châu Âu, với sự hỗ trợ thể chế của các tổ chức liên chính phủ trong khu vực. Ở châu Á và Thái Bình Dương, tiến trình Marrakech hiện phối hợp chặt chẽ với các Sáng kiến tăng trưởng xanh. Các chương trình, kế hoạch hành động của Tiến trình này tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan đến khủng hoảng năng lượng, lương thực, nước và khí hậu. Sự tham gia của khu vực Bắc Mỹ cũng đã tăng lên nhanh chóng trong hai năm qua.

Bảy nhóm chuyên trách (Task Forces) trong tiến trình Marrakech là các sáng kiến tự nguyện của chính phủ các nước với sự tham gia của các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới. Nhóm chuyên trách hỗ trợ phát triển các công cụ, xây dựng năng lực và thực hiện các dự án SX&TDBV theo các vấn đề cụ thể như: hợp tác với châu Phi, sản phẩm bền vững, lối sống bền vững, mua sắm công bền vững, phát triển du lịch bền vững, xây dựng và công trình bền vững, và giáo dục cho tiêu dùng bền vững. Các nhóm chuyên trách đang góp phần vào việc xây dựng các chính sách SX&TDBV, hỗ trợ các hoạt động xây dựng năng lực cũng như các dự án thí điểm, các mô hình thực hành tốt về SX&TDBV.84

Phân tích dòngnguyên liệu (MFA)

Hoạt động của các nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào các dòngnguyên liệuđược khai thác từ trái đất, được xử lý qua quá trình sản xuất và tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của con người, và sau đó là dưới dạng chất thải phát sinh do việc khai thác, sản xuất và quá trình tiêu dùng. Các nguyên liêu quan trọng nhất được khai thác để sử dụng là sinh khối, nhiên liệu hóa thạch, quặng, khoáng chất công nghiệp và khoáng chất xây dựng. Các dòng nguyên liệu, mà còn bao hàm tỷ lệ trao đổi chất, được đo bằng tấn bình quân đầu người hoặc mỗi đơn vị GDP (tấn /1 tỷ đô la Mỹ của GDP). Phân tích dòng nguyên liệu (MFA) là phương pháp hoặc khuôn khổ kiểm kê nhằm tính toán các dòng nguyên liệu đó. Ưu điểm của MFA là có thể xác định số lượng các dòng nguyên liệu, nhưtổng lượng khai thác, tổng lượng sử dụng và tổng lượng khai thác nhưng không sử dụng.85

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)

Vào tháng 9 năm 2000, các nhà lãnh đạo từ 189 quốc gia đã nhất trí và thông qua một tầm nhìn cho tương lai theo đó một thế giới ít nghèo đói và bệnh tật hơn, tỷ lệ sống sót của bà mẹ và trẻ sơ sinh lớn hơn, trẻ em được giáo dục tốt hơn, cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, môi trường sống trong sạch; một thế giới trong đó các nước đã và đang phát triển cùng hợp tác thực hiện vì sự tiến bộ chung.

Tầm nhìn được cụ thể hóa thành tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) nhằm tạo lập một khuôn khổ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển cho các quốc gia trên thế giới với các mục tiêu có thời hạn để đánh giá quá trình thực hiện.

Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bao gồm giảm một nửa tỷ lệ bần cùng (người nghèo cùng cực), ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS và phổ cập giáo dục tiểu học; thời hạn của các mục tiêu là đến năm 2015.

8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cụ thể như sau:

  • Xóa bỏ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn

  • Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học

  • Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ

  • Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em

  • Cải thiện sức khỏe sinh sản

  • Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác

  • Đảm bảo tính bền vững của môi trường

  • Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển.86

Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MA)

Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MA) được đề xuất bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan vào năm 2000. Mục tiêu của MA nhằm đánh giá các hậu quả của biến đổi hệ sinh thái do các tác động của con người, cung cấp cơ sở khoa học cho bảo tồn và sử dụng các hệ sinh thái bền vững. Từ năm 2001 đến năm 2005, đã có hơn 1.360 chuyên gia trên toàn thế giới tham gia MA. Các nghiên cứu của họ được tập hợp thành năm báo cáo kỹ thuật và sáu báo cáo tổng hợp, cung cấp các đánh giá khoa học mới nhất về tình trạng, xu hướng của các hệ sinh thái trên toàn thế giới và các dịch vụ hệ sinh thái (bao gồm nước, thực phẩm, lâm sản, điều tiết lũ lụt, các nguồn tài nguyên thiên nhiên) đồng thời đề xuất các giải pháp để khôi phục, bảo tồn hoặc tăng cường việc sử dụng bền vững hệ sinh thái.87

Trung tâm sản xuất sạch cấp quốc gia

Trung tâm sản xuất sạch cấp quốc gia là tổ chức cung cấp việc sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn” (Resource Efficiency and Cleaner Production – RECP) và các dịch vụ liên quan, trong khuôn khổ chương trình hợp tác khung về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn của UNIDO -UNEP

Các dịch vụ bao gồm: nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin; đào tạo chuyên nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật; tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường. Dưới trung tâm sản xuất sạch quốc gia còn có các trung tâm ở địa phương và khu vực. Hiện có hơn 40 Trung tâm sản xuất sạch cấp quốc gia.88

Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững là một thuật ngữ chung dùng để mô tả các phương pháp tiếp cận tổng hợp và chiến lược khác nhau được các quốc gia sử dụng để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Các chương trình này (ở cấp quốc gia, cấp vùng hoặc địa phương) rất đa dạng về bản chất, thường được xây dựng thông qua cơ chế hợp tác liên bộ, ngành và cơ chế đối thoại với các bên liên quan; có thể bao gồm các kiểm kê quốc gia, khuôn khổ chương trình, kế hoạch hành động và chiến lược cũng như  được coi là một vấn đề ưu tiên trong các khuôn khổ chính sách hoặc chiến lược khác.

