Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 13/10/2024 | 19:21 GMT+7

Tin hoạt động

Những thách thức trong sản xuất tiêu dùng bền vững ngành dệt may

11/10/2024

Ngành dệt may trong dài hạn vẫn còn không ít những thách thức cần được giải quyết liên quan đến quá trình xanh hóa chuỗi sản xuất và phát triển bền vững. 
Tại Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, ông Nguyễn Đức Trị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để cải thiện và đổi mới. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may là yêu cầu cấp bách.
Hiện nay, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu về kinh tế tuần toàn, sản phẩm xanh, mức độ phát thải carbon và sử dụng nguyên liệu tái chế đang tạo ra áp lực lớn cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu như Việt Nam.
Nhận thức rõ điều này, không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch sang các quy trình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế và giảm thiểu chất thải trong sản xuất. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các loại vải tái chế từ nhựa PET, vải cotton tái chế, hay sợi bền vững như sợi tre, sợi từ vỏ cây,...

Sợi tự nhiên ngày càng được ứng dụng nhiều trong may mặc 

Tuy nhiên, nhìn vào ngành dệt may trong dài hạn vẫn còn đó những thách thức cần được giải quyết, liên quan đến quá trình xanh hóa chuỗi sản xuất và phát triển bền vững. Trong đó, rào cản lớn nhất đến từ hạn chế về tài chính và công nghệ. Doanh nghiệp cần đầu tư lớn vào công nghệ hiện đại, như hệ thống xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên liệu tái chế... Nhưng điều này lại là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng tài chính để thực hiện những đầu tư này vì các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường thường có chi phí rất cao.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Một số doanh nghiệp chỉ xem sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn là một hình thức đối phó với các yêu cầu quốc tế thay vì coi đó là chiến lược dài hạn. 
Áp lực từ các tiêu chuẩn quốc tế cũng là một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đương đầu. Các yêu cầu liên quan đến phát thải carbon, sử dụng hóa chất an toàn và nguồn gốc nguyên liệu tái chế đặt ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hệ thống tiêu chuẩn, phát sinh nhiều chi phí đánh giá và duy trì các chứng nhận: WRAP, BSCI, LEED, ISO 14001:2015, Higg Index,…..
Nắm bắt các cơ hội
Cũng theo ông Nguyễn Đức Trị, mặc dù ngành dệt may Việt Nam còn nhiều khó khăn và rào cản, nhưng cũng có không ít điều kiện thuận lợi và cơ hội để các doanh nghiệp có thể tận dụng nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế về nguồn gốc bền vững và đạt các tiêu chuẩn về phát thải, bảo vệ môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì các thị trường xuất khẩu hiện tại mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới với giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
Dù ban đầu việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể làm tăng chi phí đầu tư, nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa, giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất lao động. Sản xuất bền vững giúp giảm lượng chất thải, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, và tạo ra những lợi ích kinh tế bền vững trong dài hạn.
May 10 là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất xanh
Bên cạnh đó, phát triển bền vững cũng giúp doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội để sáng tạo ra các sản phẩm mới thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giúp nâng cao hiệu suất và giảm tác động đến môi trường. Đặc biệt, sản xuất và tiêu dùng bền vững tác động đến văn hóa của tổ chức, tăng tính bền vững chiến lược phát triển của doanh nghiệp, với các chính sách hướng đến người lao động, tạo môi trường lao động an toàn, sức khỏe và xanh - sạch - đẹp góp phần thu hút, ổn định và phát triển lực lượng lao động của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ngành dệt may, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chỉ ra bốn nhóm giải pháp chính. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tuần hoàn để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đơn vị tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo lao động cho các doanh nghiệp có hướng chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn; xây dựng chính sách để hỗ trợ tư vấn về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn. Có chính sách huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư phát triển, có mức vay ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.    
Tố Uyên