Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 00:11 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Khuyến công Tây Ninh: Đồng hành cùng doanh nghiệp

03/08/2018

Không chỉ dành nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn trước mắt, Sở Công Thương Tây Ninh còn sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giúp các đối tượng này có môi trường phát triển thuận lợi, bền vững.
Khuyến công Tây Ninh có nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp, đem lại hiệu quả cho đối tượng thụ hưởng

Doanh nghiệp CNNT tỉnh Tây Ninh hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; năng lực về vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường còn rất hạn chế, trong khi đây lại là lực lượng nòng cốt cho phát triển ngành. Để khuyến khích khu vực DN này phát triển, những năm qua, khuyến công Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ. Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã thực hiện 18 đề án khuyến công, tổng kinh phí thực hiện 2,4 tỷ đồng.
Theo đại diện Sở Công Thương Tây Ninh, nội dung các đề án hỗ trợ khá toàn diện, từ phát triển sản xuất cho đến tìm kiếm thị trường. Riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được khuyến công Tây Ninh ưu tiên nguồn lực triển khai. Nguyên do, đây là hoạt động hỗ trợ trực tiếp, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và bền vững cho đối tượng thụ hưởng.
Trong kế hoạch khuyến công năm 2018, hỗ trợ DN nhỏ và vừa vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện, trung tâm đang tập trung khảo sát nhu cầu của DN nhằm xây dựng các đề án hỗ trợ; tư vấn về thiết bị công nghệ, giúp DN lựa chọn đầu tư đúng hướng; tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, phổ biến sâu rộng hơn chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tới các DN, cơ sở sản xuất CNNT.
Đặc biệt, để phù hợp với thực trạng phát triển của DN và xu hướng thị trường, Sở Công Thương Tây Ninh cũng đã đề xuất và điều chỉnh Chương trình Khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Theo đó, đến năm 2020, khuyến công Tây Ninh phấn đấu có trên120 lượt DN, cơ sở CNNT được hỗ trợ; tạo việc làm cho khoảng 400 - 500 lao động nông thôn; tổ chức 1 kỳ tập huấn sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ 7 cơ sở trong việc đánh giá nhanh một số ngành, nghề về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Tỉnh cũng huy động nguồn lực triển khai 45 dự án chuyển giao công nghệ,ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho các DN, cơ sở CNNT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng thí điểm 1 dự án nhân rộng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ 5 cơ sở xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Trên nền tảng chính sách đã được phê duyệt, trung tâm sẽ chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, giảm thiểu xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ; tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết với các ngành, nghề khác tại địa phương. Huy động đa dạng các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và dịch vụ khuyến công. Nâng cao năng lực thường xuyên đối với cán bộ làm công tác khuyến công thông qua tập huấn, đào tạo. Ưu tiên, hỗ trợ các DN đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. 
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh sẽ mở rộng thời gian hỗ trợ DN CNNT, đáp ứng nhu cầu đầu tư của các cơ sở.
Theo Báo Công Thương