Một chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể được phát triển trong một chu kỳ bắt đầu từ giai đoạn đánh giá thực trạng quốc gia hoặc từ một lĩnh vực chung của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện có sang giai đoạn lồng ghép hoàn toàn nội dung sản xuất và tiêu dùng bền vững trong một khuôn khổ chính sách chính cấp quốc gia như chiến lược phát triển bền vững quốc gia (NSDC), kế hoạch hành động môi trường quốc gia (NEPA), kế hoạch phát triển quốc gia, bao gồm cả chiến lược xóa đói giảm nghèo (PRSP). Một khuôn khổ chung có thể được xây dựng từ tổng quan chiến lược các nhu cầu để đạt được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên cho công tác xây dựng và thực hiện chính sách, qua đó dẫn tới việc xây dựng các chương trình của từng ngành hoặc từng vấn đề hoặc kế hoạch hành động về các chủ đề cụ thể (ví dụ như  mua sắm công bền vững, hiệu quả sử dụng năng lượng và giáo dục cho sản xuất và tiêu dùng bền vững). Các chương trình này có thể liên quan tới các chiến lược, kế hoạch quốc gia khác. Ngoài ra, một chương trình hoặc kế hoạch hành động tích hợp riêng lẻ sẽ tập trung nhiều hơn vào nội dung sản xuất và tiêu dùng bền vững với các mục tiêu, chỉ tiêu và cơ chế giám sát cụ thể.

Không có một phương pháp tiếp cận duy nhất hay một công thức chung cho các chương trình quốc giavề sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mỗi quốc gia cần xác định cách tiếp cận tốt nhất để xây dựng, triển khai và giám sát các chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở xem xét các điều kiện chính trị, văn hóa, kinh tế và sinh thái hiện có. Quyết định ban đầu quan trọng nhất trong việc xây dựng một chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững là xây dựng một khuôn khổ mới hay lồng ghép các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong khuôn khổ chính sách tổng thể về kinh tế và phát triển của đất nước.89

Năng lượng không có khả năng tái tạo

Năng lượng nói chung có thể phân loại gồm năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo. Hơn 85% năng lượng được sử dụng trên thế giới là năng lượng không tái tạo. Hầu hết các quốc gia phát triển phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ) và điện hạt nhân. Các nguồn năng lượng này được gọi là không tái tạo, vì không thể tái tạo hoặc không thể phục hồi theo kịp với mức độ sử dụng. Dầu, khí đốt và than đá là loại năng lượng không tái tạo được sử dụng nhiều nhất.90

Tương lai chung của chúng ta

Là Báo cáo của Ủy ban Brundtland, hay chính thức được gọi là Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) (cũng được biết đến dưới tên chủ tịch của Ủy ban - bà Gro Harlem Brundtland). Báo cáo “Tương lai chung của chúng tôi” được xuất bản vào năm 1987. Báo cáo đã đặt các vấn đề môi trường trong chương trình nghị sự chính trị và nhằm mục đích thảo luận về môi trường và phát triển như là một vấn đề duy nhất. Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” và nhiệm vụ của Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển đã đặt nền móng cho các Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 và việc thông qua Chương trình nghị sự 21, Tuyên bố Rio, cũng như việc thành lập Ủy ban Phát triển bền vững (CSD). Định nghĩa về phát triển bền vững trong Báo cáo: "sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” đã được sử dụng rộng rãi.91

Quan hệ đối tác cho phát triển bền vững

Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển và bền vững (WSSD), quan hệ đối tác cho phát triển bền vững là sáng kiến tự nguyện và đa phương, có thể góp phần vào việc thực hiện phát triển bền vững. Sáng kiến này là một phương tiện hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 21 (Kế hoạch hành động toàn cầu cho phát triển bền vững đã được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, hay Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992), Chương trình tiếp nối Chương trình nghị sự 21 (thống nhất tại Hội nghị "Rio+5" vào năm 1997) và Kế hoạch thực hiện Johannesburg (được thống nhất tại WSSD vào năm 2002). Các quan hệ đối tác này là lựa chọn bổ sung nhưng không thay thế cho các cam kết liên chính phủ.

Quan hệ đối tác là một kết quả quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển và bền vững, tổ chức tại Johannesburg vào năm 2002. Hơn 200 quan hệ đối tác đã được đưa ra trong Hội nghị. Trong Kế hoạch thực hiện Johannesburg, chính phủ các nước chỉ định Uỷ ban Liên hợp quốc về Phát triển và bền vững (CSD) là đầu mối cho các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm các nội dung như chia sẻ kinh nghiệm, tiến độ thực hiện và bài học thực hành tốt nhất.92

