Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 15/05/2025 | 11:46 GMT+7

Tin hoạt động

Đẩy mạnh mô hình khu công nghiệp sinh thái phía Nam

15/05/2025

Phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang trở thành một chiến lược cấp thiết, giúp các tỉnh phía Nam ứng phó thách thức môi trường, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư chất lượng cao.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – KCN) tại TP. Hồ Chí Minh đã đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, mô hình công nghiệp truyền thống đang dần bộc lộ nhiều bất cập trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững. Trước thực tế đó, TP. Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) là hướng đi tất yếu, phù hợp với cam kết quốc gia về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thành phố đã lựa chọn năm KCX, KCN thế hệ cũ gồm: KCX Tân Thuận, KCN Cát Lái, Bình Chiểu, Tân Bình và Hiệp Phước để từng bước triển khai chuyển đổi. Trong đó, KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được chọn làm điểm khởi đầu trong dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo tiếp cận chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) hỗ trợ. Sau hơn ba năm thực hiện, khoảng 40 doanh nghiệp tại đây đã tham gia quá trình chuyển đổi, đem lại nhiều kết quả khả quan: tiết kiệm hơn 6.800 MWh điện mỗi năm, giảm gần 5.820 tấn CO₂ phát thải và tỷ lệ đáp ứng các tiêu chí EIP tăng từ 44% lên 76%.
Nhiều tỉnh thành phía Nam đang nỗ lực đẩy mạnh KCN sinh thái (Ảnh: cafeland)
Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đã bắt đầu triển khai mô hình KCN sinh thái. Là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam, tỉnh Bình Dương hiện có 28 KCN đang hoạt động với hệ thống xử lý nước thải tập trung và quan trắc tự động. Tỉnh này đã xác định ba KCN trọng điểm để triển khai mô hình EIP gồm Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng và Cây Trường. Tổng Công ty Becamex IDC, đơn vị phát triển hạ tầng lớn nhất tỉnh đang tiên phong xây dựng KCN sinh thái tại huyện Bàu Bàng với kỳ vọng đây sẽ là hình mẫu lan tỏa trong tương lai.
Theo đánh giá, việc chuyển đổi sang KCN sinh thái không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu môi trường trong nước mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Bùi Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết : các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, mức phát thải trong chuỗi sản xuất. Do đó, việc phát triển các KCN theo hướng sinh thái sẽ tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Từ góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Vân Trang – Trưởng nhóm Đông Nam Á của Trung tâm Climateworks (ĐH Monash, Úc) đánh giá TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước ngưỡng cửa quyết định. Nếu không thực hiện chuyển đổi kịp thời, nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh và áp lực môi trường sẽ ngày càng gia tăng. Để quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả, cần có hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, bao gồm chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng xanh, cũng như chương trình đào tạo nhân lực chuyên môn phục vụ vận hành, giám sát môi trường.
Bên cạnh đó, việc thiết lập các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp – chính quyền – viện nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả tài nguyên và xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp bền vững. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về KCN sinh thái phù hợp điều kiện thực tiễn, đồng thời tăng cường truyền thông để doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích lâu dài của việc chuyển đổi.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: nếu không thay đổi mô hình công nghiệp, thành phố sẽ khó vượt qua các thách thức về dân số, môi trường và phát triển. Thành phố đang tích cực xây dựng đề án chuyển đổi một số KCX – KCN theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái sử dụng chất thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và thu hút đầu tư chất lượng cao, qua đó từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ theo hướng giảm phát thải và phát triển bền vững, khu công nghiệp sinh thái không còn là một mô hình thử nghiệm, mà đã trở thành định hướng chiến lược quốc gia. Đây chính là lời đáp cho yêu cầu kép: vừa bảo vệ môi trường, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Với sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, cùng quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, khu công nghiệp sinh thái có thể trở thành nền tảng quan trọng đưa Việt Nam vững vàng tiến bước trong hành trình xanh hóa nền kinh tế.
Minh Phúc