Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 05/01/2025 | 05:14 GMT+7

Tin hoạt động

Chính thức thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm điện, điện tử

02/01/2025

0:00
0:00
Từ ngày 01/01/2025 các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sản phẩm điện - điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định (Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020)
Sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã  theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện, điện tử như điện thoại di động, tivi, máy tính và các thiết bị gia dụng điện tử ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng dẫn đến một lượng lớn chất thải điện tử, gây áp lực lớn lên môi trường và sức khỏe con người. 
Chất thải điện tử (hay còn gọi là e-waste) bao gồm các sản phẩm điện, điện tử đã hết hạn sử dụng hoặc hỏng hóc, không còn giá trị sử dụng. Những sản phẩm này chứa nhiều chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, và các kim loại nặng khác. Khi được xử lý không đúng cách, chúng có thể rò rỉ ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với chúng trong quá trình thu gom và xử lý.
Chất thải điện tử không chỉ là mối đe dọa đối với môi trường mà còn là một thách thức lớn đối với các chính sách quản lý chất thải, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm điện tử ngày càng gia tăng.
Rác thải điện tử có nguy cơ tăng mạnh vì sự bùng nổ của công nghệ (Ảnh: Báo Thanh niên)
Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, đã quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và xử lý chất thải điện tử. Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu điện - điện tử được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm theo hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Trong trường hợp lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, nhà sản xuất, nhập khẩu điện - điện tử có thể chọn phương án tự thực hiện tái chế, hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; hoặc kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.
Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm. Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Ngoài ra, theo Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã chỉ rõ, nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với các sản phẩm: Tủ lạnh, tủ đông, máy bán hàng tự động, điều hòa không khí, máy tính bảng, máy tính xách tay, tivi, màn hình máy tính, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, bếp điện, máy giặt, máy sấy, máy ảnh, thiết bị âm thanh, máy tính để bàn, máy in, điện thoại di động, tấm quang năng.
Các trường hợp không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao gồm: Sản phẩm xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm không vì mục đích thương mại.
Nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải tuân thủ tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Tỷ lệ tái chế là phần trăm sản phẩm phải được tái chế so với tổng sản phẩm sản xuất và nhập khẩu trong năm. Quy cách tái chế xác định các phương pháp tái chế và yêu cầu về vật liệu thu hồi.
Cụ thể, tủ lạnh, tủ đông, điều hòa không khí có tỷ lệ tái chế là 5% trong 3 năm đầu. Các phương pháp tái chế có thể bao gồm thu hồi và tái sử dụng linh kiện, sản xuất thanh, phôi kim loại, hoặc tái chế nhựa và hóa chất; Máy tính bảng, máy tính xách tay tỷ lệ tái chế là 9%, với các phương pháp tương tự như trên; Tivi và màn hình máy tính tỷ lệ tái chế là 7%; Bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang tỷ lệ tái chế là 8%, có thể tái chế thủy tinh, kim loại hoặc sản phẩm tái chế khác.
Việc tái chế sản phẩm điện, điện tử là một nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xử lý chất thải điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết. Một trong những vấn đề lớn là nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tái chế chưa cao. Nhiều người vẫn còn thờ ơ với việc thu gom, tái chế chất thải điện tử.
Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tác hại của chất thải điện tử và lợi ích của việc tái chế. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và xử lý chất thải điện tử một cách hiệu quả.
Minh Khuê