Các ranh giới của hành tinh

Các ranh giới của hành tinh xác định không gian hoạt động an toàn cho con người trong hệ thống trái đất và trong mối quan hệ với các tiểu hệ thống hoặc các quá trình sinh lý học của trái đất. Các qúa trình tương ứng với các ranh giới hành tinh bao gồm: biến đổi khí hậu; tỷ lệ mất mát đa dạng sinh học (biển và đất liền); mức độ tác động vào các chu kỳ nitơ và phốt pho; suy giảm ôzôn trong tầng bình lưu; axit hóa đại dương; sử dụng nước ngọt toàn cầu; chuyển đổi sử dụng đất; ô nhiễm hóa học; và tải trọng bụi trong không khí. 93

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP)

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP) là một chính sách môi trường yêu cầu người gây ô nhiễm phải chi trả các chi phí ô nhiễm. Ban đầu, nguyên tắc này nhằm mục đích xác định việc phân bổ các chi phí phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Mục tiêu của nguyên tắc này là ngay lập tức nội tại hóa các yếu tố bên ngoài môi trường của các hoạt động kinh tế, do đó, giá cả của các hàng hóa và dịch vụ phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất. Hiện nay, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được thừa nhận rộng rãi trong luật môi trường quốc tế, và là nguyên tắc cơ bản của chính sách môi trường của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Cộng đồng châu Âu. 94

Đăng ký chuyển giao và phát thải chất ô nhiễm

Là một cơ sở dữ liệu môi trường hoặc công cụ kiểm kê các chất có khả năng gây hại phát thải vào không khí, nước và đất. Trong cơ sở dữ liệu cũng bao gồm dữ liệu về chất thải được chuyển giao để xử lý và thải bỏ từ nguồn phát sinh. Ngoài việc thu thập dữ liệu cho hệ thống đăng ký chuyển giao và phát thải chất ô nhiễm từ các nguồn phát sinh (điểm) như các nhà máy và các cơ sở chất thải, một số PRTRs được thiết kế để ước tính chất thải phát sinh từ các nguồn khuếch tán. Dữ liệu liên quan đến phát sinh và chuyển giao chất thải được cung cấp bởi các nhà máy và phải bao gồm các thông tin về loại, số lượng chất thải. Dữ liệu sau đó sẽ được công bố rộng rãi.95

Xóa/Giảm nghèo

Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Xã hội, được tổ chức vào tháng 3 năm 1995 tại Copenhagen, đã xác định việc xóa đói giảm nghèo là một yêu cầu về mặt đạo đức, xã hội, chính trị và kinh tế của nhân loại, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói, cung cấp các nhu cầu cơ bản cho tất cả công dân, đảm bảo người nghèo được tiếp cận với các nguồn lực, bao gồm kinh tế, giáo dục và đào tạo. Do nhận thấy công tác xóa đói giảm nghèo không đạt được bước tiến đáng kể nào, phiên họp đặc biệt lần thứ 24 của Đại hội đồng LHQ đã đánh giá lại Cam kết Copenhagen và quyết định thiết lập mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân sống mở mức nghèo đói cùng cực. Mục tiêu này đã được phát triển thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ thứ nhất.96

Phương pháp tiếp cận phòng ngừa

Trong trường hợp xảy ra mối đe dọa nghiêm trọng hoặc thiệt hại không thể bồi hoàn, có thể bỏ qua việc các biện pháp chưa có cơ sở khoa học đầy đủ, nhằm tránh việc trì hoãn thực hiện các biện pháp hiệu quả này trong ngăn ngừa suy thoái môi trường.97

Nhà sản xuất

Là cá nhân, tổ chức tạo ra hoặc sản xuất hàng hóa được sử dụng bởi người tiêu dùng hoặc cho một thị trường cụ thể. Ví dụ, một nhà sản xuất vật dụng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm tạo ra hoặc sản xuất sản phẩm và không nhất thiết tham gia vào việc tiếp thị hay bán sản phẩm.98

Tiêu chuẩn sản phẩm

Một tiêu chuẩn sản phẩm sẽ xác định các đặc tính cụ thể của một sản phẩm, như kích thước, hình dáng, thiết kế, chức năng, hiệu suất, hoặc cách thức sản phẩm được dán nhãn hoặc đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Trong một số trường hợp nhất định, cách thức một sản phẩm được sản xuất có thể ảnh hưởng đến các đặc tính này. Do đó, thực tế cho thấy việc soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn của sản phẩm nên dựa vào quá trình sản xuất và các phương pháp sản xuất của sản phẩm hơn là dựa trên đặc tính của sản phẩm.99

Sản xuất

Sản xuất là quá trình chuyển đổi tài nguyên thành sản phẩm có thể sử dụng (hàng hóa hoặc dịch vụ). Hoạt động kinh tế của sản xuất chuyển đổi một số tài nguyên (còn gọi là đầu vào) thành hàng hoá và dịch vụ mới (còn gọi là đầu ra), và là tiến trình trong một khoảng thời gian nhất định. Cách thức tiến hành sản xuất phụ thuộc vào công nghệ hiện có. Quy trình sản xuất cũng có thể tạo ra sản phẩm đầu ra không mong muốn, ví dụ như chất thải. Chỉ các sản phẩm đầu ra có thể sử dụng mới được coi là hàng hóa và dịch vụ.100

Sản phẩm

Sản phẩm, còn được gọi là "hàng hóa và dịch vụ", là kết quả của sản xuất. Sản phẩm được trao đổi và sử dụng cho các mục đích khác nhau, ví dụ như là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất các hàng hóa và dịch vụ khác, để tiêu dùng hoặc để đầu tư.101

Hàng hóa công

Hàng hóa công là hàng hóa, dịch vụ hoặc các nguồn lực sẵn có cho toàn xã hội, không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng (người này sử dụng không gây ảnh hưởng tới người khác) và không có tính loại trừ (không cá nhân nào không được tiêu dùng loại hàng hóa này). Ví dụ như chất lượng không khí và kiểm soát dịch bệnh.

