Để đổi mới công nghệ, thiết bị (do Liên Xô cũ giúp đỡ) từ những thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhiều thế hệ lãnh đạo của LAS đã tập trung trí tuệ, nguồn lực, từng bước cải tạo môi trường, khắc phục những tồn tại do lịch sử để lại. Đến nay, hầu hết các dự án đầu tư và các đề tài khoa học kỹ thuật đều nhằm giải quyết vấn đề môi trường.
Đơn cử, giai đoạn 1996-1997, công ty đã đầu tư cải tạo đổi mới công nghệ công đoạn sấy khí dây chuyền Axit số 1 (trên 12 tỷ đồng); đổi mới công nghệ, thiết bị các công đoạn tiếp xúc, hấp thụ và xử lý khí thải dây chuyền Axit 1 (gần 30 tỷ đồng); dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch…
Đến năm 1998, Công ty tiếp tục đầu tư cải tạo công nghệ dây chuyền Axit 1 công suất 80.000 tấn H2SO4/năm, thay thế 6 lò BXZ đốt quặng pyrit bằng 1 lò đốt lưu huỳnh sạch (công nghệ và thiết bị của Ba Lan), đã loại bỏ được chất thải rắn công nghiệp là xỉ pyrit ra môi trường.
Những năm sau đó, LAS cũng xây dựng thêm dây chuyền sản xuất Axít số 3, công suất 40.000 tấn/năm (năm 2001). Đến năm 2003, dự án đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất Axít số 2 công suất 120.000 tấn/năm từ đốt quặng pyrit sang đốt lưu huỳnh sạch (hơn 40 tỷ đồng) được triển khai, từ đó đã chấm dứt việc thải xỉ pyrit ra môi trường.
Không dừng lại đó, gần đây, LAS cũng thực hiện đề tài nghiên cứu công nghệ, cải tạo thiết bị, bổ sung xúc tác, vòng đệm cho bộ phận tiếp xúc, hấp thụ dây chuyền axit 1, axit 2 và axit 3; nâng cao hiệu suất chuyển hóa khí SO2, hấp thụ khí SO3, khí thải ra môi trường đáp ứng tiêu chuẩn cột B-QCVN21:2009/BTNMT (Quy chuẩn bắt buộc áp dụng từ đầu năm 2015).
Trong giai đoạn 2014-1016, LAS đã đầu tư thiết bị lọc búi túi cho bộ phận sấy nghiền sản phẩm Lân nung chảy; hệ thống thu hồi bụi nghiền sàng, đóng bao sản phẩm Supe lân; cải tạo hệ thống hấp thụ khí Fluo dây chuyền supe 2; xây dựng bãi chứa chất thải rắn công nghiệp...
Theo lãnh đạo công ty, vấn đề quản lý toàn diện về môi trường đã và đang được chú trọng. Theo đó, loại chất thải rắn thông thường, công ty đã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt 3 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp thông thường 5-6 tấn/ngày.
Đối với chất thải rắn - xỉ pyrit là nguồn thải do công nghệ sản xuất axít sunfuríc từ quặng pyrit (công nghệ của Liên Xô cũ) kể từ năm 1962 để lại. Từ năm 1998, công ty đã chuyển đổi dây chuyền axít 1 và đến năm 2003 chuyển đổi nốt dây chuyền axít 2 từ công nghệ sản xuất axít sunfuríc từ đốt quặng pyrit sắt (FeS2) sang đốt bằng lưu huỳnh nguyên tố (S) hóa lỏng, nên đã không còn phát sinh ra xỉ pyrit nữa.
Đối với bãi xỉ tồn trước đây, LAS đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý: Xây tường chắn kiên cố, mương rãnh thu hồi tuần hoàn nước ngấm, quy hoạch thu gom gọn xỉ pyrit vào một vị trí, cải tạo đất trồng cây xanh... Công ty đã đồng ý cho Cty CP Chế biến khoáng sản Vĩnh Phú đầu tư dự án xử lý, chế biến xỉ tại chỗ để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép và hoàn nguyên lại môi trường đất bãi xỉ...
Ngoài ra, loại nước thải từ sản xuất Supe lân, hiện công ty đang quan tâm đặc biệt, hợp tác với các đơn vị hàng đầu của Hà Lan để xử lý. Cùng với việc lập dự án, công ty đã chủ động nghiên cứu giải pháp khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực tế sản xuất, để xử lý nguồn nước thải trên và kết quả cho thấy khả quan.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2015, LAS đã thành lập Hội đồng Trách nhiệm xã hội (RC), là một thành viên của Hội đồng Trách nhiệm xã hội các Doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC). Hội đồng này hoạt động trên cơ sở sự tự nguyện nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của luật pháp, trong đó có vấn đề về ngăn ngừa ô nhiễm, thể hiện quyết tâm rất cao của lãnh đạo công ty trong việc quản lý môi trường.