Hội thảo được tổ chức với mục đích tập hợp các chuyên gia, các đơn vị cung cấp thông tin toàn cảnh về Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, tình hình triển khai thực hiện, những cơ hội và thách thức, giới thiệu những mô hình thành công, một số đề xuất giải pháp cụ thể. Những kết quả của Hội thảo sẽ giúp cơ quan quản lý, các nhà hoạch định đưa ra các chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, trong đó chỉ ra ba nhiệm vụ quan trọng: Một là, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hai là, xanh hoá sản xuất. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hoá sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Ba là, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ rõ, để đảm bảo triển khai Chiến lược bằng các hành động thiết thực, hiệu quả, ưu tiên giai đoạn hiện nay là tuyên truyền nâng cao nhận thức, truyền thông đúng định hướng, cũng như giới thiệu những mô hình tốt trong thực hiện Chiến lược này cho các cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội là việc làm cần thiết để cổ vũ, nhân rộng các mô hình, báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có những chính sách kịp thời.
Về nghiên cứu đề xuất và các chính sách thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, các đối tác phát triển xây dựng và ban hành Khung hướng dẫn lựa chọn ưu tiên đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hướng dẫn lồng ghép đầu tư cho biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm và hiện đang xây dựng hướng dẫn đầu tư công cho tăng trưởng xanh. Đồng thời, chỉ ra các đột phá để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất, cần hình thành các kế hoạch hành động, xác định các hành động ưu tiên cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Thứ hai, cần nâng cao năng lực và kiện toàn các tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính và tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Thứ ba, sử dụng kết quả nghiên cứu về đầu tư cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu để hoàn thiện nuôi dưỡng đầu tư công xanh. Thứ tư, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, đầu tư của Chính phủ và ODA sẽ là chất xúc tác để thu hút, tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh thông qua chuyển giao công nghệ, dự án thí điểm, triển khai thí điểm. Những hành động này cần được triển khai một cách đồng bộ thông qua việc hoàn thiện thể chế, chuyển đổi mô hình kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp và đổi mới công nghệ.
Cập nhật tiến độ và định hướng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là Chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu về tăng trưởng xanh như đưa tăng trưởng xanh từ Chiến lược thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Dù còn cần hoàn thiện khung chính sách nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chuyển từ chính sách sang thực hiện với việc bổ sung nội dung biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Luật bảo vệ môi trường và một số quy định liên quan khác. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều đối tác phát triển tham gia Liên minh Xanh với Việt Nam như: UNDP, KOICA, GIZ, Belgium, EU, ADB, USAID, WB.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ với 66 hành động. Trong đó, việc huy động và phân bổ nguồn lực đã có tổng 177 chương trình, dự án với 10,8 tỷ USD cho 36 hành động. Cụ thể, 48 chương trình, dự án cho 10 hành động ưu tiên; 129 chương trình, dự án cho 26 hành động và 30 hành động chưa có sự hỗ trợ của ODA.
Tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam trình bày những công việc VCCI đã triển khai nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó có 4 công việc chính bao gồm: Thúc đẩy hình thành và phát triển văn hoá “doanh nghiệp phát triển bền vững” trong giới doanh nghiệp cả nước; Tập hợp và triển khai các giải pháp kinh doanh bền vững thông qua Chương trình hành động 2020; Đưa ra các tiêu chuẩn “doanh nghiệp phát triển bền vững” vào hệ thống đánh giá công khai và minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang có những thay đổi nhận thức, xu hướng đầu tư để sản xuất xanh, sạch, thể hiện trách nhiệm xã hội. Một trào lưu đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng sản xuất xanh đã và đang hình thành. Xu hướng này cần được tuyên truyền cổ động để trở thành một hướng đi chủ yếu trong đổi mới doanh nghiệp. Mặt khác, sẽ cần nhiều diễn đàn, kênh trao đổi để các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm các giải pháp xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất xanh./.