Nếu có cả hai đặc điểm trên, hàng hóa công được gọi là hàng hóa công thuần túy. Nếu chỉ có một trong hai đặc điểm, hàng hóa công được gọi là không thuần túy:

• Đặc điểm không có tính cạnh tranh được đảm bảo khi tiêu dùng hướng tới bão hòa (ví dụ đường cao tốc đô thị trong giờ cao điểm);

• Đặc điểm không có tính loại trừ có thể không được đáp ứng trong trường hợp có áp đặt quyền tiếp cận (ví dụ cơ chế thu phí đường cao tốc).102

Tác động phản hồi ngược

Sự gia tăng trong tiêu dùng xảy ra như một hiệu ứng phụ của áp dụng công nghệ sinh thái hiệu quả hơn dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, do đó làm tăng nhu cầu tiêu dùng.103

Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế

Sáng kiến 3R nhằm mục đích thúc đẩy “tiết giảm - tái sử dụng - tái chế” (3R) trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một xã hội âm vật chất chu kỳ thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguyên vật liệu. Được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G8 được tổ chức vào tháng 6 năm 2004 tại Sea Island, Hoa Kỳ, sáng kiến này đã được chính thức triển khai sau cuộc họp bộ trưởng tại Nhật Bản vào mùa xuân năm 2005.

Tiết giảm bao hàm cách thức sử dụng trong đó giảm phát sinh chất thải. Tái sử dụng bao hàm việc tái sử dụng sản phẩm hoặc các bộ phận của sản phẩm vẫn còn đặc tính sử dụng. Tái chế là việc sử dụng sản phẩm sau khi bị thải bỏ như là nguồn nguyên liệu. Có thể giảm thiểu hiệu quả chất thải bằng cách tập trung chủ yếu vào phương thức đầu tiên là “tiết giảm”, tiếp sau đó là “tái sử dụng” và "tái chế”.104

Họp triển khai nhiệm vụ ở cấp khu vực (RIMs)

Trong khuôn khổ mỗi chu kỳ hoạt động của Ủy ban Phát triển bền vững (CSD) Uỷ ban Khu vực của LHQ và Ban Thư ký của Ủy ban về Phát triển bền vững tổ chức các cuộc họp về triển khai nhiệm vụ ở cấp khu vực (RIMs) để xem xét có hiệu quả các yếu tố đầu vào trong suốt chu kỳ hoạt động ở phạm vi khu vực và tiểu khu vực.

Họp triển khai nhiệm vụ cấp khu vực (RIMs) diễn ra trước phiên rà soát của mỗi chu kỳ hoạt động, tập trung vào các vấn đề đặt ra trong chu kỳ hiện tại. Các cuộc họp nhằm góp phần thúc đẩy việc triển khai Chương trình nghị sự 21, Chương trình tiếp nối Chương trình Nghị sự 21 và Kế hoạch thực hiện Johannesburg (JPOI), bằng cách cung cấp các yếu tố đầu vào cho Ủy ban Phát triển bền vững. Các yếu tố đầu vào có thể bao gồm việc xác định các trở ngại và hạn chế cụ thể trong khu vực, thách thức và cơ hội mới, cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất.105

Năng lượng tái tạo

Là các nguồn năng lượng, trong một khoảng thời gian ngắn so với chu kỳ tự nhiên của trái đất, có tính bền vững, và bao gồm các công nghệ không phát sinh carbon như năng lượng mặt trời, thủy điện, gió, cũng như các dạng công nghệ không phát sinh thêm carbon (carbon trung tính) như năng lượng sinh khối.106

Tài nguyên

Là các nguồn vật chất tự nhiên có lợi ích sử dụng thông qua việc cung cấp hoặc có tiềm năng cung cấp nguyên liệu và năng lượng sử dụng trong hoạt động kinh tế và là nguồn vật chất có sự suy giảm số lượng chủ yếu do nhu cầu sử dụng của con người. Tài nguyên bao gồm bốn loại: khoáng sản và các nguồn năng lượng, tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên sinh vật.107

Sử dụng hiệu quả tài nguyên

Sử dụng hiệu quả tài nguyên nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng một cách bền vững, giảm thiểu các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của chúng. Bằng cách sản xuất hiệu quả hơn đồng thời tiêu thụ nguyên vật liệu ít hơn, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên sẽ thúc đẩy các phương thức đáp ứng các nhu cầu của con người mà không vượt quá sức tải của các hệ sinh thái trên trái đất.108

Bán lẻ

Là cá nhân, tổ chức bán một sản phẩm riêng lẻ hoặc với số lượng nhỏ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng cho mục đích sử dụng và tiêu dùng cá nhân. Lĩnh vực bán lẻ cũng bao gồm các nhà sản xuất bán trực tiếp cho khách hàng thông qua các cửa hàng bán lẻ (dưới dạng nhượng quyền, ví dụ như các hãng sản xuất xe hơi), và các kênh bán lẻ khác như đặt hàng qua thư, kênh truyền hình mua sắm, hoặc qua mạng internet. Ở vị trí cầu nối đặc thù giữa khía cạnh sản xuất (nhà sản xuất/nhà cung cấp) và tiêu dùng (khách hàng), lĩnh vực bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc chuyển đổi hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Một mặt, các nhà bán lẻ có thể đưa ra các yêu cầu mua sắm theo định hướng thân thiện với môi trường đối với các nhà cung cấp. Mặt khác, họ có thể giáo dục người tiêu dùng về các vấn đề phát triển bền vững. Ngoài việc cung cấp thông tin về sản phẩm được sản xuất bền vững, các nhà bán lẻ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về cải thiện các tác động trong vòng đời sản phẩm, ví dụ như thông tin về giai đoạn tiêu dùng và thải bỏ của sản phẩm.  Bên cạnh đó, khu vực bán lẻ được coi là động lực chính cho nền kinh tế và việc làm toàn cầu.109

