Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 09:42 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đồng Hới phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững

09/08/2018

Với mục đích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ, TP. Đồng Hới đã đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đầu tư các CCN-TTCN vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do đó, giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN cũng như đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước chưa cao. Chính vì vậy, để các CCN-TTCN phát huy được vai trò, đòi hỏi thành phố phải tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đồng bộ…
Qua trao đổi, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN TP. Đồng Hới cho biết, thành phố được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2015-2020 có 6 CCN, ngoài ra Đồng Hới quy hoạch 3 CCN-TTCN.

Cụm công nghiệp Phú Hải đã đi vào hoạt động, tuy nhiên hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện.
Đến thời điểm này, các CCN-TTCN cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, gồm: Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Phú Hải, Tân Sơn (Đức Ninh), Quang Phú với tổng diện tích 46,53ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86%.
Một số ngành nghề gắn với tiềm năng, lợi thế của từng xã, phường đã hình thành tại các CCN-TTCN. Nhiều CCN-TTCN cũng đã tạo sức hút mạnh mẽ với các dự án đầu tư cũng như giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đã thu hút được 5 doanh nghiệp, nâng tổng số 81 dự án đầu tư tại CCN-TTCN.
Các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.460 tỷ đồng, trong đó các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ uống, chế biến hải sản khô…có sự tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, trong quá trình hình thành và phát triển CCN-TTCN trên địa bàn TP. Đồng Hới, bênh cạnh những thuận lợi là nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư và khiến các CCN-TTCN phát triển  chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Trước hết, các CCN-TTCN vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn. Hiện cả 6 CCN-TTCN chỉ dừng lại ở san lấp tạo mặt bằng (thoát nước mặt), làm đường cấp phối nội bộ, kéo lưới điện.
Trong khi đó, các CCN hoạt động theo Nghị định 68/2017NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN, phải đáp ứng các quy định, như: xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động chung của CCN.
Mặt khác, việc phát triển CCN-TTCN còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức sản xuất, vốn, nhân lực, công nghệ và thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN-TTCN chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ sản xuất có quy mô nhỏ, trình độ, chất lượng lao động hạn chế và chưa áp dụng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.
Đơn cử như, các nhóm nghề chế biến nông, lâm, thủy sản mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu phục vụ cho một bộ phận dân cư, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, chưa có thị trường xuất khẩu…
Một số chủ cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn cũng phản ánh, trên thực tế, thành phố đã có cải cách hành chính, thủ tục theo hướng tạo điều kiện cho nhân dân và nhà đầu tư, nhưng chưa theo hướng nhanh gọn, còn rườm rà, thời gian kéo dài (có khi cả năm) làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Vì vậy, tại các CCN-TTCN đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất trong các CCN-TTCN nhưng chậm đầu tư xây dựng hoặc đã đầu tư xây dựng nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh gây gây lãng phí về đất đai và làm giảm hiệu quả sử dụng đất tại CCN…
Trước những bất cập, hạn chế trên, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới khẳng định, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư phát triển CN-TTCN, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động về phát triển TTCN thành phố và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thành phố giai đoạn 2016-2020.
Đây thực sự là chìa khóa mở ra cánh cửa cho sự phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN, giải quyết việc làm cho lao động với mục tiêu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai, khoáng sản, lao động nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, thành phố đang phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất TTCN đạt 3.370 tỷ đồng; có 50-60 cơ sở được thành lập/năm (trong đó 10-15 doanh nghiệp); hàng năm tạo 500-700 chỗ làm việc mới tại các cơ sở sản xuất có mức thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Để giải bài toán về phát triển CN-TTCN theo kết quả này, TP. Đồng Hới phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
“Thành phố sẽ tăng cường nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và bố trí nguồn ngân sách địa phương để tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN-TTCN đã và đang đầu tư; đồng thời đầu tư mới các CCN-TTCN khác, đáp ứng mặt bằng và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm khai thác hiệu quả đất công nghiệp đã được quy hoạch.
Bên cạnh đó, Đồng Hới chú trọng đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, tín dụng, thuế… trên cơ sở nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thực thi công vụ và hiện đại hóa nền hành chính; bảo đảm tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để thu hút các nhà đầu tư và chủ thể sản xuất kinh doanh…”, ông Hoàng Đình Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thực tế tại các xã, phường cho thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên thường tận dụng mặt bằng nhà ở để làm nơi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nếu vào CCN-TTCN, ngoài việc được hưởng lợi từ hạ tầng kỹ thuật, như: điện, đường..., thì doanh nghiệp phải bỏ vốn để đầu tư thành lập doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị khác và đây chính là vấn đề nan giải.
Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tuyên truyền đổi mới nhận thức về phát triển CCN-TTCN đối với các tầng lớp nhân dân. Xác định việc hình thành các CCN-TTCN ở các địa phương là thực sự cần thiết nhằm quy hoạch các hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Thêm vào đó, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chính là giải pháp hữu hiệu để triển khai “mô hình” đầu tư vốn ít, giải quyết được nhiều lao động, có thể tranh thủ được công nghệ hiện đại, thích hợp và tăng thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường tại CCN Thuận Đức.

Hiện tại, không ít doanh nghiệp ở các CCN-TTCN mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn với công nghệ hiện đại và tạo ra nhiều sản phẩm giá trị, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường.
Tiêu biểu, cụm TTCN Nghĩa Ninh có Nhà máy sản xuất gạch không nung và trạm bê tông của Công ty TNHH XDTH Đức Thắng và Thanh Thiên; Nhà máy sản xuất kính cường lực của Công ty TNHH Quang Hồng Phát; Công ty TNHH gốm sứ Đức Huấn ở CCN Thuận Đức…
Rõ ràng, khuyến khích các cơ sở đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Để phát triển các ngành CN-TTCN trên cơ sở khôi phục các ngành nghề truyền thống và lựa chọn du nhập các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của một thành phố du lịch, Đồng Hới cần quan tâm thực hiện đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất có nhu cầu.
Theo Báo Quảng Bình