Hội thảo do Cơ quan phát triển thương
mại quốc tế Pháp (UBIFRANCE) phối hợp Bộ Công thương Việt Nam, Đại sứ
quán Pháp tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan môi
trường và kiểm soát năng lượng quốc gia Pháp (ADEME), Nghiệp đoàn Năng
lượng tái tạo Pháp (SER). Đại diện bảy doanh nghiệp lớn của Pháp trong
lĩnh vực năng lượng tái tạo tham gia hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê
Dương Quang và Đại sứ J.N.Poirier đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc chuyển giao
công nghệ năng lượng tái tạo và việc khai thác tiềm năng và thế mạnh
của mỗi bên trong lĩnh vực quan trọng này. Việc tổ chức hội thảo tại Hà
Nội lần này mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác giữa hai nước trong phát
triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế trong
những thập kỷ qua, nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là điện năng trong
giai đoạn 20-30 năm tới là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng
lượng ngày càng cao trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải
đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần
nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động với xu hướng tăng
cao, phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới... việc xem xét
khai thác nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về
kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Vì vậy,
Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo: “Phấn
đấu đến năm 2020, tổng công suất điện gió đạt khoảng 1.000 MW, điện
sinh khối khoảng 500 MW. Đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt
khoảng 6.200 MW, điện sinh khối khoảng 2.000 MW. Điện năng sản xuất từ
nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030,
điện sinh khối chiếm tỷ trọng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030”.
Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh, với vị trí địa lý, khí hậu và đặc
thù của nước nông nghiệp tạo cho Việt Nam có tiềm năng dồi dào và khá
đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng như:
thủy điện, sinh khối, gió, mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...
Về thủy điện nhỏ, khoảng 1.000 địa điểm được đánh giá có tiềm năng kỹ
thuật với tổng công suất khoảng hơn 7.000 MW. Về năng lượng gió, Việt
Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió khá tốt (tiềm
năng năng lượng gió từ 7.000 MW đến hơn 8.700MW).
Việt Nam cũng được đánh giá có tiềm năng về nguồn năng lượng sinh khối
(tổng tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối cho sản xuất nhiệt và điện
từ các nguồn trên ước khoảng 170 triệu tấn, và có thể khai thác được từ
1.600-2.600 MW điện). Về năng lượng mặt trời, với tổng lượng bức xạ
trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 lượng mặt trời, có thể khai thác cho các sử dụng như đun nước nóng, phát điện; và các dạng ứng dụng cho sấy, đun nấu...
Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo ở
Việt Nam mới chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2013,
nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác cho sản xuất điện
chiếm tỷ lệ 6,3% tổng nguồn điện toàn hệ thống với trong hệ thống với
tổng công suất lắp đặt khoảng 3.990MW. Trong đó, chủ yếu là thủy điện
nhỏ chiếm khoảng 3.770MW, điện gió 52MW, điện sinh khối 150MW, năng
lượng tái tạo khác 18MW.
Thời gian qua, việc hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực năng
lượng có bước phát triển đáng ghi nhận. Pháp là quốc gia có thế mạnh về
công nghệ, có tiềm lực về tài chính để phát triển năng lượng tái tạo,
nhất là về điện gió và điện mặt trời.
Hội thảo lần này giúp các doanh nghiệp, các cơ quan xây dựng chính
sách, các đối tác Pháp và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về các cơ chế,
chính sách phát triển năng lượng tái tạo, từ đó tìm cơ hội đầu tư,
chuyển giao công nghệ, phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt
Nam.