Dịch vụ

Các nhà kinh tế chia tất cả các hoạt động kinh tế thành hai loại chính: hàng hóa và dịch vụ. Các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa bao gồm nông nghiệp, khai thác khoáng sản, sản xuất và xây dựng; các ngành này tạo ra các sản phẩm hữu hình. Các ngành dịch vụ bao gồm: ngân hàng, thông tin liên lạc, thương mại, các dịch vụ chuyên môn như kỹ sư, phát triển phần mềm máy tính, y học, các hoạt động kinh tế phi lợi nhuận, cũng như tất cả các dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ của chính phủ. Các nước phát triển có cơ cấu nền kinh tế với dịch vụ chiếm ưu thế. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, lao động chủ yếu tập trung trong ngành nông nghiệp và khai thác khoáng sản.110

Trách nhiệm xã hội

Là trách nhiệm của một tổ chức có các quyết định và hoạt động gây tác động tới xã hội và môi trường, thể hiện bằng các hành vi minh bạch và đạo đức:

• nhằm góp phần phát triển bền vững, bao gồm cả vấn đề sức khỏe và phúc lợi xã hội;

• xem xét các kỳ vọng của các bên liên quan;

• tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế;

• được lồng ghép trong toàn bộ tổ chức và được triển khai thực hành trong các mối quan hệ của tổ chức đó. 

Các hoạt động bao gồm hàng hoá, dịch vụ và quy trình; và các mối quan hệ bao hàm các hoạt động của một tổ chức trong phạm vi ảnh hưởng của tổ chức đó.111

Đủ

Khái niệm "đủ" xuất hiện trong những năm qua trong các quy trình lập kế hoạch và phát triển cũng như các phong trào xã hội dân sự xuyên quốc gia như là một mô hình kinh tế thay thế cho chủ nghĩa tiêu dùng, và là một thành phần cần thiết của lối sống bền vững. Đó là một quan điểm triết học mang tới chất lượng cuộc sống cao hơn, đồng thời giảm thiểu tác động của con người lên thế giới tự nhiên. Khái niệm này thách thức quan điểm cho rằng nếu "một số" là tốt thì "nhiều hơn" phải tốt hơn; thay vào đó, khái niệm nhấn mạnh "mức độ đủ". “Đủ” không phải là sự hy sinh, từ chối, khổ hạnh; mà là hạnh phúc và sung túc.112

Nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp bền vững đảm bảo đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng cơ bản của các thế hệ hiện tại và tương lai trong khi tạo ra các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Nông nghiệp bền vững tạo ra việc làm ổn định, thu nhập đầy đủ đồng thời đảm bảo điều kiện sống và làm việc tốt cho tất cả các cá nhân tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững giúp duy trì và có thể tăng cường tổng thể hiệu suất sản xuất của các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay khả năng tái sinh của các nguồn tài nguyên tái tạo, mà không phá vỡ hoạt động của các chu trình sinh thái cơ bản và cân bằng tự nhiên, cũng như không phá hủy các đặc tính văn hóa-xã hội của cộng đồng nông thôn và không gây ô nhiễm môi trường.113

Công trình và xây dựng bền vững

Khái niệm "Công trình và xây dựng bền vững" bao hàm hiệu quả bền vững của công trình trong toàn bộ vòng đời, bao gồm giai đoạn thiết kế, sản xuất vật liệu, phân phối, xây dựng, vận hành và bảo trì, cải tạo, phá dỡ và tái chế. Khái niệm này nhằm tối ưu hóa hiệu suất và giảm tác động tiêu cực đối với việc sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên nước và đất đai, chất lượng không khí trong nhà và phát sinh chất thải, nước thải, khí thải, bao gồm các loại khí nhà kính, bụi và các chất ô nhiễm khác. Khái niệm này được áp dụng cho tất cả các công trình cũ và mới ở bất kể địa điểm nào.114

Thành phố bền vững

Thành phố bền vững cho phép tất cả cư dân có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân và phát triển thịnh vượng của họ mà không gây tổn hại tới môi trường tự nhiên hoặc cuộc sống của các cư dân khác trong hiện tại hoặc tương lai. Một thành phố bền vững sẽ bao gồm việc sử dụng đất có hiệu quả; sử dụng ít phương tiện cơ giới; sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát sinh ô nhiễm và chất thải; có sự phục hồi của các hệ thống tự nhiên; quy hoạch nhà ở và môi trường sống tốt; hệ sinh thái xã hội lành mạnh; kinh tế bền vững; có sự tham gia của cộng đồng; bảo tồn văn hóa và tri thức bản địa.115

Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn trong khi giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các chất độc hại cũng như giảm thiểu phát sinh chất thải và chất ô nhiễm trong vòng đời của dịch vụ hoặc sản phẩm để không gây tổn hại tới nhu cầu của các thế hệ tương lai.116

