Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:37 GMT+7

Tin hoạt động

Nguyên liệu mới cho ngành dệt may

01/11/2010

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. Để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như ngay tại "sân nhà", đòi hỏi các DN dệt may phải thường xuyên tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn các DN dệt may đang gặp phải là thiếu nguồn nguyên liệu. Việc phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu trong khi sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công đã khiến cho giá trị gia tăng của ngành dệt may không cao. Đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu, đồng thời tìm ra những nguồn nguyên liệu mới có những tính năng ưu việt, có khả năng sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao là điều hết sức quan trọng nhằm nâng cao lợi nhuận và sức cạnh tranh cho các DN dệt may.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thế kỷ XXI được coi là thế kỷ bùng nổ của các loại xơ sợi hóa học. Hiện nay, xơ sợi hóa học chiếm khoảng 55% tổng sản lượng xơ dệt sản xuất trên thế giới. Nhận thức được xu thế chung của thế giới và nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào hơn cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong tình trạng những nguồn nguyên liệu truyền thống chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu, Viện Dệt may – Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu hai đề tài cấp Bộ là "Nghiên cứu ứng dụng một số nguyên liệu dệt mới trong sản xuất vải may mặc" và "Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu Lyocell để sản xuất mặt hàng dệt kim". Theo đó, hai đề tài đã có những nghiên cứu cơ bản về quá trình sản xuất và tiến hành đưa vào ứng dụng những loại xơ sợi nhân tạo như xơ sợi tre, lyocell, xơ sợi từ đậu nành.

Điểm đặc biệt khiến cho những sản phẩm xơ sợi này được ưu tiên nghiên cứu để đưa vào sử dụng là do nguyên liệu để sản xuất những loại xơ sợi hóa học này khá quen thuộc với một nước nông nghiệp như nước ta. Bên cạnh đó, đây là những loại xơ nhân tạo có nguồn gốc từ xenlulo và protein, có nhiều tính chất ưu việt. Cụ thể, xơ tre có độ thoáng khí cao, hút ẩm tốt, ít nhàu, hợp vệ sinh và đặc biệt là có khả năng kháng khuẩn, chống tia tử ngoại mà không cần bất cứ xử lý hóa chất nào. Từ nguyên liệu xơ tre có thể sản xuất ra các sản phẩm như khăn tắm, bít tất và vải dệt kim. Tương tự như xơ tre, xơ lyocell cũng có nhiều tính năng ưu việt như có độ co thấp khi giặt giũ, có độ bóng và mềm mại… Xơ lyocell được ứng dụng nhiều để dệt các loại vải dệt thoi (may áo sơ mi) và vải dệt kim. Còn xơ sợi đậu nành lại có khả năng truyền dẫn ẩm tốt, có tính chống nhàu, dễ giặt và nhanh khô, có khả năng kháng khuẩn và có độ bóng cao. Xơ sợi đậu nành được ứng dụng cho vải dệt thoi (dùng may áo sơ mi) và vải dệt kim.

Không chỉ nghiên cứu quy trình sản xuất, những nguồn nguyên liệu này còn được nghiên cứu quy trình công nghệ nhuộm, xử lý hoàn tất và triển khai dệt thử cho các mặt hàng may mặc phù hợp với những trang thiết bị sẵn có của một số công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Cho đến nay, việc sử dụng xơ sợi nhân tạo mới có nguồn gốc từ xenlulo và protein để sản xuất các sản phẩm dệt may đã khẳng định khả năng làm tăng tính ưu việt của sản phẩm mà không cần phải xử lý bằng bất kỳ một loại hóa chất nào. Đồng thời, sản phẩm cũng khẳng định khả năng kháng khuẩn, kháng tia UV, hút ẩm tốt, độ bóng cao và mềm mại. Đồng thời, các nguyên liệu này hoàn toàn thân thiện với môi trường. Sản xuất các mặt hàng này cũng không gặp khó khăn lớn do có thể sử dụng trang thiết bị sẵn có của các DN dệt may Việt Nam.

Sử dụng sợi hóa học được cho là một trong những cứu cánh trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hiện nay của các DN dệt may Việt Nam./.