Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:36 GMT+7

Tin hoạt động

Giải pháp sản xuất sạch hơn: 8 "giải pháp vàng" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

24/07/2015

Hưởng ứng xu thế chung của thế giới

Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch từ những năm 1985-1990 đã áp dụng SXSH. Các nước ở châu Á và Đông Âu như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Ba Lan, Tiệp, Hungari… từ năm 1993 trở lại đây.

Khái niệm SXSH vào Việt Nam bắt đầu từ những năm 1996 qua dự án của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP). Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO, năm 1998 Việt Nam đã thành lập Trung tâm SXSH Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Trung tâm này đã có những hoạt động thúc đẩy, quảng bá SXSH trong công nghiệp ở Việt Nam như: Đào tạo các chuyên gia tư vấn về SXSH, đưa SXSH vào chương trình đào tạo của một số trường đại học, tiến hành trình diễn đánh giá SXSH tại một số cơ sở sản xuất thuộc nhiều ngành công nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ về SXSH cho các cán bộ kỹ thuật.

Từ năm 2000, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH, tham gia trong dự án “Những chiến lược và cơ chế khuyến khích đầu tư SXSH tại các nước đang phát triển” của UNEP, là đầu mối tổ chức hợp phần “Quá trình đầu tư cho SXSH” của dự án này. Bộ đã tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ chủ chốt ngành công nghiệp trong cả nước về SXSH, cách lập dự án đầu tư và khai thác nguồn vốn. Một số cơ quan khoa học trong bộ đã tổ chức nghiên cứu và tham gia các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin, điều tra, khảo sát tiềm năng SXSH của một số cơ sở sản xuất công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), SXSH được định nghĩa là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Đối với quá trình sản xuất: SXSH bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại; giảm về lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải; Đối với sản phẩm: SXSH bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ; Đối với dịch vụ: SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển dịch vụ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng đến hiệu quả năng lượng

Theo xu thế chung của thế giới, các DN công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Mới đây, vào sáng 5-6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Chính sách năng lượng và việc sử dụng năng lượng tiết kiệm tại DNVVN”. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công - CIEM cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, tốc độ sử dụng năng lượng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Khi giá điện tăng, giá xăng ở mức cao, các DN buộc phải tăng chi phí sản xuất/dịch vụ.

Các DNVVN chiếm đến 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Một số lĩnh vực như gạch, gốm và chế biến thực phẩm, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở mức tương đối cao, trên 30%. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực như sản xuất xi măng và nông nghiệp, tiềm năng này ở mức trên 50%.

Để khắc phục tình trạng này, các DNVVN cần đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng Thư ký Hội DN trẻ Hà Nội cho biết, năng lượng là một trong những cấu phần hình thành nên giá thành sản phẩm. Vì vậy, các DN cần có phương án sử dụng năng lượng hợp lý để giảm giá thành sản phẩm, giúp DN tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia SXSH đã khẳng định SXSH chính là cơ hội, là giải pháp của các DN vừa và nhỏ mang lại lợi ích kinh tế cho cơ sở sản xuất, đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường. Với “8 cơ hội vàng”: Một là, SXSH làm giảm giá thành sản phẩm thông qua: Nâng cao hiệu quả sản xuất và nguồn lực; giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nước và năng lượng đầu vào; tận dụng được các sản phẩm phụ; Hai là, giảm chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh vì DN chú trọng đến phòng ngừa ô nhiễm hơn là khắc phục ô nhiễm; Ba là, thực hiện tốt hơn các yêu cầu pháp lý về môi trường; Bốn là, tăng cường ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động; Năm là, cải thiện hình ảnh của DN về trách nhiệm xã hội và tuân thủ luật pháp. Giúp DN tạo dựng sự tin tưởng đối với các bên liên quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà quản lý, địa phương...) trên các lĩnh vực; Sáu là, tạo ra các cơ hội thị trường mới và hấp dẫn; Bảy là, SXSH còn gắn liền với: Hệ thống quản lý môi trường, Quản lý chất lượng tổng hợp, Quản lý sức khỏe và an toàn và Tám, cũng là lợi ích lớn nhất trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đó là thị trường quốc tế không chỉ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm mà còn là đòi hỏi về khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội của DN. Chính vì vậy, SXSH là công cụ hữu hiệu cho DN nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn và uy tín hơn.

Rõ ràng, qua thực tế phát triển công nghiệp nói chung, ở Bình Dương nói riêng, việc tham gia áp dụng và thực hiện SXSH sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN đặc biệt là DNVVN một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, DN công nghiệp còn nhận được chính sách ưu đãi tài chính của Nhà nước và sự ưu tiên chọn lựa của những khách hàng khó tính.