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai. Phát triển bền vững bao gồm bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội – ba trụ cột độc lập đồng thời củng cố qua lại lẫn nhau. Phát triển bền vững có thể đạt được bằng cách quản lý hợp lý nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên. Xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nền tảng của phát triển kinh tế và xã hội là các mục tiêu bao quát và yêu cầu cần thiết cho phát triển bền vững.117

Chỉ số phát triển bền vững

Là các chỉ số đo lường mức độ tiến bộ đạt được trong tăng trưởng và phát triển bền vững. Các chỉ số có thể cung cấp cảnh báo sớm và kịp thời giúp ngăn ngừa các thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài các chỉ số kinh tế thường được sử dụng, cần áp dụng các chỉ số về xã hội, môi trường và thể chế nhằm thấy được toàn bộ hiện trạng của phát triển xã hội.

Tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 4 năm 1995, Ủy ban Phát triển bền vững đã thông qua một bộ chỉ số cốt lõi gồm 58 chỉ số và các phương pháp luận để tất cả các nước trên thế giới đều có thể sử dụng.118

Kinh tế bền vững

Một nền kinh tế bền vững là nền kinh tế trong đó tốc độ sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên không lớn hơn tốc độ tái tạo của tài nguyên. Nền kinh tế bền vững cũng tạo ra môi trường phồn thịnh cho hoạt động kinh doanh để cân bằng môi trường, xã hội và kinh tế.119

Lối sống bền vững

Là lối sống được tạo bởi nền tảng hiệu quả của cơ sở hạ tầng, hàng hóa và dịch vụ, và bởi các lựa chọn và hành động cá nhân nhằm giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát sinh khí thải, chất thải và chất ô nhiễm, đồng thời hỗ trợ công bằng việc phát triển kinh tế-xã hội và tiến bộ cho toàn xã hội.

Việc hình thành lối sống bền vững bao hàm việc mỗi cá nhân xem xét lại cách sống, cách thức mua sắm và tổ chức cuộc sống hàng ngày của mình. Lối sống bền vững cũng thay đổi cách thức giao tiếp xã hội, trao đổi, chia sẻ, giáo dục và hình thành bản sắc. Nó bao hàm việc chuyển đổi xã hội loài người theo lối sống cân bằng với môi trường thiên nhiên. Việc lựa chọn sử dụng năng lượng, phương tiện giao thông, thực phẩm, thông tin liên lạc,.. đều góp phần xây dựng lối sống bền vững.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các khuôn khổ và cơ sở hạ tầng thích hợp (các công cụ quản lý, đổi mới công nghệ, dịch vụ công cộng mới) nhằm tạo điều kiện cho người dân hướng tới lối sống bền vững. Bên cạnh đó, thông tin, giáo dục cũng là các yếu tố rất cần thiết, cùng với sự tham gia của xã hội dân sự trong các chương trình, phong trào cũng như sự tham gia của khối doanh nghiệp có thể giúp phát triển các giải pháp sáng tạo cho lối sống bền vững.120

Sản phẩm bền vững

Là sản phẩm được tạo ra có xem xét đến các yếu tố môi trường và xã hội, việc giảm thiểu tác động của sản phẩm trong suốt vòng đời, trong chuỗi cung cấp và trong mối liên hệ với môi trường xã hội xung quanh.121

Mua sắm bền vững/Mua sắm xanh

Mua sắm bền vững là một quá trình theo đó các tổ chứcđáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, các công trình và các tiện ích theo cách mà đạt được lợi nhuận trên cơ sở không chỉ tạo ra lợi ích cho tổ chức, mà còn cho xã hội và nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho môi trường.

Mua sắm bền vững nhằm đạt được cân bằng thích hợp giữa ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.

• Các yếu tố kinh tế bao gồm các chi phí cho hàng hóa và dịch vụ trong toàn bộ vòng đời của hàng hóa và dịch vụ như: mua lại, bảo trì, chi phí vận hành và quản lý (gồm cả xử lý chất thải) phù hợp với việc quản lý tài chính tốt;

• Các yếu tố xã hội bao gồm công bằng xã hội; tính an toàn và an ninh; quyền con người và điều kiện làm việc;

• Các yếu tố môi trường bao gồm phát thải vào không khí, đất và nước, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên và mức độ khan hiếm nước trong vòng đời sản phẩm.122

Mua sắm xanh là quá trình theo đó các tổ chức xem xét, cân nhắc các yếu tố môi trường khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, công trình và các tiện ích đồng thời vẫn đạt được giá trị kinh tế trên toàn bộ vòng đời cơ sở.123

Chuỗi cung ứng bền vững/Chính sách Tìm Nguồn cung ứng Có trách nhiệm

Chính sách Tìm Nguồn cung ứng có Trách nhiệm là một cam kết tự nguyện của doanh nghiệp trong việc xem xét, cân nhắc các yếu tố xã hội và môi trường khi thiết lập các mối quan hệ với các nhà cung ứng. Chính sách này là một phần không thể thiếu trong công tác quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Khi dây chuyền sản xuất mở rộng, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và lĩnh vực đều dành nhiều nỗ lực hơn cho công tác quản lý rủi ro của chuỗi cung ứng và xây dựng mối quan hệ lâu dài với nhà cung ứng. Cải thiện hiệu quả môi trường và xã hộitrong dây chuyền sản xuất đang trở thành một nhân tố chính của quá trình này.124

Du lịch bền vững

Du lịch bền vững:

 • Sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường tạo thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, duy trì các quá trình sinh thái cần thiết và hỗ trợ bảo tồn các di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

• Tôn trọng truyền thống văn hóa-xã hội của cộng đồng bản địa, bảo tồn di sản kiến trúc, văn hóa phi vật thể và các giá trị truyền thống.

