Đến nay, các dự án đã đào tạo được 180 cán bộ chuyên sâu về SXSH, 16.000 người là các cán bộ doanh nghiệp tham gia dự án, 10 thạc sỹ khoa học, 200 giảng viên dạy môn SXSH ở các trường đại học, hình thành một mạng lưới chuyên gia SXSH.
Tuy nhiên, số người đã được đào tạo cho hoạt động SXSH là một con số nhỏ do thị trường dịch vụ về lĩnh vực này chưa phát triển. Để thực hiện mục tiêu dài hạn, VNCPC đã tích cực hỗ trợ các trường đại học đưa nội dung sản xuất sạch vào chương trình đào tạo và đến nay đã có 20 trường đưa môn học này vào giảng dạy.
Theo PGS. TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): “Hiện nay, việc xúc tiến SXSH chủ yếu thông qua hoạt động của các dự án do quốc tế tài trợ. Thông qua những chương trình hỗ trợ này, các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, đồng thời nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường cũng như làm tốt trách nhiệm xã hội, đổi mới sản phẩm bền vững. Điều này cho thấy SXSH hoàn toàn được áp dụng thành công vào các doanh nghiệp, đây là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nền công nghiệp xanh ở nước ta. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay là xây dựng đủ nguồn nhân lực, có năng lực cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thì mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn đến năm 2020 mới đạt được”.
Một khó khăn đặt ra hiện nay đó là các học viên chưa quan tâm đến lĩnh vực SXSH, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của SXSH. Do vậy, trước hết các cơ sở đào tạo cần làm cho học viên hiểu đúng bản chất và thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của khái niệm SXSH để tiếp cận và có bước đi đúng nhằm khơi nguồn sáng tạo, tạo động lực và ý chí quyết tâm cho doanh nghiệp đi theo Chiến lược SXSH.
Kinh nghiệm mà VNCPC đưa ra đối với đào tạo chuyên gia tư vấn là áp dụng tiếp cận theo ngành và đào tạo theo module, kết hợp xen kẽ giữa đào tạo tập trung theo lớp và thực hành tại doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Việc đào tạo cho cán bộ của doanh nghiệp được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc” kết hợp với giới thiệu cơ sở lý thuyết và cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức về SXSH.
Bên cạnh đó, cần chọn đối tượng đào tạo phù hợp với mục đích của chương trình cũng như hỗ trợ học viên nâng cao kiến thức và kỹ năng thông qua việc cập nhật hoặc bổ sung kiến thức liên quan đến SXSH như sử dụng năng lượng hiệu quả, hệ thống quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội, sản xuất và tiêu dùng bền vững… Áp dụng cơ chế khuyến khích tài chính đối với các học viên thông qua tài trợ thực hiện đề tài khoa học, công nghệ hoặc nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường hay khuyến công.