Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp
25/08/2018
Một số nhận định về hiện trạng hoạt động sản xuất bền vững
Hoạt động | Đánh giá |
Sản xuất sạch hơn | |
Chính sách quốc gia | 1.5 |
Dự án trình diễn | 2 |
Nâng cao nhận thức | 2 |
Dịch vụ tư vấn | 1 |
Khuyến khích tài chính | 1 |
Hệ thống quản lý môi trường | |
ISO 14001 | 2 |
Đánh giá tác động môi trường | 1.5 |
Tiếp cận vòng đời | |
Thiết kế sinh thái | 1.5 |
Kiểm toán môi trường | 1.5 |
Trong đó: 0: Không có/ Không thông tin; 1: Thấp; 2: Trung bình; 3: Tốt
(Nguồn: Báo cáo nghiên cứu tổng quan hoạt động Sản xuất và Tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Môi trường- Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam )
Bên cạnh đó, các hoạt động như: xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững cũng đã bước đầu được thực hiện, tuy nhiên, trên thực tế, còn ở phạm vi hẹp, đa phần nhờ sự hỗ trợ của các dự án quốc tế như UNEP, UNIDO, DANIDA, EU...
Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như Chương trình cấp nhãn sinh thái (NST) (Bộ TN&MT); Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), NST cho ngành du lịch cũng được triển khai.
Một số nhận định về hiện trạng hoạt động tiêu thụ bền vững
Hoạt động | Đánh giá |
Chứng nhận NST | 1 |
Luật về người tiêu dùng, tiêu chuẩn sản phẩm | 0.5 |
Thông tin về sản phẩm | 0.5 |
Quảng bá tính bền vững | 0 |
Thông tin giáo dục | 0.5 |
Các chương trình truyền thông cộng đồng | 0.5 |
Các chương trình truyền thông cho giới trẻ | 1 |
Các hiệp hội tiêu dùng | 1 |
Quy trình mua sắm bền vững | 0.5 |
Thông tin và nghiên cứu về tiêu dùng bền vững | 0 |
Quản lý tổng hợp chất thải rắn và 3R | 2 |
Trong đó: 0: Không có/ Không thông tin; 1: Thấp; 2: Trung bình; 3: Tốt
(Nguồn: Báo cáo nghiên cứu tổng quan hoạt động Sản xuất và Tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Môi trường- Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam )
Thực tế nước ta hiện nay, tiêu thụ bền vững còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế. Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm gần đây, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Thuận lợi và thách thức
Thuận lợi:
Việc thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu dùng là một hành động đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững và là xu hướng tất yếu của tương lai. Việt Nam về cơ bản đã có những tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững trong thời gian tới.
Về tiềm năng, có thể khẳng định, tiêu thụ bền vững ở Việt Nam hầu như chưa được quan tâm, các sản phẩm sinh thái chưa có chỗ đứng trên thị trường, thói quen tiêu dùng bền vững hầu như chưa được định hướng trong toàn xã hội. Sản xuất bền vững bước đầu được quan tâm thực hiện, nhưng còn hạn chế. Công nghệ sản xuất và trình độ, kỹ năng quản lý sản xuất còn chưa cao, do vậy, còn lãng phí, thất thoát trong sử dụng nguyên nhiên vật liệu.
Theo số liệu khảo sát, đánh giá của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, tiềm năng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong các ngành công nghiệp của Việt Nam còn rất lớn, đây là tiềm năng cho việc áp dụng các giải pháp SXSH.
Tiềm năng trong giảm thiểu nguyên nhiên liệu trong một số ngành sản xuất
Thông số (%) | Ngành Giấy | Ngành Dệt | Ngành Gia công hoàn tất sản phẩm kim khí |
Tỷ lệ xử lý lại | Từ 5-30 Còn 1-15 | Từ 3-25 Còn 1-17 | Từ 0.3-5 Còn 0.15-2 |
Tiêu thụ nước giảm | 8-40 | 5-35 | 15-30 |
Tiêu thụ nguyên liệu giảm | 2-15 | - | - |
Tiêu thụ hóa chất giảm | 2-60 | 2-33 | 5-50 |
Tiêu thụ nhiên liệu giảm | 5-35 | 6-52 | 2-15 |
Tiêu thụ điện giảm | 3-25 | 3-57 | 5-30 |
Giảm lượng nước thải | 5-40 | 5-32 | 10-25 |
Tải lượng ô nhiễm COD | 20-50 | 10-32 | 5-20 |
Tài lượng chất rắn lơ lửng giảm | 20-50 | 15-33 | 5-10 |
Tải lượng kim loại nặng trong nước thải giảm | - | - | 10-30 |
(Nguồn: Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam)
Thách thức:
Bên cạnh những thuận lợi nhất định, việc triển khai hoạt động Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam hiện nay cũng còn nhiều thách thức.