• Đảm bảo các hoạt động vận hành khả thi, dài hạn, phân bố công bằng các lợi ích kinh tế-xã hội cho tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, các dịch vụ xã hội cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.125

Giao thông vận tải bền vững

Giao thông vận tải bền vững:

 • Cho phép ứng đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản của cá nhân và xã hội một cách an toàn, phù hợp với sức khỏe con người và sức chịu tải của hệ sinh thái.

• Sẵn có, hoạt động hiệu quả, cung cấp các lựa chọn phương tiện giao thông vận tải, và hỗ trợ một nền kinh tế năng động.

• Giới hạn lượng khí thải và chất thải trong khả năng hấp thụ của trái đất, giảm thiểu tiêu thụ các nguồn tài nguyên không tái tạo, hạn chế tiêu thụ các nguồn tài nguyên tái tạo ở ngưỡng sản lượng bền vững, tái sử dụng và tái chế tài nguyên, và giảm thiểu việc sử dụng đất và việc gây tiếng ồn.

Giao thông vận tải bền vững liên quan tới các vấn đề sau:

• Quy hoạch đô thị, thay đổi lối sống và mô hình sản xuất để giảm nhu cầu vận tải;

• Đánh giá lại hệ thống giao thông vận tải, thúc đẩy phương thức vận tải liên hợp và khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng (khuyến khích chuyển đổi sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng…);

• Cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu của từng phương thức vận tải, và thúc đẩy việc sử dụng các nhiên liệu thay thế.126

Phát triển đô thị bền vững

Phát triển đô thị bền vững là việc liên tục duy trì, thích ứng, đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng và môi trường cảnh quan cũng như cơ sở kinh tế của đô thị bằng cách đáp ứng nhu cầu của con người trong khi giảm thiểu tối đa nhu cầu về tài nguyên và tác động môi trường tiêu cực.127

Nhóm Chuyên trách (tiến trình Marrakech)

Nhóm Chuyên trách của tiến trình Marrakech là các cơ chế hoạt động của Tiến trình Marrakech nhằm xây dựng hợp tác toàn cầu, triển khai thực hiện các dự án cụ thể và đóng góp vào Khung Chương trình 10 năm. Đây là các sáng kiến tự nguyện được triển khai thực hiện bởi chính phủ các nước, tập trung vào các vấn đề cụ thể của sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Hiện tại các Nhóm chuyên trách tập trung vào các nội dung:

• Giáo dục cho tiêu dùng bền vững

•Phát triển du lịch bền vững

•Mua sắm công bền vững

•Sản phẩm bền vững

• Xây dựng và công trình bền vững

•Hợp tác với châu Phi

•Phong cách sống bền vững 128

Chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ là quá trình chuyển giao kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm và cải tiến giữa các bên liên quan thông qua các hoạt động hỗ trợ, đầu tư, cấp giấy phép, thương mại, đào tạo. Đây là quá trình học tập để hiểu, sử dụng, và nhân rộng các công nghệ, bao gồm khả năng lựa chọn công nghệ, điều chỉnh công nghệ phù hợp với các điều kiện địa phương, và tích hợp công nghệ mới với công nghệ bản địa. 129

Chương trình khung 10 năm/

(10 YFP)

Tuyên bố Johannesburg hay Bản kế hoạch thực hiện (JPOI), được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển Bền vững 2002 (WSSD) nhận định rằng các thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và tiêu dùng của xã hội là nhân tố không thể thiếu để đạt được phát triển bền vững toàn cầu. Bản Kế hoạch thực hiện kêu gọi xây dựng một Chương trình khung 10 năm nhằm hỗ trợ các sáng kiến trong khu vực và các quốc gia để tăng cường sự chuyển dịch theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong sức chịu tải của các hệ sinh thái bằng cách “tách rời” hay giảm lệ thuộc tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường thông qua việc cải thiện hiệu quả và tính bền vững trong sử dụng tài nguyên và trong quá trình sản xuất; đồng thời giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm và chất thải.130

Bộ ba cốt lõi bền vững (Triple bottom line):

Đánh giá bộ ba cốt lõi bền vững là việc đo lường các tác động xã hội và môi trường của các hoạt động của một tổ chức, thông qua việc sử dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn bền vững môi trường khi đánh giá hiệu suất tổng thể của một tổ chức bên cạnh việc chỉ đánh giá về mặt tài chính.131

Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc

Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã được triển khai vào năm 2000 như một sáng kiến tình nguyện cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua sức mạnh của các hành động tập thể. Hiệp ước toàn cầu nhằm thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể là một phần giải pháp cho các thách thức của toàn cầu hóa.

