Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 23:24 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất giấy từ chất thải dư thừa nông nghiệp

09/10/2013

Tận dụng chất thải dư thừa từ nông nghiệp
 
Công nghiệp giấy Việt Nam (CNGVN) có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân mặc dù quy mô của nó vẫn còn nhỏ bé so với khu vực và thế giới. Theo thống kê năm 1995 sản xuất CNGVN đạt giá trị 572 tỷ VNĐ, chiếm 2,34% tổng giá trị công nghiệp cả nước và đứng hàng thứ 10 trong ngành công nghiệp.
 
Nói chung, công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của Việt Nam là một ngành quan trọng trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, cung cấp sản phẩm thiết yếu phục vụ phát triển giáo dục, văn hóa xã hội,…
 
Tuy nhiên, nguyên liệu chính để sản xuất bột giấy hiện nay là gỗ và một phần nhỏ từ tre, nứa,.. .phải mất nhiều thời gian để nguyên liệu phát triển được. Việc sử dụng gỗ chế biến làm bột giấy ảnh hưởng phần nào đến tài nguyên rừng nước ta. Bên cạnh đó, phải kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái do công nghệ sản xuất giấy hiện nay đang sử dụng khá nhiều hóa chất và nước.
 
Với diện tích gần 4 triệu ha đất trồng lúa tại Việt Nam như hiện nay, chúng ta mới chủ yếu tận thu được sản phẩm chính là hạt gạo. Nhiều năm về trước thì người dân còn dùng rơm, rạ làm đồ nấu nướng nhưng nhiều năm trở lại đây người nông dân thường bỏ phí rơm rạ không những gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Số rơm rạ thải ra môi trường hàng năm ước tính lên tới 76 triệu tấn. Xuất phát từ thực tế đó, ông Nguyễn Phúc Thanh, 79 tuổi, ở Hà Nội đã nảy sinh ý tưởng sản xuất giấy từ bèo tây. Vốn là người có lòng say mê nghiên cứu nên khi nhận thấy sản xuất giấy từ bèo tây năng suất thấp nên ông đã nghĩ ra phương án sản xuất bột giấy từ rơm rạ.
 
Giải pháp hữu ích
 
Không những tìm ra nguyên liệu mới mà ông Thanh còn đưa ra một phương pháp mới để làm bột giấy. Ông Thanh cho biết, bản chất kỹ thuật của phương pháp này căn cứ vào cấu tử chính của tế bào thực vật tồn tại dưới dạng tổ hợp chất phức tạp, trong đó các chất hóa học xâm nhập vào nhau bằng liên kết hóa học và liên kết hydro.
 
Các hóa chất và Natri Hydro, Axit Clohydric được dùng trong giai đoạn nghiền thô để làm phân rã tổ hợp vào các tế bào rơm rạ và phân chia đại phân tử ligin thành phần nhỏ có thể hòa tan được vào dung môi.
 
Còn trong công đoạn làm trắng, các hóa chất khác như canxi hydroxit và hydroperoxit sử dụng kết hợp với các chất màu và ligin trong rơm rạ, ngăn không cho các phân tử ligin kết hợp lại với nhau đồng thời làm trắng bột giấy.
 
Công đoạn sản xuất giấy bao gồm chuẩn bị nguyên liệu để nghiền thô, ngâm rơm rạ trong dung dịch tẩy trắng. Sau đó đưa vào máy nghiền xay vụn. Rồi đến bước nghiền tinh thì trộn dung dịch tẩy trắng lần hai cho máy khuấy, khuấy đều và ngâm trong hai tiếng để được lớp chất kết dính trắng mịn. Lọc bỏ nước để lấy bột giấy. Cuối cùng là quét bột giấy lên khung rồi đem đi phơi nắng.
 
Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ của ông Thanh dễ thực hiện, không đòi hỏi phải có công đoạn xử lý nguyên liệu ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao, lượng hóa chất tiêu thụ ít, lại thông dụng, rẻ và không độc hại.
 
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất do không có quá trình nấu nên vừa tiết kiệm được năng lượng lại không sinh ra khí CO2. Nước thải ra sau từng công đoạn đảm bảo độ an toàn, có thể xử lý để tái sử dụng hoặc chuyển ra hồ sinh thái nếu còn dư thừa mà lại không gây ô nhiễm môi trường.

Với những kết quả này, sản phẩm của ông Thanh đã được Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam – Bộ KH&CN cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên là “Phương pháp sản xuất bột giấy” từ rơm rạ. Ông Thanh chia sẻ, ông luôn ấp ủ mong muốn sớm có thể thay đổi và đẩy mạnh sự phát triển ngành sản xuất giấy Việt Nam.