Về mặt cơ sở pháp lý, tuy đã có các quy định khung, nhưng một chính sách cụ thể cho sản xuất và tiêu thụ bền vững vẫn cần được xây dựng và ban hành với các mục tiêu, chỉ tiêu và hành động cụ thể. Bộ tiêu chí đánh giá mức độ bền vững trong sản xuất và tiêu thụ là cơ sở để xác định những hoạt động cụ thể cần triển khai. Các quy định về Sản xuất và tiêu thụ bền vững trong các văn bản còn chung chung, tản mát trong nhiều văn bản khác nhau, chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ mạnh, thể hiện quyết tâm chung của toàn xã hội đối với hoạt động này.
Tài nguyên chưa được lượng giá đúng mức nên cũng chưa tạo được động lực cho tiết kiệm tài nguyên vật liệu.
Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã triển khai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ phát triển hoạt động này.
Về nhận thức, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động Sản xuất và tiêu thụ bền vững còn hạn chế. Do vậy, chưa có sự chủ động trong tiếp cận với các giải pháp Sản xuất và tiêu thụ bền vững. Nhận thức của các cấp có thẩm quyền đã có nhưng chưa được thể hiện cụ thể vào các chính sách. Ngoài ra, mức độ nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cho thấy chưa có sự quan tâm đáng kể đối với việc tiêu dùng và sản xuất các sản phẩm này. Do vậy chưa tạo được động lực cho việc phát triển các sản phẩm xanh. Chương trình cấp NST cho các sản phẩm xanh đã triển khai được 3 năm, tới nay chỉ có 2 sản phẩm được cấp nhãn xanh.
Một số kiến nghị, giải pháp
Để triển khai có hiệu quả hoạt động Sản xuất và tiêu thụ bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần có các chính sách cũng như các hành động cụ thể với mục tiêu: Giảm tiêu dùng nguyên liệu và năng lượng trong toàn bộ hệ thống sản xuất và tiêu dùng bằng cách tăng hiệu quả sử dụng; Thay đổi và tối ưu hóa mẫu hình sản xuất và tiêu dùng nhằm liên tục nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện các mục tiêu trên, Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp: Điều tra, đánh giá cụ thể, xác định thực trạng hoạt động Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam. Từ đó có các chương trình cụ thể, có sự triển khai đồng bộ và tích cực từ các đối tượng khác nhau, các bộ/ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Các nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên: Xây dựng các chính sách cụ thể liên quan đến Sản xuất và tiêu thụ bền vững; Nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng đối với Sản xuất và tiêu thụ bền vững; Tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các công nghệ, dịch vụ và sản phẩm thân thiện môi trường; Cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; Phát triển mua sắm xanh trong đó đặc biệt lưu ý lưu ý đến hoạt động mua sắm công, đây là nội dung rất quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hiệu quả.
Sản xuất và tiêu thụ bền vững được coi là chìa khóa cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không nhất thiết phải hy sinh chất lượng cuộc sống hoặc các yếu tố PTBV. Việc triển khai các hoạt động Sản xuất và tiêu thụ bền vững là một trong những cách ứng phó chủ yếu nhằm BVMT và cải thiện cuộc sống thông qua PTBV. Do vậy, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, công nghiệp chế biến, khai thác tài nguyên chiếm tỷ trọng cao, trình độ công nghệ còn thấp cần có những giải pháp, bước đi cụ thể, tích cực để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, vì sự PTBV của quốc gia.
Nguồn: Tạp chí Môi trường