Hiện tại, hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức lao động và xã hội dân sự quốc tế trên thế giới đã tham gia vào Hiệp ước Toàn cầu. Các tổ chức này đang tích cực thúc đẩy mười nguyên tắc chung trong các lĩnh vực như quyền con người, các tiêu chuẩn lao động, môi trường và phòng chống tham nhũng cũng như xúc tiến các hành động để hỗ trợ các mục tiêu rộng lớn hơn của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.132

Đơn giản tự nguyện (Voluntary simplicity)

Lối sống đơn giản tự nguyện cho thấy việc giảm mức độ hài lòng của con người khi theo đuổi hoạt động tiêu dùng ở các cấp độ cao hơn. Nó bao hàm sự hài lòng khi từ bỏ có chủ ý và tự nguyện các yêu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và khuyến khích cá nhân, hội theo đuổi các mục tiêu phi vật chất.  Người có lối sống đơn giản tự nguyện có mức độ hài lòng hơn khi tham gia các hoạt động học tập, từ đời sống công cộng, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, các hoạt động thể thao, văn hóa cũng như từ lối sống hài hòa với thiên nhiên.133

Chất thải

Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng định nghĩa các chất thải là "chất hoặc đối tượng được xử lý hoặc dự định sẽ được xử lý hoặc được yêu cầu phải được xử lý theo quy định của pháp luật quốc gia ".

Chất thải có thể được tạo ra trong quá trình khai thác nguyên liệu thô, chế biến nguyên liệu thô thành các sản phẩm trung gian và các sản phẩm cuối cùng, tiêu dùng sản phẩm, và trong các hoạt động khác của con người. Khái niệm này không bao gồm phế thải được tái chế hoặc tái sử dụng tại nơi phát sinh.134

Chất thải nguy hại và độc hại là các chất hoặc đối tượng được xử lý, dự định sẽ được xử lý, hoặc yêu cầu phải được xử lý theo quy định của pháp luật có các đặc tính nguy hại như có độc tính, dễ nổ, ăn mòn, hoặc gây kích thích.

Việc phát sinh và và quản lý chất thải nguy hại có thể gây ra các tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Việc xử lý chất thải nguy hại đòi hỏi phải có quy trình xử lý đặc biệt và bền vững với môi trường.

Hoạt động phát sinh, quản lý và vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại phải tuân thủ các quy định của Công ước Basel (1989) và các quy định pháp luật của nước sở tại.135


Quản lý tổng hợp chất thải rắn: Là cách tiếp cận chiến lược để quản lý bền vững các chất thải rắn, quản lý thống nhất tất cả các nguồn và tất cả các khía cạnh, từ phát sinh, phân loại, chuyển giao, xử lý, thu hồi và thải bỏ với trọng tâm tối đa hóa hiệu quả tài nguyên.

Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các thách thức, khó khăn trong công tác quản lý chất thải, với hầu hết các nỗ lực đang được thực hiện nhằm giảm khối lượng chất thải phát sinh và đảm bảo đủ kinh phí cho quản lý chất thải. Nếu hầu hết chất thải có thể được phục hồi thành nguyên vật liệu và tài nguyên, thì có thể giảm đáng kể khối lượng chất thải phát sinh và nguồn nguyên vật liệu và tài nguyên đượcphục hồi từ chất thải có thể được sử dụng để tạo ra lợi nhuận, đảm bảokinh phí cho quản lý chất thải. Phương pháp tiếp cận này tạo tiền đề chohệ thống (ISWM) Quản lý tổng hợp chất thải rắn dựa trên nguyên tắc 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế).136

Dấu chân nước

Dấu chân nước là thước đo các tác động của việc tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp nước có liên quan đến tất cả các hoạt động trong một vòng đời sản phẩm. Điều này đặc biệt có liên quan tới quy trình xử lý nước và tại các khu vực nơi việc khan hiếm nước là một vấn đề nghiêm trọng.137

Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững

(WSSD)

Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững, còn được gọi làHội nghị thượng đỉnh Johannesburg hay Rio +10, diễn ra ở Nam Phi năm 2002. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất 1992 diễn ra tại Rio, cộng đồng quốc tế đã thông qua Chương trình nghị sự 21, một kế hoạch hành động toàn cầu chưa từng có trước đây về  phát triển bền vững. Mười năm sau, Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg mang tới cho các nhà lãnh đạo trên thế giới cơ hội áp dụng biện pháp cụ thể và xác định mục tiêu định lượng cụ thể nhằm triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 có hiệu quả hơn.

Hội nghị có sự tham gia của hàng chục ngàn đại biểu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia, đại diện chính phủ các nước, các Nhóm chính (Major Group), cùng tập trung đưa ra các hành động cụ thể nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức, như cải thiện đời sống người dân, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng gia tăng cùng với nhu cầu ngày càng lớn về lương thực, nước uống, chỗ ở, vệ sinh môi trường, năng lượng, dịch vụ y tế và an ninh kinh tế.138

Hội nghị Liên Hiệp Quốc và Phát triển bền vững 2012 (UNCSD), hay Rio +20


Vào ngày 24 tháng 12 năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (UNCSD hay Rio +20) trong năm 2012 tại Rio de Janeiro, Brazil. 

Hai mươi năm sau khi diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trườngvà Phát triển ở Rio vào năm 1992, mục tiêu của Rio +20 là đảm bảo cam kết chính trị mới cho sự phát triển bền vững, đánh giá tiến độ và xác định các khoảng trống trong việc thực hiện các kết quả của các hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững đồng thời thảo luận các giải pháp giải quyết các thách thức mới.

Chủ đề trọng tâm của Rio +20 bao gồm: nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo và khuôn khổ thể chế cho phát triển bền vững. Kết quả của Hội nghị là một văn kiện chính trị.139


                                                                                                                                                                            Tổng hợp