Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:13 GMT+7

Tin hoạt động

Quảng Ninh: Thêm lực cho hoạt động khuyến công

08/02/2017

Nhiều khó khăn

Năm 2016, tổng kinh phí dành cho khuyến công Quảng Ninh là 2,2 tỷ đồng, trong đó nguồn khuyến công quốc gia 1,22 tỷ đồng để triển khai 4 đề án; khuyến công địa phương 1 tỷ đồng, triển khai 12 đề án. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành và đạt hiệu quả cao các đề án được giao. Hiện một số đề án đã đi vào sản xuất ổn định, như: Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ khai thác mỏ và giao thông; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm Linh Chi…

Theo ông Phạm Quang Thái - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - nguồn kinh phí khuyến công tuy không nhiều nhưng đã khuyến khích được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai công tác khuyến công vẫn gặp một số trở ngại, trong đó đội ngũ làm công tác khuyến công cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, khuyến công viên cấp xã chưa được hình thành đã ảnh hưởng tới hiệu quả công tác khuyến công.

Quảng Ninh đang thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giảm bộ máy biên chế”, trong đó các đơn vị sự nghiệp phải dần tự chủ kinh phí hoạt động và thực hiện cơ chế đặt hàng với UBND tỉnh. Theo đó, năm 2015 và 2016 trung tâm chỉ được cấp 50% kinh phí chi thường xuyên. Năm 2017, trung tâm phải tự chủ 100% kinh phí, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của cán bộ, nhân viên.

Tiếp sức

Để tháo gỡ một phần vướng mắc còn tồn tại, đặc biệt để gỡ nút thắt về nhân lực, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và tăng cường năng lực trung tâm.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán hàng năm thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh. Đề xuất kiến nghị với Cục Công nghiệp địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công và tăng cường năng lực trung tâm.

Căn cứ Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, các sở, ban, ngành, hiệp hội… xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, tập trung vào một số nội dung: Truyền nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Theo đó trong 4 năm tới, khuyến công Quảng Ninh lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn tiềm năng làm nòng cốt để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ thiết bị, xử lý ô nhiễm môi trường; tạo việc làm cho khoảng 1.500 - 2.000 lao động nông thôn.

Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh cũng đề nghị: Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xem xét và ban hành danh mục, định mức kỹ thuật đề án/nhiệm vụ khuyến công nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đối với các địa phương có ít sản phẩm, hội đồng bình chọn cấp tỉnh được lựa chọn sản phẩm đạt giải tại Hội chợ Công nghiệp -Thương mại, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật… ở địa phương để tham gia.

Trong 3 năm gần đây, kinh phí cho công tác khuyến công của Quảng Ninh, nhất là khuyến công địa phương ngày một giảm khiến một số nội dung của chương trình chưa được triển khai, sức hút từ nguồn vốn hỗ trợ không cao.