Doanh nghiệp Bình Dương thực hiện chương trình "Sản xuất sạch hơn": Biến giấc mơ “sản xuất sạch” ở Bình Dương thành hiện thực!
Thực tế ÔNMT
Theo tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) SXSH là việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cơ sở SXCN. Việc áp dụng SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh đã được triển khai từ cuối năm 2010, do Hợp phần SXSH trong CN - CPI (Bộ Công thương) tài trợ. Các hoạt động được triển khai bao gồm tổ chức hội thảo, tập huấn và đánh giá nhanh SXSH cho các cơ sở sản xuất. Gồm các vấn đề hiện trạng phát triển CN, các vấn đề về môi trường CN và tiềm năng áp dụng SXSH tại tỉnh Bình Dương.
Nhờ vậy, việc áp dụng SXSH trong các cơ sở SXCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Trong số đó có 96% KCN đi vào hoạt động, đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ÔNMT. Tuy nhiên, số lượng DN ở Bình Dương thực hiện việc áp dụng SXSH vẫn còn hạn chế, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả đạt được chưa cao. Hiện chất lượng các thành phần môi trường chưa được cải thiện rõ rệt, tình trạng ÔNMT vẫn còn xảy ra ở một số nơi trong vùng phát triển CN và đô thị hóa nhanh. Bên cạnh đó, do tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn còn thiếu đồng bộ và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng mức độ ô nhiễm báo động.
Sự vào cuộc của các ngành chức năng...
Để bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã có Quyết định số 366/QĐ-UBND ngày 15-2-2012 về việc ban hành Kế hoạch SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015: 50% cơ sở SXCN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN. 25% cơ sở SXCN có tiềm năng áp dụng SXSH và những cơ sở này tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm. 25% cơ sở SXCN có nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý năng lượng, kiêm nhiệm về SXSH. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các DN: “Triển khai áp dụng các giải pháp SXSH trong CN, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các DN tiến hành rà soát lại một số khâu có liên quan đến các giải pháp SXSH tại DN mình, tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất. Bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khâu nguyên nhiên liệu đầu vào, sản phẩm, sản lượng, mức tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra. Tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác. Cải tiến công nghệ, thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất. Thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ”.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương Bình Dương cho biết: “Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển CN Bình Dương đã xây dựng kế hoạch chi tiết SXSH trên địa bàn phân kỳ theo từng năm gửi các sở, ngành liên quan góp ý hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới, tiến tới xây dựng mô hình SXSH trong CN tại địa phương, sau đó khảo sát đánh giá và nhân rộng điển hình…”.
Ngoài Sở Công thương đóng vai trò chính, Trung tâm Khuyến công chuyên trách tư vấn chương trình SXSH, theo kế hoạch này của UBND tỉnh, các sở ban ngành, địa phương, tùy theo lĩnh vực chuyên môn của mình, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu CN, Ban Quản lý Khu CN VSIP, đài, báo, UBND huyện, thị, thành phố đều “vào cuộc” để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên của chương trình SXSH. Về kinh phí, bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn viện trợ, các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác, hàng năm, Sở Công thương xây dựng kinh phí thực hiện kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét quyết định, phân bổ.
...và doanh nghiệp
Đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, song vai trò quyết định trong lộ trình SXSH vẫn là các DN. Thời gian qua, đã có nhiều DN đi đầu trong việc đầu tư công nghệ mới, áp dụng quy trình SXSH.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Gạch ngói cao cấp M&C ở Tân Uyên: “Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện SXSH. Trước đây chúng tôi đốt lò bằng than đá. Do có lưu huỳnh nên phát thải khí CO2, không tốt cho môi trường. Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, chúng tôi đã thay thế thành công với công nghệ đốt lò nung gạch bằng trấu. Vừa làm trong lành môi trường, vừa tận dụng được phế phẩm của cây lúa, vừa giúp bà con nông dân có thu nhập”.
Ông Mai Văn Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Vật liệu và Xây dựng Bình Dương lãnh đạo Công ty FICO, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chú trọng đầu tư cho công tác BVMT trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm. Như trồng cây, phun nước giảm bụi khu vực mỏ, tưới đường và cả tu sửa, làm đường giao thông…”.
Trên lộ trình thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược quốc gia về SXSH trong CN ở Bình Dương đến năm 2020, việc áp dụng SXSH trong CN thời gian qua đã mang lại lợi ích kinh tế cho DN và góp phần giải quyết vấn đề ÔNMT. Thời gian tới, cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành, cộng đồng DN cần “lột xác”, tái cơ cấu, vừa để SXSH, bảo vệ môi trường, vừa tăng lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế thế giới. Phấn đấu nhằm biến giấc mơ “sản xuất sạch” ở Bình Dương thành hiện thực, tiến tới xây dựng một quê hương Bình Dương giàu đẹp, phát triển bền vững.