Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:10 GMT+7

Tin hoạt động

Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên: Xử lý triệt để ô nhiễm

10/10/2011

Nhà máy Kẽm điện phân thuộc Công ty Kim loại màu Thái Nguyên tại khu công nghiệp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, được đầu tư xây dựng với tổng số tiền 180 tỷ đồng, trong đó, 40 tỷ đồng được đầu tư cho các hạng mục xử lý môi trường. Thế nhưng, khi nhà máy đi vào hoạt động, do chưa làm chủ công nghệ, những tác động môi trường đã gây nhiều bức xúc cho người dân khu vực xung quanh. Đặc biệt, sự cố rò rỉ khí axít sunfuric và nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép, gây thiệt hại diện tích cây trồng và hoa màu của người dân địa phương. Tác động hơi hóa chất từ phân xưởng điện phân cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới chính công nhân đang làm việc tại nhà máy. Nhà máy bị liệt vào danh sách “báo động đỏ” về môi trường, phải dừng hoạt động để khắc phục sự cố.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác môi trường, lãnh đạo nhà máy đã có những biện pháp quyết liệt, như: Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động; trang bị thêm các thiết bị máy móc hiện đại và cho công nhân đi học tập tại Trung Quốc; cải tạo, nâng cấp lò quay số 1, thay đổi công nghệ thu hồi sản phẩm của lò; đầu tư, nâng cấp khu vực chứa nguyên, nhiên liệu như quặng, than, đá vôi; cải tiến thiết bị xử lý, chuẩn bị nguyên liệu trước khi đưa vào lò.

Theo đó, hệ thống lọc bụi túi vải trong buồng thu bụi thủ công đã được thay bằng cơ khí hóa hoàn toàn; buồng thu hồi sản phẩm được thay bằng loại áp suất âm và thu hồi bằng các phương tiện cơ khí, van, vít tải, hệ thống giũ bụi khí nén và giàn búa gõ. Nhằm giảm nhiệt độ tại khu vực làm việc, hệ thống làm nguội khí, bụi được tăng diện tích trao đổi nhiệt từ 500m2 lên 600m2 và chuyển hướng ra xa khu vực nhà xưởng. Nhờ đó, môi trường khí ở lò thiêu lớp sôi được cải thiện đáng kể, không gây ô nhiễm môi trường, hàm lượng khí SO2 thải thấp nhỏ hơn 350mg/m3 (tiêu chuẩn khí thải quy định). Từ những biện pháp quyết liệt trên, môi trường làm việc của người lao động đã được cải thiện đáng kể do không phải tiếp xúc trực tiếp với khí nóng, bụi, giảm đáng kể bụi thải, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nhà máy còn kết hợp với Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường Thái Nguyên kiểm tra, đánh giá thường xuyên, xử lý kịp thời, tránh tác động xấu đến môi trường. Trên cơ sở kiểm tra phân tích của Trung tâm Quan trắc, nhà máy có các giải pháp, biện pháp xử lý hay đầu tư công nghệ cho phù hợp.

Vừa qua, với sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, nhà máy đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho xử lý nước thải và cải tạo hệ thống thu hồi khí thải trong phân xưởng điện phân; xây dựng kho chứa bùn phế thải có chứa kim loại nặng chờ xử lý trên 4 tỷ đồng. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí nước thải của nhà máy trong vòng kiểm soát.

Giám đốc Nguyễn Văn Hiển cho biết, thời gian tới, nhà máy đầu tư thêm 15 tỷ đồng triển khai hệ thống xử lý chất thải rắn và xử lý triệt để nguồn nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi đổ ra môi trường. Sau nỗ lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp thiết bị sản xuất, các công trình phụ trợ, đến nay, Nhà máy Kẽm điện phân đã vận hành tối đa công suất và đạt 10 ngàn tấn kẽm thỏi/năm, sản xuất 10 ngàn tấn axít sunfuric/năm.

Báo Công Thương