Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:48 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Nhật Bản đặt mục tiêu tái chế 500.000 tấn rác thải điện tử vào năm 2030

04/06/2024

Nhằm ngăn chặn việc vận chuyển đồng và các tài nguyên kim loại khác ra nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để thành lập khoảng 10 trung tâm tái chế rác thải điện tử với mục tiêu mới là tái chế 500.000 tấn rác thải điện tử vào năm 2030.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư 30 tỷ yên (191 triệu USD) trong 3 năm để xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài Mitsubishi Materials, JX Advanced Metals và Hanwa có thể sẽ tham gia sáng kiến này. Dự kiến nội các sẽ thông qua kế hoạch sớm nhất là trong tháng này.
Rác thải điện tử. Ảnh TTXVN
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu mới là tái chế 500.000 tấn rác thải điện tử vào năm 2030, tăng 50% so với năm 2020, đồng thời xem xét thành lập một hội đồng cấp bộ để thực hiện mục tiêu này.
Nhu cầu về những kim loại điện tử dự kiến sẽ tăng lên khi thế giới chuyển sang nền kinh tế khử carbon và đẩy mạnh công nghệ số. Đồng được sử dụng trong các điện cực của tấm pin mặt trời, dây cáp cho các trang trại gió ngoài khơi và xe điện. Các kim loại như lithium, nickel và cobalt được sử dụng trong pin xe điện.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu phế liệu đồng đạt tổng cộng 402.887 tấn vào năm 2023, tăng 10% so với năm trước đó và vượt ngưỡng 400.000 tấn lần đầu tiên sau 14 năm.
Bên cạnh đó, theo quy định được Thống đốc Tokyo thông qua, tất cả các ngôi nhà mới ở Tokyo được xây dựng sau tháng 4/2025 sẽ phải lắp đặt các tấm pin mặt trời để cắt giảm lượng khí thải carbon của các hộ gia đình. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời ngày càng tăng cao.
Tại Nhật Bản, những tấm pin sau khi hết hạn sử dụng sẽ được đưa vào nhà máy, với một công nghệ mới thì nhà máy có thể tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời với tỷ lệ lên tới 95%.
Nhật Bản là nước tái chế hàng đầu trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tái sử dụng khoảng 350.000 tấn vào năm 2020. Trong số này, phế liệu điện tử nhập khẩu chiếm khoảng 40%.
Bắt đầu từ năm 2025, Công ước Basel, quy định việc buôn bán chất thải sẽ được sửa đổi để thắt chặt các quy định xuất khẩu chất thải điện tử. Nhập khẩu vào Nhật Bản dự kiến sẽ giảm làm tăng nhu cầu đảm bảo nguồn lực trong nước.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu đồng toàn cầu dự kiến sẽ đạt 30 triệu tấn vào năm 2030 nếu thế giới đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Hương Linh